Thứ năm 26/12/2024 18:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tăng tỷ lệ nội địa hoá để tạo động lực phát triển cho công nghiệp hỗ trợ

10:09 | 13/11/2024

(Xây dựng) - Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu đã sản xuất ra nhiều linh kiện, sản phẩm, quy trình công nghệ,… với chất lượng cao, giá thành thấp và có khả năng thay thế các sản phẩm nhập ngoại. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước.

Tăng tỷ lệ nội địa hoá để tạo động lực phát triển cho công nghiệp hỗ trợ
Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9.000; 90% DN có chứng nhận ISO 14.000.

Thúc đẩy nội địa hóa thiết bị

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất, chế tạo trong ngành CNHT. Do đó khối lượng linh kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Trên thực tế, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đang còn hạn chế về năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ, chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay công cụ quản lý sản xuất.

Để thúc đẩy nội địa hóa thiết bị hỗ trợ phát triển CNHT, thời gian qua Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã có những điểm sáng, cụ thể thông qua sự hỗ trợ của Dự án khoa học và công cấp quốc gia Thaco từng bước làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách, từ đó đã rút ngắn được thời gian thiết kế xe so với trước đây.

Lãnh đạo Thaco cho biết, dự án được triển khai đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc ứng dụng thành công các công nghệ trên thế giới như: Công nghệ ép phun, công nghệ chuyển nhựa vào khuôn có hỗ trợ chân không, công nghệ composite định hình khung kim loại, công nghệ tạo hình nhiệt, công nghệ nhựa định hình màng phức hợp.

“Việc thực hiện dự án thành công đã góp phần nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xe khách giường nằm của Thaco lên 78% và tăng tỉ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%; giảm 15% giá thành các linh kiện nội ngoại thất ô tô. Qua đó, thúc đẩy phát triển CNHT cho ô tô và góp phần tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động của Thaco Chu Lai tại Quảng Nam” – lãnh đạo nhấn mạnh.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong việc triển khai các dự án khoa học công nghệ, Viện đã làm chủ về thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ trợ và từng bước làm chủ việc thiết kế nhà máy, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện, trong đó có hai dự án cấp đặc biệt là Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).

Bên cạnh đó, làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), nâng được tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị…

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công thiết bị đầu quay không lõi, giúp các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may… nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí nhân công và giá thành trong công tác bảo dưỡng, vệ sinh máy móc.

Tập trung chính sách hỗ trợ

Việc phát triển CNHT trên nền tảng cơ khí chế tạo được các doanh nghiệp, viện nghiên cứu coi là mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhằm tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án quốc gia về khoa học và công nghệ và trong các chương trình, đề án này có nhiều chương trình liên quan đến CNHT.

Tăng tỷ lệ nội địa hoá để tạo động lực phát triển cho công nghiệp hỗ trợ
Việc phát triển CNHT trên nền tảng cơ khí chế tạo được các doanh nghiệp, viện nghiên cứu coi là mục tiêu chiến lược.

Chẳng hạn, thông qua các nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm; thiết kế và chế tạo một số loại đồ gá hàn khung vỏ xe ô tô con; công nghệ chế tạo vật liệu tản nhiệt cho thiết bị điện, điện tử trên nền ống vật liệu nano carbon; thiết kế, chế tạo dây chuyền và thiết bị để đổi mới công nghệ sản xuất dây cáp điện…

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 6/8/2020 nêu nhiệm vụ: Cần tập trung nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load