(Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 cho các huyện để hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp của tỉnh.
Cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng tại Quảng Nam (ảnh minh họa). |
Theo đó nguồn vốn hỗ trợ là 15 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Các cụm công nghiệp được nhận nguồn vốn gồm: Cụm công nghiệp Tài Đa thuộc huyện Tiên Phước, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao thông nội bộ, san nền, hệ thống thoát nước, cây xanh cách ly, cây xanh cảnh quan.
Hỗ trợ đầu tư Cụm công nghiệp Tinh dầu Quế huyện Bắc Trà My đầu tư các hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, san nền, hệ thống thoát nước, cấp nước. Hỗ trợ đầu tư Cụm công nghiệp Việt An, huyện Hiệp Đức đầu tư các hạng mục bồi thường - giải phóng mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, san nền, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống cấp nước, phòng cháy chữa cháy, cấp điện.
Đối với Cụm công nghiệp Đông Phú tại huyện Đại Lộc do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tây Đà Nẵng là nhà đầu tư nên ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện, kinh phí hỗ trợ được sử dụng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với 04 Cụm công nghiệp trên được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh. Các Cụm công nghiệp được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt hoặc cho phép bổ sung trong từng thời kỳ, Cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, Cụm công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có diện tích từ 5ha trở lên tại địa bàn các huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước. Hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 2 Cụm công nghiệp, và chỉ hỗ trợ Cụm công nghiệp thứ hai sau khi Cụm công nghiệp thứ nhất lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp.
Hải Nam
Theo