Thứ tư 15/01/2025 12:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Dân bức xúc vì đền bù chưa thỏa đáng

14:38 | 24/04/2018

(Xây dựng) - Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại Dự án xây dựng đường vành đai II trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người dân đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Sau rất nhiều cuộc đối thoại giải quyết, các cơ quan quận Hai Bà Trưng và người dân vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.


Ngôi nhà của gia đình ông Nhàn tại số 331 phố Minh Khai.

Báo Xây dựng nhận được Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Nhàn, sinh năm 1954, hộ khẩu ở A10, Tập thể nhà máy dệt, phường  Mỗ Lao (Hà Đông, Hà  Nội) phản ánh về việc, gia đình ông tại số 331 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuộc diện di dời, thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng đường vành đai II trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng). Tuy nhiên, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã  xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Theo đơn trình bày, hai thửa đất 211 và 212 tại số nhà 331 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy ban đầu là một mảnh đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của cụ Nguyễn Thanh Vân và vợ Đỗ Thị Dung. Ngày 07/07/1981 vợ chồng cụ Vân được đơn vị Vận tải A173 Bộ Quốc phòng bán cho 03 gian  nhà lá gắn liền với quyền sử dụng đất, đây là một hợp đồng mua bán nhà gắn liền với đất ở.

Ngày 13/10/1990, UBND phường Vĩnh Tuy xác nhận ngôi nhà này là nhà tự quản tư nhân của hai cụ.  Ngày 13/10/1990, vợ chồng cụ Vân bán một phần đất cho cháu ruột là ông Nguyễn Văn Lũy - nay là thửa đất 212 diện tích 56,7m2. Ngày 03/01/2002, ông Lũy bán thửa đất 212 cho vợ chồng ông Nhàn (giấy mua bán viết tay). Ngày 10/9/2007, UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AK089719 cho thửa đất 212 này nhưng vẫn đứng tên ông Nguyễn Văn Lũy và vợ là Trần Thị Nhung. Tháng 9/2007, bà Nhung đã giao lại cho ông Nhàn giấy tờ thửa đất 212 này và giấy tờ gốc đơn vị A173 bán nhà cho cụ Vân từ tháng 7/1981 và giấy bán nhà của cụ Vân cho ông Lũy kèm bản vẽ tổng thể. Sau khi bán nhà cho ông Nguyễn Văn Lũy thửa đất 212, ngày 15/10/1992, cụ Vân còn lại một phần đất (thửa đất 211) đã bán lại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhàn (bằng giấy viết tay). Gia đình ông Nhàn ăn ở ổn định từ đó đến nay, hàng năm đều nộp thuế đất (có xác nhận của UBND phường Vĩnh Tuy ngày 10/04/2017).

Ông Nhàn cho biết: “Năm 1998, tôi làm thủ tục khai thửa đất 211 này với UBND phường Vĩnh Tuy và làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở nhưng không được giải quyết vì tôi không có hộ khẩu ở Hà Nội. Ngày 01/8/2008 tỉnh Hà Tây sát nhập về Hà Nội, tôi đến UBND phường Vĩnh Tuy để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng cán bộ địa chính phường nói đất của tôi thuộc diện giải tỏa làm đường vành đai II nên không được cấp GCNQSDĐ nhưng khi đền bù vẫn được đền bù như đất có sổ đỏ. Chính vì vậy, đến nay thửa đất 211 vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ mặc dù thửa đất này có đầy đủ tiêu chuẩn để cấp GCNQSDĐ theo quy định của Luật Đất đai vì đây là đất tự quản có giấy tờ gốc từ đơn vị Vận tải A173 Bộ Quốc phòng bán cho cụ Nguyễn Thanh Vân và vợ là Đỗ Thị Dung”.

Tìm hiểu được biết, ngày 10/4/2017, UBND phường Vĩnh Tuy có Giấy xác nhận về việc sử dụng đất, về các tài sản gắn liền với đất bị thu hồi và về hộ gia đình, cùng số nhân khẩu đang trực tiếp sinh sống tại địa điểm thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng đường vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng) trên địa bàn phường Vĩnh Tuy đối với trường hợp của vợ chồng ông Nhàn. Trong giấy xác nhận ghi rõ, tổng diện tích đất đang sử dụng 122,12m2. Diện tích đất bị thu hồi 122,12m2, trong đó diện tích đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất ở là 56,7m2, diện tích đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất ở là 65,42m2.

