(Xây dựng) – UBND huyện Đại Lộc đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng để xây dựng, sữa chữa 18 công trình với lý do ngân sách gặp khó sau dịch Covid-19 và tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới.
UBND huyện Đại Lộc đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng để xây dựng, sữa chữa 18 công trình |
Ngày 9/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra nội dung đề nghị của UBND huyện Đại Lộc về việc xin hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Đại Lộc phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan cho Sở Tài chính trong quá trình tham mưu UBND tỉnh giải quyết nội dung đề nghị nêu trên.
Trước đó, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc có tờ trình về việc xin hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện.
UBND huyện Đại Lộc cho hay trong các năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đến nay diện mạo nông thôn của huyện ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.
Lãnh đạo huyện cho hay dù được tỉnh quan tâm và địa phương đã rất nỗ lực, nhưng do Đại Lộc có xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng còn kém phát triển nên khối lượng công việc cần phải tiếp tục đầu tư còn rất lớn.
Để từng bước xây dựng các công trình hạ tầng đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2024-2025, cùng với đó duy trì 13 xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí 2021, 2025, ít nhất 8 xã nông thôn mới nâng cao và ít nhất 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đại Lộc cần phải tập trung, lồng ghép và tận dụng từ nhiều nguồn lực khác nhau mới có thể thực hiện được.
Ngoài ra, huyện Đại Lộc là vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam, hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề, kết cấu hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân. Mặc dù, đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ cùng với nguồn lực địa phương đầu tư khắc phục hằng năm, nhưng do khối lượng các công trình bị hư hỏng quá lớn, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi.
Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức, kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ hư hỏng của từng dự án để lập thủ tục nâng cấp, sửa chữa, kè chống sạt lở để khắc phục và phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư là 20,3 tỷ đồng cho 18 công trình (mỗi công trình từ 1-1,2 tỷ đồng).
UBND huyện Đại Lộc cho rằng sau đại dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách huyện gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, huyện vừa phải tập trung cao trong công tác đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo cho mục tiêu, tiêu chí để trở thành huyện Nông thôn mới trong giai đoạn 2024 - 2025, vừa phải đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả do thiên tai hằng năm gây ra. Mặt khác các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng bởi sự sụt giảm mạnh của thị trường bất động sản và chưa đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng nên gặp trở ngại trong việc triển khai thực hiện.
Vì vậy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìn kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam xem xét quan tâm hỗ trợ kinh phí khoảng 20,3 tỷ để triển khai đầu tư xây dựng các công trình.
Hải Nam
Theo