(Xây dựng) - Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 (Quỹ). Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Quỹ vaccine được thành lập để đảm bảo an ninh vaccine, quan trọng chính là đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vaccine… |
Nội dung Quyết định 779 nêu rõ: Thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam do Bộ Tài Chính quản lý để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo an ninh vaccine, một trong những vấn đề rất quan trọng đó chính là đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vaccine. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine. “Đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân…”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Về bộ máy quản lý Quỹ, sẽ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách Nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ.
Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ nhưng phải đảm bảo an toàn.
Quỹ tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, sản xuất vaccine.
Bên cạnh đó, Quỹ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
“Với trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Trên cơ sở đó, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 sẽ được quản lý và sử dụng một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về nguồn thu của Quỹ sẽ là các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nhiệm vụ chi của Quỹ là sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; người sinh sống ở các khu vực có dịch... thuộc các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. |
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.
Bộ Tài chính xuất Quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.
Đánh giá cao việc thành lập Quỹ vaccine của Việt Nam, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam - đơn vị phối hợp mua và phân phối vaccine Covid-19 tại Việt Nam Rana Flowers cho biết: “Việc Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các công ty trong nước và quốc tế là việc làm rất ý nghĩa khi đây là những đối tượng hiểu rõ vaccine sẽ thay đổi cục diện kiểm soát Covid-19 và mong muốn đóng góp nhằm bảo đảm Chính phủ không chỉ có thể mua vaccine mà còn phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả…”.
Trước đó (ngày 19/05/2021), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, theo Bộ Tài chính kinh phí mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân… |
Bài: Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Linh Đan
Theo