Chủ nhật 03/11/2024 05:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Nam: Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng

10:32 | 12/06/2021

(Xây dựng) – Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn và có thể vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp các doanh nghiệp xây dựng ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất.

quang nam thao go vuong mac kho khan cho doanh nghiep xay dung
Nhiều loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, khiến người dân xây dựng nhà ở, doanh nghiệp thi công các công trình gặp không ít khó khăn.

Doanh nghiệp xây dựng gặp khó

Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như: Sắt, thép, xi măng, cát, đá... liên tục tăng giá, khiến người dân xây dựng nhà ở, doanh nghiệp thi công các công trình gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình, nhất là nguồn vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lùi thời gian hoặc tạm ngừng thi công công trình để chờ giảm giá vật liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Tiến, đại diện khối doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn do giá các loại vật liệu, giá nhân công, giá nhiên liệu đều tăng cao. Giá nhân công lao động trong lĩnh vực xây dựng so với giá được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành trước đó chưa sát thực tế, chi phí thuê nhân công tăng gấp 2,5 – 3 lần so với giá quy định; giá nhân công thực tế tại các địa phương dao động từ 350.000 đồng – 450.000 đồng/ngày công. Đặc biệt, nguồn lao động trong ngành xây dựng ngày càng khan hiếm; số lượng các dự án trong khu vực và địa bàn nhiều, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trả lương cao kéo theo ngày lương tăng cao cho các dự án địa phương, dự án ngân sách.

Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng từ đầu năm 2021 đến nay. Đa số các loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, ngói, vật tư điện nước đều tăng giá từ 10 – 20%; đặc biệt giá thép tăng từ 30 – 40%. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng phải bù lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, dấu hiệu tăng giá vẫn chưa hạ nhiệt khi các nhà máy liên tục thông báo điều chỉnh tăng giá thép. Mặt khác, nguồn vật liệu khan hiếm, đặc biệt nguồn vật liệu khoáng sản thông thường như đất nền, cát, đá.

Không chỉ giá nhân công, giá vật liệu tăng cao mà giá cước vận chuyển, giá ca máy cũng theo đó tăng từ 1,5 – 2 lần so với giá quy định. Ông Tiến cho biết thêm, giá vận chuyển quy định thấp do chưa đánh giá hết được các tuyến đường có địa hình phức tạp, chất lượng mặt đường kém do lưu lượng xe lớn, mặt đường hẹp, giá thuê vận chuyển, chi phí vận chuyển thực tế luôn cao hơn giá quy định. Mặt khác, hiện nay giá xăng dầu tăng liên tục cũng là nguyên nhân góp phần làm chi phí vận chuyển tăng cao. Việc giá nhân công tăng cao cũng đã kéo theo giá ca máy tăng từ 1,5 – 2 lần/ca…

Nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết: Lắng nghe các ý kiến từ doanh nghiệp, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mức, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể như:

Một là, yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, tính toán lại giá nhân công phù hợp với thực tế. Sở Tài chính bố trí kinh phí cho Sở Xây dựng thực hiện gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn về giá. Đồng thời, giao các địa phương tiếp tục rà soát về nguồn nguyên liệu vật liệu xây dựng đất đắp nền, cát, đá.

Hai là, xác định nhu cầu của nguồn nguyên liệu xây dựng trên địa bàn để báo cáo sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND tỉnh, cập nhật kịp thời khung giá theo thực tế. Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường giá vật liệu xây dựng; điều chỉnh giá phù hợp theo thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hoạt động.

Ba là, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… một cách phù hợp, đúng quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Bá, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, hiện nay giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 710/QĐ-UBND thấp hơn so với giá thị trường. Đơn giá nhân công thay đổi thì kéo theo việc đơn giá ca máy, đơn giá vận chuyển, đơn giá dịch vụ công ích…đều bị ảnh hưởng. Việc khảo sát, xây dựng giá nhân công trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng, cần triển khai hoàn thiện sớm để thay thế hoàn toàn Quyết định 710, theo đó Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí lựa chọn nhà thầu thực hiện tư vấn đơn giá, sớm ban han hành sát với giá thị trường theo kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Bá cho biết thêm, đối với giá vật liệu xây dựng như thép, cát, sỏi…Sở đã cập nhật giá vào đơn giá, đồng thời tiếp tục theo dõi, cập nhật giá sát với thị trường…

Ngày 10/5/2021, Bộ Xây dựng đã có Công văn 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan: Đánh giá tác động của dịch Covid và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng:

Tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng;

Dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam: Tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng (nếu có) và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng hội và các Hiệp hội chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung nêu trên.

Bài: Quảng Nam: Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thanh Xuân – Phương Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load