(Xây dựng) - Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp, căng thẳng tại các tỉnh phía Nam, số ca mắc mới không ngừng tăng, việc xây dựng Bệnh viện dã chiến là một yêu cầu cấp bách đặt ra.
Công trường Bệnh viện dã chiến Đào Trí quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh. |
19 tỉnh phía Nam nơi đang phải thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 đã rất chủ động, sáng tạo, thần tốc, an toàn trong việc thiết lập Bệnh viện dã chiến phục vụ nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và chuẩn bị những phương án dự phòng trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã đánh giá cao tinh thần làm việc này tại buổi làm việc của Tổ công tác đặc biệt.
Chủ động, sáng tạo trong xây dựng Bệnh viện dã chiến
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, tất cả các địa phương đã rất chủ động công tác xây dựng Bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn bắt tay vào xây dựng Bệnh viện dã chiến ngay từ những ngày đầu. Bằng việc chủ động tìm mọi nguồn lực, sử dụng nguồn nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng, thành phố đã xây dựng được 14 Bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện có khoảng 30-50 nhân viên y tế.
Không chỉ chủ động, Thành phố Hồ Chí Minh còn rất sáng tạo trong công tác xây dựng Bệnh viện dã chiến. Ngay ban đầu, thành phố đã tận dụng những địa điểm có thể sử dụng được ngay để đưa vào thiết lập bệnh viện. Cụ thể, ở cấp thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng các khu tái định cư, đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiện ích, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy… để làm Bệnh viện dã chiến với khoảng 55.000 giường bệnh. Hiện thành phố đã sử dụng hết các căn hộ tái định cư ở thành phố Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh… Ở cấp quận, huyện, địa phương, thành phố sử dụng các trường học, cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm đào tạo… để tu sửa, xây dựng thêm các nhà tắm, nhà vệ sinh lắp ráp, để đưa vào hoạt động khu vực thu dung với khoảng 32.000 giường. Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện thành phố có khoảng 87.000 giường bệnh, đáp ứng cơ bản cho việc thu dung F0. Dự kiến thành phố sẽ xây dựng thêm khoảng 10.000 giường bệnh nữa”.
Các công nhân gấp rút thi công xây dựng Bệnh viện dã chiến Đào Trí. |
Không chỉ tận dụng nguồn lực có sẵn, Thành phố Hồ Chí Minh còn vận động các doanh nghiệp cùng tham gia, chung tay xây dựng nhiều Bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Những Bệnh viện dã chiến được xây dựng không sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước. Điều này không chỉ thể hiện sử chủ động mà còn là việc làm sáng tạo của lãnh đạo Thành phố trong công tác xây dựng hệ thống Bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cũng rất chủ động và sáng tạo trong vấn đề này. Các tỉnh thành này chủ trương tận dụng, sửa chữa, cải tạo các cơ sở công như kí túc xá, trường Đại học, trung tâm y tế, các cơ sở y tế… để thiết lập Bệnh viện dã chiến. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: “Sở đã tìm được 3.500 giường bệnh, sắp tới sẽ cải tạo, có thể xin được 2 ký túc xá khu Đại học Việt Đức với 2.800 giường nữa. Tổng cộng được khoảng 6.500 giường.”
Tại Đồng Nai, tỉnh cũng thành lập được 6 Bệnh viện dã chiến với quy mô 3.320 giường. Các bệnh viện này được cải tạo từ các trung tâm y tế huyện, các ký túc xá như: Ký túc xá của trường Đại học Lạc Hồng cơ sở 1, ký túc xá Đại học Mở của Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh trường Cao đẳng Thủy lợi, ký túc xá Đại học Đồng Nai… Ông Đỗ Thành Phương, Phó Giám đốc sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai dự kiến ít nhất có thêm 2 Bệnh viện dã chiến, quy mô khoảng 2.000 giường, từ việc cải tạo cơ sở cũ, nâng tổng số giường bệnh của Đồng Nai lên khoảng 5000 giường.”
Tại Cần Thơ cũng vậy, tận dụng các trung tâm y tế của các quận, huyện và bệnh viện, cụ thể là trung tâm y tế quận Bình Thủy, quận Cái Răng, huyện Thới Lai và Bệnh viện Quân dân y để xây dựng Bệnh viện dã chiến. Ủy ban nhân dân thành phố cũng phối hợp với bệnh viện Đa khoa Trung ương để xây dựng Bệnh viện dã chiến 800 giường tại huyện Phong Điền. Đây là Bệnh viện dã chiến cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Còn ở Kiên Giang, ngay từ thời điểm đầu dịch bùng phát, Kiên Giang đã nhanh chóng, chủ động cho xây dựng một Bệnh viện dã chiến theo chủ trương của Chính phủ, quy mô 300 giường, tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, tỉnh này cũng cải tạo các bệnh viện ngoài khu trung tâm thành khu điều trị, hiện nay đã thực hiện được 1.275 giường.
Thi công thần tốc, an toàn
Xây dựng Bệnh viện dã chiến là việc làm vô cùng cấp bách trong tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đây cũng là một áp lực rất lớn đối với 19 tỉnh thành khu vực phía Nam. Làm sao để tiến hành xây dựng, thiết lập các Bệnh viện dã chiến một cách nhanh chóng, đồng thời phải đảm bảo yếu tố an toàn một cách tuyệt đối, tránh để xảy ra bất kì sai sót và rủi ro nào trong quá trình thi công.
Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, với sự chung tay, đồng lòng, giúp sức và tinh thần quyết tâm cao, các tỉnh thành đã và đang hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Các Bệnh viện dã chiến được xây dựng một cách thần tốc, an toàn, đáp ứng nhu cầu thu dung người bệnh.
Công trường Bệnh viện dã chiến 9AB quận Bình Chánh Thành phố Hố Chí Minh. |
Các địa phương đã tập trung vào việc tìm kiếm nhanh những đơn vị có khả năng cho mượn những cơ sở kinh doanh, cơ sở giáo dục… và tài trợ để xây dựng Bệnh viện dã chiến. Ví dụ như ở Bình Dương, nhận thấy tình hình dịch phức tạp, con số lây nhiễm bắt đầu tăng cao, Bình Dương đã nhanh chóng tìm kiếm tới khu Đại học Việt Đức, chủ động xin Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi công năng khu Đại học Việt Đức thành Bệnh viện dã chiến, đáp ứng kịp thời thu dung F0 trên địa bàn tỉnh.
Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, các Bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc chưa từng thấy. Với thời gian cho phép chỉ 10 ngày cho cải tạo, tu sửa các cơ sở cũ và tối đa 2 tháng để xây mới, hàng loạt công trình đã nhanh chóng được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của người dân thành phố.
Điển hình phải kể đến Bệnh viện dã chiến số 5, với sự tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đơn vị thi công là Tập đoàn Đầu tư An Đông. Chỉ sau 10 ngày gấp rút cải tạo từ trung tâm thương mại The Garden Mall (tên cũ là Thuận Kiều Plaza), ngày 20/7 vừa qua, bệnh viện đã được bàn giao để đưa vào sử dụng với quy mô 1.000 giường bệnh.
Tiếp đến vào ngày 21/7, bệnh viện dã chiến số 10 đã được Tập đoàn Novaland hoàn tất bàn giao cho Thành phố Hồ Chí Minh tại khu căn hộ tái định cư phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, với 506 căn hộ, với sức chứa khoảng 3.500 giường. Trước đó, Tập đoàn này cũng đã bàn giao 170 căn hộ tái định cư trên địa bàn Quận 1 để làm khu cách ly tập trung. Đồng thời, Tập đoàn Novaland vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các ban ngành liên quan để tiếp tục bàn giao một số khu vực/dự án trong thời gian sắp tới để cùng chung tay thành phố chống dịch.
Cùng với đó, 2 Bệnh viện dã chiến khác do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư cũng đang được gấp rút thi công với mục tiêu thần tốc trong 30 ngày sẽ hoàn thành. Đó là Bệnh viện dã chiến nằm trên đường Đào Trí, quận 7 và Bệnh viện dã chiến 9AB thuộc địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, với tổng quy mô giường bệnh lên tới 7.000 giường. Công trình dự kiến sẽ được bàn giao vào đầu tháng 8...
Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chung tay cùng với chính quyền thành phố, xây dựng Bệnh viện dã chiến là một việc làm mang đầy tính chủ động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, các công trình được xây dựng hoàn toàn từ vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là hoạt động hết sức cần thiết và mang lại ý nghĩa cao đẹp, thể hiện sự tri ân, trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân thành phố.
Tuy phải xây dựng các Bệnh viện dã chiến với tinh thần gấp rút, thần tốc, nhưng tất cả các địa phương đều không quên chú trọng tới tính an toàn trong thi công. Đây là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Tại công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Thế Nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Colombo cho biết: “Chúng tôi đặt an toàn con người trên hàng đầu là phải phòng, chống dịch cho người tham gia thi công dự án này. Chúng tôi tổ chức ăn, ở tại chỗ, cho các công nhân, cho cán bộ quản lý của dự án, để hoàn thành dự án này mà không gây ra lây lan dịch. Chúng tôi cũng được ban ngành hỗ trợ test nhanh Covid và tiêm vắc xin cho toàn thể anh em công nhân.”
Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng quy định “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” trong vấn đề tổ chức công nhân xây dựng. Công nhân tập trung sinh sống tại công trình, hoặc thuê nhà trọ gần công trường để tập trung công tác thi công. Thực hiện kiểm tra test Covid 3 ngày/lần. Trong quá trình làm việc, công nhân phải mang khẩu trang, kính chống giọt bắn, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Bằng tinh thần chủ động, sáng tạo, thần tốc và an toàn, các tỉnh thành phía Nam đã nhanh chóng triển khai được hệ thống Bệnh viện dã chiến, phục vụ công tác thu dung, điều trị kịp thời cho người dân. Về phía Bộ Xây dựng, Bộ cũng rất linh động, tạo điều kiện, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành đang giãn cách xã hội, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, uỷ quyền ngay trong ngày để các địa phương giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá cao tinh thần chủ động sáng tạo và thi công thần tốc trong việc xây dựng Bệnh viện dã chiến, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hùng khuyến khích các tỉnh, thành phố học hỏi kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề triển khai thực hiện Bệnh viện dã chiến để áp dụng cho địa bàn mình./.
Bài: “Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thần tốc, an toàn trong xây dựng Bệnh viện dã chiến” tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tâm Bút – Phương Yến
Theo