(Xây dựng) - Sau 12 năm họ đã bước thêm một bước vững chắc trên con đường phát triển công trình xanh, một chặng đường “xóa mù xanh” rất dài đã qua với bao nỗ lực không biết mệt mỏi của những người gánh trên vai sứ mệnh mở đường. Họ không từ nan, vẫn tình nguyện làm người “vác tù và” cho tương lai công trình xanh phát triển, có thể đạt mức Net Zero Carbon và hơn thế nữa.
Lớp học kiến trúc xanh đầu tiên 27/5/2011 do KTS Thierry Roche người Pháp giảng dạy. Trong đó có ông Huỳnh Kim Tước (áo trắng, thắt ca vát), Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. |
Sứ mệnh tiên phong
Nhớ lại những ngày tháng cùng nhau trên đất khách tìm hiểu về công trình xanh (CTX), ông Huỳnh Kim Tước, nguyên Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi bùi ngùi. Ông cùng với một nhóm kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng của Việt Nam sang Đan Mạch để tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Rồi những chuyến đi dài ngày như thế cứ diễn ra, đi hết nước này tới nước khác trong khi kinh phí có hạn, nhiều lúc đoàn người cảm thấy như đang “mò mẫm” trên một hành trình mông lung chưa rõ hướng ra.
Nhưng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đoàn người đã về Việt Nam tìm cách ứng biến. Thế là kiến trúc sư hàng đầu về thiết kế CTX của Pháp Thierry Roche đã được mời qua Việt Nam để giảng dạy cho các kiến trúc sư, kỹ sư. Bài học khai mở của người thầy đầu tiên đã kích thích niềm đam mê học hỏi và sáng tạo của các kiến trúc sư, kỹ sư, khơi dậy cho họ sức mạnh dấn thân mở đường phát triển CTX tại Việt Nam. Bằng hàng chục khóa đào tạo trong vòng 5 năm với những chương trình trao đổi, chia sẻ đặc biệt, thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư đầu tiên được “xóa mù xanh” ra đời, gánh trên vai trọng trách “khai lối mở đường”.
“Vào cuối thập niên 2000, tôi chịu áp lực về việc làm thế nào để phát triển chương trình tiết kiệm năng lượng, nên chúng tôi nhắm tới những CTX và đương nhiên phải bắt đầu từ khâu thiết kế” – ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ. “Lúc đó ở Mỹ đã có chứng nhận công trình xanh LEED, ở Việt Nam cũng đã có chứng nhận LOTUS do hai chuyên gia người nước ngoài viết. Nhưng từ thông tin cho tới hành động là cả một quá trình. Phải trải qua 4 bước: Thông tin - nhận thức - kỹ năng – hành động, nên chúng tôi tổ chức tập huấn, đào tạo cho các kiến trúc sư, kỹ sư”.
Tháng 8/2011, để liên kết những người đã được tập huấn thành một cộng đồng dễ trao đổi, ông Huỳnh Kim Tước đã bàn bạc với nhóm kiến trúc sư, kỹ sư tâm huyết thành lập Câu lạc bộ Kiến trúc xanh (CLB KTX). “Tôi ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Lúc đó, CLB KTX Thành phố Hồ Chí Minh là câu lạc bộ duy nhất của Việt Nam, tập hợp những con người tiên phong trong lĩnh vực CTX. Câu lạc bộ mang sứ mệnh thay đổi nhận thức cộng đồng và phát triển CTX tại Việt Nam” – ông Huỳnh Kim Tước cho biết.
Từ “xóa mù xanh” tới “xóa mù Net Zero Carbon”
Từ thuở ban đầu có 47 người đến nay CLB KTX đã có hơn 300 thành viên tham gia. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức cho các thành viên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Hàng nghìn lượt kiến trúc sư, kỹ sư được huấn luyện, đào tạo thông qua những giờ dạy miễn phí của thành viên câu lạc bộ. Không chỉ vậy, mỗi năm họ đều dành vài ngày giảng dạy, thảo luận miễn phí về CTX cho sinh viên ở các trường đại học, sẵn sàng hướng dẫn miễn phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu kiến thức về CTX. Phong trào học tập và phát triển CTX đã được đẩy lên cao, câu lạc bộ đã xây dựng hẳn một fanpage cập nhật, trao đổi thông tin liên tục giữa các thành viên.
Câu lạc bộ tổ chức đi tham quan và học tập tại Đan Mạch năm 2013. Ông Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh Thành phố Hồ Chí Minh (bìa phải). |
“Kỷ niệm khó quên lúc đầu thành lập, anh em chúng tôi mỗi người đóng 50.000 đồng/năm. Số tiền chỉ đủ rủ nhau đi uống ly cà phê nên về sau không thu nữa. Mọi hoạt động đều là tự nguyện, miễn phí, cùng nhau chia sẻ” – ông Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm CLB KTX kể. “Khi đó, Ban chủ nhiệm chúng tôi có 9 người, lấy văn phòng công ty của tôi làm nơi sinh hoạt, lấy nhân viên công ty của tôi và công ty của một số anh em thành viên để lo việc chung, tổ chức hội thảo. Mỗi lần tổ chức hội thảo là anh em đi xin tài trợ kinh phí các nơi, rồi phân công nhau viết bài, phân công nhiệm vụ diễn đàn. Hầu như lần nào diễn ra hội thảo anh em cũng bận tíu tít, có khi thức trắng đêm duyệt nội dung, có khi còn bực dọc với nhau, nhưng lúc hội thảo thành công cũng là lúc nụ cười xuất hiện tươi rói trên gương mặt mỗi người” - ông Trung nhớ lại những ngày gian khó.
