Thứ hai 17/06/2024 15:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Như Thanh (Thanh Hóa): Nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động các nhà xưởng, điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép

21:52 | 25/05/2024

(Xây dựng) – Trước thực trạng xuất hiện hàng loạt cơ sở vi phạm xây dựng các nhà xưởng, điểm thu mua, chế biến gỗ keo, trong 4 tháng đầu năm nay, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ có một số ít cơ sở có chấp hành, còn lại tiếp tục vi phạm…

Như Thanh (Thanh Hóa): Nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động các nhà xưởng, điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép
Bất chấp yêu cầu dừng sản xuất, khắc phục hậu quả do các lỗi vi phạm, Công ty TNHH Tân Tiến (thị trấn Bến Sung) vẫn ngang nhiên hoạt động.

Để nắm thêm thông tin cụ thể về hoạt động của các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát tại Như Thanh, mới đây, PV Báo điện tử Xây dựng đã tiếp tục tới xác minh tại một số cơ sở từng bị kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, ngoài một số ít cơ sở có chấp hành một phần về “biện pháp khắc phục hậu quả”, trong đó có việc dỡ bỏ một phần công trình, nhà xưởng trên đất nông, lâm nghiệp (sử dụng sai mục đích) được nêu kèm quyết định xử phạt, phần lớn còn lại, hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo vẫn diễn ra bình thường.

Ngay tại thị trấn Bến Sung, Công ty TNHH sản xuất, chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến), một trong những cơ sở từng bị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26.000.000 đồng (vi phạm trong lĩnh vực đất đai) và 4.800.000 đồng do vi phạm về phòng cháy chữa cháy, kèm theo đó là biện pháp buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, sau một thời gian dài kể từ thời điểm bị xử lý, mọi yêu cầu của chính quyền huyện đều bị phớt lờ, doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường mà không gặp trở ngại nào.

Tại cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát quy mô lớn của hộ ông Dương Đình Sơn tại thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng do vi phạm về đất đai, kèm biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu của đất. Nhưng bất chấp “lệnh” của chính quyền, mọi hoạt động tại đây vẫn diễn ra nhộn nhịp như chưa từng bị kiểm tra, xử lý. Vợ của chủ cơ sở cho biết, chấp hành yêu cầu của chính quyền về khắc phục hậu quả, gia đình đã tháo dỡ một căn nhà xưởng mái tôn và căn nhà tạm, có tổng diện tích 150m2 do xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Như Thanh (Thanh Hóa): Nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động các nhà xưởng, điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép
Cơ sở kinh doanh hộ ông Dương Đình Lâm, xã Xuân Phúc vẫn hoạt động liên tục sau khi bị kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, cũng tại xã Xuân Phúc, chỉ trong vòng bán kính khoảng trên 500m, có tới 5 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản. Trong đó, theo quan sát của PV, có một cơ sở mặc dù vẫn còn nhiều gỗ keo nguyên liệu và các sản phẩm từ gỗ, nhưng không diễn ra hoạt động thu mua, chế biến. Cách đó không xa, một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ keo (có vi phạm) đã tạm dừng sản xuất theo yêu cầu của UBND huyện. Ngoài ra, tại thôn Phúc Minh (xã Xuân Phúc), ngày 25/4, Đoàn công tác của UBND huyện đã kịp thời kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dừng mọi hoạt động đối với một trường hợp san gạt mặt bằng trên khu vực đất ở, xây dựng nhà xưởng trái phép, tập kết máy móc chế biến gỗ, xây dựng trạm điện để tiến hành thu mua, chế biến lâm sản “chui”.

Như Thanh (Thanh Hóa): Nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động các nhà xưởng, điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép
Chiếc xe tải lớn đầy gỗ keo nguyên liệu tại một cơ sở gỗ keo tự phát trên địa bàn xã Xuân Phúc.

Theo báo cáo ngày 9/5/2024 của UBND huyện về tình hình xử lý vi phạm của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn, toàn huyện Như Thanh có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này (17 doanh nghiệp, 14 hộ kinh doanh) qua kiểm tra, có 11 cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, 11 cơ sở vi phạm về đất đai (sử dụng sai mục đích: San gạt mặt bằng, láng bê tông một phần diện tích, xây dựng nhà xưởng trên đất ở chưa đăng ký biến động đất đai, hoặc đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng); đã xử lý 22 hành vi vi phạm hành chính tổng số tiền 235.600.000 đồng; buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất.

Cũng theo báo cáo trên, về việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo: “UBND các xã Hải Long, Xuân Phúc, Thanh Tân, Mậu lâm, Cán Khê và thị trấn Bến Sung đề xuất kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND và cá nhân liên quan; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 6 tập thể của UBND các xã để xảy ra vi phạm. Kiểm điểm rút kinh nghiệm 15 cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

Ngày 16/5 vừa qua, UBND huyện đã ra Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại hội nghị chuyên đề bàn giải pháp giải quyết tình trạng các xưởng gỗ keo vi phạm. Theo đó, ngoài giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chức năng thuộc thẩm quyền, UBND huyện đã đề nghị các đơn vị như Công an huyện phối hợp kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở vi phạm dừng thu mua, tập trung xử lý hết nguyên liệu tồn đọng trước ngày 30/5/2024 (thời hạn cuối cùng phải dừng sản xuất theo yêu cầu của UBND huyện). Cùng với Công an, UBND huyện cũng đề nghị chi nhánh điện lực khu vực phối hợp với xã kiểm tra, báo cáo điện lực tỉnh xem xét, tạm cắt điện các cơ sở vi phạm trong thời gian trước ngày 25/5”.

Qua những động thái nêu trên, có thể nói, UBND huyện Như Thanh đã có sự chỉ đạo và vào cuộc khá tích cực trong giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm tràn lan của các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát. Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận, sự tích cực trên vẫn chưa đủ mạnh, chưa mang lại hiệu quả cao bởi “sức ì” của một số chính quyền cơ sở.

Minh chứng cho thực trạng này, có thể kể đến trường hợp của của Công ty TNHH Tân Tiến, một doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ keo quy mô lớn, nằm ngay tại thị trấn Bến Sung. Mặc dù đã bị UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính, kèm biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của đất. Nhưng đến nay, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây vẫn diễn ra bình thường. Cũng với cung cách làm việc mang nặng “sức ì” như chính quyền thị trấn, UBND xã Xuân Phúc đã không có động thái cần thiết, để hộ kinh doanh cá thể Dương Đình Sơn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, “bỏ ngoài tai” yêu cầu về khắc phục hậu quả của UBND huyện.

Được biết, ngày 10/5/2024, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường thực Tỉnh ủy về việc “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh”. Nội dung tóm tắt như sau: “Giao Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm thủy, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Lang Chánh chỉ đạo UBND huyện triển khai ngay nội dung kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… khẩn trương làm rõ và xử lý tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước Chủ tịch UBND tỉnh”.

Hy vọng trước sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tình trạng “loạn” gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Như Thanh nói riêng sẽ được dẹp bỏ. Cùng với đó, những người đứng đầu các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm, nhận kỷ luật thích đáng nếu lơ là, quan liêu dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load