(Xây dựng) - Ngày 1/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng diễn ra Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng”.
Ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn Xây dựng Việt Nam và một số Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; đại diện các Hiệp hội, Trường Đại học, các Viện nghiên cứu có liên quan và chuyên gia; đại diện các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua, nhiều dự án xây dựng được triển khai, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng với công nghệ xây dựng mới và thiết bị hiện đại đã được đưa vào hoạt động, góp phần cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành Xây dựng, an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng (TCXD), Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật ATLĐ trong TCXD.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tham gia soạn thảo, góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật gồm Luật An toàn, vệ sinh lao động, các Nghị định và nhiều Thông tư do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành chủ trì biên soạn, trình ban hành, ban hành có liên quan đến công tác ATLĐ trong TCXD...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác ATLĐ trong TCXD, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý, hành lang kỹ thuật để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và người dân thực hiện, góp phần làm giảm tỷ lệ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể: Theo số liệu thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tai nạn lao động (TNLĐ), tỷ lệ về số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng gây thiệt hại về người giai đoạn 2021-2023 chiếm 13,2% trên tổng số vụ TNLĐ của các ngành nghề (đã giảm so với giai đoạn 2016-2020 chiếm 18,75%).
Mặc dù, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng đã giảm dần, tuy nhiên, tỷ lệ về tai nạn lao động gây thiệt hại về người của lĩnh vực xây dựng còn ở mức cao hơn so với các ngành nghề khác. Gần đây còn có một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm thiệt hại cùng lúc đến nhiều người lao động, đều liên quan đến nguyên nhân trực tiếp là do ngã cao; máy thiết bị cán, kẹp; đổ, sập; điện giật và trong không gian hạn chế (các công trình ngầm, đường hầm, khu vực kín, chật hẹp, thiếu ánh sáng, phải đối mặt với hơi/khí độc, nguy hiểm, thiếu ôxy…).
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong TCXD, trong đó quy định việc thực hiện đảm bảo an toàn đối với làm việc trên cao và làm việc trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng, hiện nay các nước phát triển (châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật, Singapore,...) đều có các tài liệu kỹ thuật chuyên sâu, hướng dẫn chi tiết, cụ thể một số công việc xây dựng có nguy cơ mất an toàn cao.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Mặt khác, theo thống kê, các TNLĐ chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc liên quan đến: Làm việc trên cao; làm việc trong không gian hạn chế; sử dụng giàn giáo và sử dụng máy, thiết bị thi công. Vì vậy, các hướng dẫn dưới dạng chỉ dẫn kỹ thuật chuyên sâu là rất cần thiết để áp dụng trong thực tế và để cụ thể hóa các nội dung có liên quan quy định trong quy chuẩn về an toàn trong TCXD.
Ông Ngô Lâm bày tỏ mong muốn Hội thảo này các đại biểu tham dự sẽ tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến, giải quyết một số nội dung liên quan đến các tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn lao động liên quan đến an toàn lao động trong xây dựng. Góp ý hoàn thiện tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao”; Tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trong không gian hạn chế”...
Nhằm giảm thiểu sự cố, TNLĐ và đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng 2 tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng” để ban hành.
Tại Hội thảo, TS. Lê Trường Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý an toàn xây dựng, Cục Giám định trình bày về nội dung 2 tài liệu này. Những ý kiến đóng góp từ kinh nghiệm thực tiễn của các đại biểu tham dự, mong muốn bộ tài liệu sớm được thực thi, áp dụng có hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng quản lý, kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác ATLĐ trên công trường thi công.
Ngọc Hà
Theo