15 hội thảo lần lượt ra đời với nội dung phong phú, chất lượng, được đánh giá cao của giới chuyên môn, có được tiếng vang trong nước và quốc tế. Bằng hội thảo “xóa mù xanh” ban đầu như hướng dẫn lý thuyết về sự khác biệt giữa CTX và công trình thường; tham quan, chia sẻ kinh nghiệm những CTX các nước… đã dần thay đổi nhận thức của giới kiến trúc sư, kỹ sư và chủ doanh nghiệp. Cũng từ đây, nhiều chủ doanh nghiệp đã quyết định đầu tư CTX, nhiều công ty tư vấn, thiết kế, xây dựng CTX ra đời.
Hội thảo KTX lần thứ 15 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/11/2022 với chủ đề “Công trình xanh Việt Nam – Hành trình 10 năm phát triển” đã cung cấp cho hơn 400 khán giả 1 góc nhìn rõ nét tổng quan về sự phát triển CTX tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. |
Trên đà tăng tốc, những hội thảo chuyên sâu đã được câu lạc bộ tổ chức với quy mô hoành tráng hơn với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng các diễn giả uy tín trong ngoài nước. Thành công lớn nhất có lẽ là hội thảo lần thứ 15, đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của câu lạc bộ, với hơn 400 khách mời tham gia ở trong nước và quốc tế.
“Không phải lúc nào chúng tôi cũng suôn sẻ, có những lúc gặp sự cố với chính nhà tài trợ của mình. Họ muốn nói nhiều về sản phẩm của họ, trong khi chúng tôi chỉ muốn họ nói ở chừng mực nhất định để giữ chất lượng hội thảo và uy tín cho những lần tổ chức tiếp theo” - Ông Trần Khánh Trung chia sẻ. “Để có kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho hội thảo, anh em chúng tôi buộc phải bắt tay hành động. Nhiều anh chị đã thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực CTX, còn tôi thì bỏ tiền ra xây công trình văn phòng để làm CTX mẫu cho mọi người tham quan” – ông Trung tiết lộ.
Từ lý thuyết đến thực tiễn, câu lạc bộ đã trở thành nơi sinh hoạt hiệu quả, thúc đẩy quá trình thay đổi nhận thức và phát triển CTX trên toàn quốc. Năm 2015, câu lạc bộ đã tham gia thực hiện lượng hóa bộ tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và năm 2021 câu lạc bộ đã đưa nội dung giảng dạy CTX của mình vào chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) của Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng tham gia Hội thảo Kiến trúc xanh lần thứ 15 (áo trắng, thứ hai từ phải qua). |
“Niềm vui lớn nhất có lẽ là khi chúng tôi nhìn thấy chữ “công trình xanh” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản của Chính phủ - Quyết định 385/QĐ-BXD ban hành ngày 12/5/2022. Tại hội thảo lần thứ 15, lần đầu tiên, một quan chức của Chính phủ - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh đã tham gia! Chính phủ đã chính thức vào cuộc” - Ông Trần Khánh Trung bày tỏ. “Chúng tôi đã bước thêm một bước vững chắc trên con đường phát triển CTX của mình”.
Tại Hội thảo Kiến trúc xanh lần thứ 15, KTS Thierry Roche (bìa phải) người thầy thiết kế xanh đầu tiên của CLB Kiến trúc xanh bay từ Pháp sang trao kỷ niệm chương cho các thành viên Ban chủ nhiệm CLB. |
Dù còn nhiều khó khăn, song Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nói riêng, thành viên CLB KTX Thành phố Hồ Chí Minh nói chung luôn nỗ lực, chẳng từ nan. Từ lúc chỉ có duy nhất 1 CTX đạt chứng nhận LEED năm 2010 đến nay, Việt Nam đã có hơn 260 công trình nhận các chứng nhận xanh của LEED, EDGE, LOTUS… Ban chủ nhiệm CLB KTX Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong 5 năm tới họ sẽ đi sâu vào thúc đẩy giá trị cốt lõi “đóng góp thực sự cho môi trường” của CTX hơn là mục đích có giấy chứng nhận; đi sâu vào việc tiết giảm chi phí khi đầu tư CTX và phổ quát Net Zero Carbon cho cộng đồng. “Trước giờ là xóa mù CTX thì sau này sẽ xóa mù Net Zero Carbon, chúng tôi tình nguyện là những người vác tù và trên hành trình ấy” – Ông Trung nhấn mạnh.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Mimoza Trần
Theo