Ngày 08/02/2018, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 376/QĐ – UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án xây dựng đường vành đai II trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng) đối với người sử dụng đất, sở hữu tài sản bị thu hồi là vợ chồng ông Nhàn. Theo Quyết định thì tổng số tiền được bồi thường, hỗ trợ phê duyệt đối với nhà ông Nhàn là hơn 10 tỷ 183 triệu đồng, số tiền khấu trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định là hơn 1 tỷ 77 triệu đồng.

“Tại giấy xác nhận của UBND phường Vĩnh Tuy ngày 10/4/2017 xác nhận thửa đất 211 diện tích 65,42m2 của tôi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, UBND phường Vĩnh Tuy đã nhầm lẫn giữa  giấy GCNQSDĐ (sổ đỏ) với các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất ở vì đây là thửa đất của vợ chồng cụ Vân được đơn vị Vận tải A173 Bộ Quốc phòng bán cho hai cụ. Từ xác nhận không đúng của UBND phường Vĩnh Tuy dẫn đến Quyết định số 376/QĐ-UBND của UBND quận Hai Bà Trưng đã khấu trừ nghĩa vụ tài chính của gia đình tôi hơn 1 tỷ đồng”, ông Nhàn cho biết thêm.

Để rộng đường dư luận, ngày 19/4/2018, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Trần Nam Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, ông Sơn cho biết: “Đối với thửa đất 211, diện tích 65,42m2 có nguồn gốc của cụ Nguyễn Thanh Vân theo Biên bản giải quyết căn nhà 3 gian của đơn vị mà cụ Nguyễn Thanh Vân đang ở của Cục vận tải A173 ngày 7/7/1981. Ngày 15/10/1992 cụ Vân bán lại cho cháu là vợ chồng ông Nhàn bằng giấy viết tay. Gia đình ông Nhàn ăn ở ổn định từ đó đến nay không tranh chấp. Tuy nhiên, tại biên bản giải quyết căn nhà 3 gian của đơn vị mà cụ Nguyễn Thanh Vân đang ở của Cục vận tải có đề cập đến khoảnh đất đơn vị bàn giao lại cho địa phương quản lý. UBND phường Vĩnh Tuy đã kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại UBND phường thì không có thông tin và hồ sơ liên quan đến việc Cục vận tải A173 bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Luật sư Lại Huy Phát, văn phòng luật sư Hoàng Hưng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Đối với trường hợp nhà ông Nhàn, căn cứ theo khoản 1, Điều 75 Luật Đất đai quy định: hộ gia đình cá nhân được bồi thường khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (hướng dẫn k1, Điều 6 Nghị định 47). Theo k1, Điều 100 Luật Đất đai thì diện tích 65,42m2 đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ (điểm d và đ, khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai) và chủ sử dụng đất đã đi kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Điều 13 Nghị định 47 quy định: chủ sử dụng đất chỉ bị khấu trừ tiền sử dụng đất khi bồi thường nếu chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1; 2 Điều 100 Luật Đất đai trong khi ông Nhàn có đầy đủ giấy tờ này (Biên bản hóa giá nhà của đơn vị Vận tải A173; giấy bán nhà viết tay giữa cụ Vân và ông Nhàn). Cùng 01 thửa đất cụ Vân được đơn vị vận tải A173 bán cho, thì nửa diện tích bán cho ông Lũy được cấp GCNQSDĐ và được bồi thường 100%. Trong khi nửa còn lại bán cho ông Nhàn (chưa được cấp GCNQSDĐ) lại bị khấu trừ. UBND phường Vĩnh Tuy xác nhận: nửa bán cho ông Lũy có GCNQSDĐ, nửa bán cho ông Nhàn không có giấy tờ về quyền sử dụng đất việc xác nhận như trên của UBND phường Vĩnh Tuy là chưa đúng vì phần diện tích bán cho ông Nhàn là có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013.

Việc đền bù giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng nhằm trả lại mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc người dân và chính quyền không thống nhất được phương án hỗ trợ, bồi thường và tái định cư sẽ là nguyên nhân làm chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Báo Xây dựng đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội, quận Hai Bà Trưng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc trên để tránh khiếu kiện kéo dài.

Nhóm PV Pháp Luật

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load