Chủ nhật 19/05/2024 06:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

19:36 | 11/10/2023

(Xây dựng) - Đó là huyện vùng cao Ba Chẽ - từng là huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều năm vận động các doanh nghiệp, các huyện thị bạn mỗi đơn vị đỡ đầu 1 xã giúp dân xóa đói giảm nghèo. Mới đây, Hội đồng thẩm định Trung ương họp thẩm định hồ sơ, đánh giá kết quả, xem xét công nhận huyện Ba Chẽ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo huyện Ba Chẽ thực hiện mục tiêu xây dựng NTM bằng chính tiềm năng kinh tế rừng, chuyển hướng trồng rừng sang trồng cây gỗ lớn có lợi ích lâu dài.

Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Ba Chẽ bước vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong khó khăn, huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 79%, có 2,2/19 tiêu chí, 13,2/39 chỉ tiêu, có 5/7 xã đặc biệt khó khăn và chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 4,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 48,08%.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trung ương đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Ba Chẽ đạt chuẩn NTM.

Sau 12 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Ba Chẽ đã tập hợp được sự chung sức đồng lòng của toàn dân. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách kết hợp với nhà nước đầu tư công trình hạ tầng, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tổ chức và vận động nhân dân xóa cung cách tự sản tự tiêu, chuyển sang sản xuất hàng hóa, biến tiềm năng đất rừng thành của cải, vất chất phục vụ lợi ích dân sinh.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương sẽ chỉ đạo huyện Ba Chẽ sớm hoàn thiệu các chỉ tiêu, tiêu chí NTM còn phải tiếp tục đầu tư về thủy lợi, nước sạch, xử lý chất thải sinh hoạt.

Ba Chẽ đã lập đồ án quy hoạch xây dựng, nâng cấp thị trấn huyện lên đô thị loại IV, xã Lương Mông lên đô thị loại V. Hiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đổi mới nhanh, ngày một khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân; văn hóa xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới
Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng báo cáo kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM huyện Ba Chẽ.

Năm 2022, huyện Ba Chẽ có 7/7 xã đạt chuẩn NTM; trong đó 2/7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Lương Mông và Minh Cầm đáp ứng đầy đủ theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện NTM, giai đoạn 2021-2025; thị trấn Ba Chẽ đạt chuẩn đô thị văn minh; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 64,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện là 0,79%... Các thành viên của Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của huyện Ba Chẽ trong xây dựng huyện NTM; và cũng chỉ ra những hạn chế cần hoàn thiện về môi trường, giảm nghèo, giáo dục…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả xây dựng NTM của huyện Ba Chẽ, huyện đã tập trung phát triển kinh tế -xã hội, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân; kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ, kết nối các khu vực trong huyện và liên kết các địa phương đạt kết quả vững chắc tạo động lực để phát triển bền vững. Đồng thời đề nghị huyện Ba Chẽ cần quan tâm đến thủy lợi, nước sạch, xử lý chất thải sinh hoạt trong khu dân cư và hoạt động dịch vụ thương mại, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc. Qua kết quả kiểm tra hồ sơ, các thành viên của Hội đồng thẩm định Trung ương đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Ba Chẽ đạt chuẩn NTM. Nhưng Ba Chẽ cần xác định được mục tiêu ổn định các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Huyện ủy Vũ Thành Long cho biết: Ba Chẽ có diện tích tự nhiên gần 69.000ha, trong đó hơn 90% là rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển trồng rừng đặc biệt là cây gỗ lớn và các loại cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gỗ các loại, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Ba Chẽ có thể phát triển các loại dược liệu như ba kích, trà hoa vàng, nấm lim, các loại sâm... “Kinh tế lâm nghiệp là “xương sống” của Ba Chẽ”, Bí thư Huyện ủy Vũ Thành Long khẳng định.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Vũ Thành Long, để có bước phát triển đột phá trong kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, Ba Chẽ chú trọng phát triển các cây lâm nghiệp có giá trị cao, cây gỗ lớn, tập trung tái tạo rừng lim. Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn sản xuất với chế biến lâm sản.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy, Quyết định 3636/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết 10-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Ba Chẽ đề ra mục tiêu trồng trên 940ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, diện tích lim, lát, giổi là 420ha, các loài cây bản địa quế, thông, sa mộc là 520ha và 120ha trà hoa vàng, ba kích, cát sâm.

Kinh tế lâm nghiệp - dược liệu của Ba Chẽ đang từng bước phát triển. Huyện đã hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng bổ sung; tích cực triển khai việc đa dạng hoá cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, tăng thêm diện tích sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đến nay diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt khoảng 300ha với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng. Riêng năm 2022, toàn huyện trồng mới trên 60ha, đạt 83,5% được giao.

Không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã cùng bàn bạc, thành lập HTX nghề rừng để giúp nhau thoát nghèo bền vững và cùng làm giàu. Anh Triệu Quay Phúc - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ, cho biết: Việc kiên trì với cây quế đã giúp không ít gia đình đã có thu nhập tới 400 triệu đồng/ha/năm, đời sống kinh tế ổn định, xây được nhà mới và cho con cái học hành đầy đủ.

Qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng, sau đó là quế, hồi, sở... cho thu hoạch và mươi năm sau sẽ là những cánh rừng lim, giổi, lát xanh mát trùm bóng. Thời gian tới, Ba Chẽ sẽ mở rộng diện hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp. Tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc diện tích rừng đã trồng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây trồng...

Huyện Ba Chẽ cũng phối hợp với ngành du lịch để xây dựng hệ thống bán sản phẩm OCOP chế biến từ rừng, dược liệu. Đồng thời lập quy hoạch vùng sản xuất, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, khai thác tiềm năng lợi thế đất lâm nghiệp.

Ông Bàn Tài Thông - ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Sơn cho biết: gia đình mình làm du lịch nhân dân dưới tán là rừng khi Ba Chẽ là huyện miền núi, có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, như: Thác Khe Lạnh, Khe Lùng, Hồ Khe Lọng, hang đá Lục Văn Thông, Đèo Giang... rất hợp với những người ưa thích sự khám phá, trải nghiệm, nhưng không ai cấp phép, rất khó khăn cho phát triển du lịch nhỏ lẻ này bài bản và lâu dài. Tỉnh và huyện cần quan tâm, đây là một trụ cột kinh tế xóa đói nghèo- làm giàu xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Ba Chẽ còn có tiềm năng du lịch tâm linh với các ngôi đền thiêng, cổ đại như Khu di tích lịch sử được Xếp hạng Di tích cấp tỉnh Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn) nằm bên cạnh dòng sông Ba Chẽ. Hội Trà hoa vàng với chủ đề “Rực rỡ Trà hoa vàng” hàng năm thu hút du khách thập phương. Ngành kinh tế du lịch đang đổi đời cho người dân ở huyện nghèo vùng cao này.

Một số hình ảnh xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Chẽ:

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Chè hoa vàng, vốn là chè rừng bản địa được đánh về trồng trong vườn nhà và chế biến trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm xưa đìu hưu khuất nẻo nay trù mật.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Hệ thống cầu đường kiên cố, đã xóa nạn úng lụt mưa rừng.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Đường sá thông thương là động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Đường vào khe bản thoáng rộng, đêm đến điện lưới quốc gia thắp sáng.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Khe bản trước đây diện “sơn cùng-thủy tận” nay hệ thông giao thông liên thôn, liên xã thoáng rộng.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Tại xã Đồn Đạc, Ba Chẽ, nhiều ngôi biệt thự xây trong khe bản, đời sống của người dân được cải thiện.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Các cơ sở giáo dục, đào tạo được đầu tư nâng cấp, có trường đạt chuẩn quốc gia.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Nước hợp vệ sinh đã đến các khe bản hẻo lánh.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Hàng tuần, các thôn bản dọn vệ sinh tập thể, thu gom rác về nơi xử lý rác tập trung, sạch làng, tốt ruộng.

Quảng Ninh: Huyện nghèo nhất tỉnh đạt nông thôn mới

Ba Chẽ xử lý rác sinh hoạt khe bản tốt nhất trong số các huyện vùng cao Quảng Ninh (ảnh: Lò đốt rác ở thôn Khe Hố, xã Nam Sơn).

Phong Cầm -Ảnh Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load