Thứ ba 23/04/2024 23:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà máy xử lý rác thải quy mô nhất Quảng Bình tiếp tục xảy ra sự cố

16:48 | 16/07/2020

(Xây dựng) – Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ được xem là lớn nhất tỉnh Quảng Bình đã đi vào hoạt động gần 3 năm, nhưng thường xuyên xảy ra sự cố khiến nhà máy vận hành không được như mong muốn.

nha may xu ly rac thai quy mo nhat quang binh tiep tuc xay ra su co
Lượng rác tồn đọng trong khuôn viên nhà máy thường phải bóc tách để đem chôn lấp.

Ứ rác đầu vào

Trước áp lực về xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt rất lớn mỗi ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường, sản xuất năng lượng sạch, tỉnh Quảng Bình nỗ lực kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý rác thải tiên tiến theo hướng sử dụng công nghệ đốt phát điện, xử lý rác thải khép kín.

Sau đó không lâu, Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam làm chủ đầu tư là một kết quả điển hình.

Đây là dự án xử lý rác thải lớn, có quy mô 9ha, hiện đại đầu tiên được đầu tư tại Quảng Bình. Với tổng mức đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng, công suất thiết kế 245 tấn rác thải rắn sinh hoạt và 60 tấn phế phẩm nông nghiệp/ngày. Vậy nhưng, trên thực tế, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy xử lý rác thải này chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Giám sát quá trình bốc dỡ rác thải và vận hành của nhà máy xử lý rác này, Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình) thẳng thắn: Có quy mô đầu tư gồm 5 dây chuyền thực hiện quá trình xử lý rác, tuy nhiên, mới chỉ có dây chuyền phân loại rác thải, công suất 245 tấn/ngày được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào vận hành phân loại từ tháng 8/2017, các dây chuyền còn lại như lên men sản sinh biogas, dùng khí gas phát điện và sản phẩm sau lên men dùng sản xuất phân bón khoáng hữu cơ… chưa hoạt động do chưa được lắp đặt hoàn thiện.

Từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2019, Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam xin vận hành thử, đánh giá hiệu quả của dây chuyền phân loại, phần rác sau khi phân loại còn lại vận chuyển về xử lý chôn lấp tại bãi rác chung Đồng Hới - Bố Trạch.

Từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, chủ đầu tư xin tạm ngừng tiếp nhận rác phục vụ lắp đặt, hiệu chỉnh đồng bộ các dây chuyền. Cùng đó, khối lượng rác tiếp nhận từ các địa phương tồn đọng tại khuôn viên nhà máy khoảng 3.500 tấn, lượng phế liệu tách ra từ quá trình phân loại hơn 390 tấn.

Trong thời gian này, UBND tỉnh Quảng Bình trực tiếp điều hành các đơn vị môi trường - đô thị của địa phương căng mình xử lý rác thải, về chôn lấp ở các bãi.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 21/2/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam đưa nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ vào hoạt động trở lại. Tuy vậy, lại một lần nữa Công ty này lúng túng trong công tác xử lý rác thải, vệ sinh môi trường của mình.

Theo đó, khối lượng rác tiếp nhận từ các địa phương từ cuối tháng 2 đến hết tháng 5/2020 tại khuôn viên nhà máy khoảng 11.977 tấn. Rác sau phân loại được chuyển sang chôn lấp tại bãi khoảng 5.266 tấn. Rác hữu cơ sau phân loại lưu giữ tại nhà máy dùng làm nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất phân khoảng 3.420 tấn. Tổng khối lượng hiện nay đang tồn đọng khoảng 3.870 tấn.

nha may xu ly rac thai quy mo nhat quang binh tiep tuc xay ra su co
Hoạt động chính của nhà máy hiện đang ở dây chuyền phân loại rác thải.

Đại diện Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam lý giải, do ảnh hưởng dịch Covid-19; nhà máy bị mất trộm một số thiết bị; chưa có chính sách về giá điện rác nên khó xử lý hết được rác thải từ các địa phương chuyển về.

Chính quyền tỉnh bị động

Được xem là điển hình về việc đầu tư xử lý rác thải tiên tiến theo hướng đốt phát điện, tái tạo năng lượng được UBND tỉnh Quảng Bình, cùng nhiều bộ, ngành kỳ vọng và tin tưởng từ những ngày đầu triển khai dự án trên thực địa. Và đó, cũng chính là nguyên do làm cho UBND tỉnh Quảng Bình lâm vào tình thế bị động trong công tác vệ sinh môi trường, kinh tế - chính trị.

Bởi, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy hoạt động hiệu quả, không lo thiếu rác đầu vào, từ ngày 3/8/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương gồm huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bố trí điểm trung chuyển, thời gian, phương tiện vận chuyển rác về nhà máy. Cùng đó, giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ thu gom rác.

“Là doanh nghiệp tư nhân, xin phụ trách việc xử lý rác thải quy mô lớn, được UBND tỉnh tin tưởng và chấp thuận thì Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm cao trong công tác này. Qua thời gian hoạt động cho thấy, công tác quản lý điều hành của nhà đầu tư còn nhiều lúng túng, chưa có các kịch bản ứng phó khi có sự cố hay hư hỏng dây chuyền. Hơn nữa, khi xảy ra sự cố lại phát thông báo quá muộn, làm chính quyền tỉnh và Sở Tài nguyên & Môi trường bị lúng túng trong việc điều hành, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng theo”, ông Phan Văn Hào - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường từng cởi mở với phóng viên.

Đây không phải là sự cố lần đầu của nhà máy này, nên theo rà soát của chúng tôi, tỉnh Quảng Bình sẵn sàng kịch bản ứng phó.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Khi hình thức xã hội hóa xử lý rác thải không đạt được hiệu quả như mong đợi, chủ đầu tư lúng túng trước các sự cố, ngưng trệ công tác phân loại, xử lý chất thải như vào tháng 9/2019, thì Sở đã chủ động xây dựng phương án để xử lý tình huống này, tránh không để vấn đề môi trường tạo ra điểm nóng.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Bình cần đánh giá lại công tác xã hội hóa tại các cơ sở xử lý rác thải, xem xét rõ quy mô xử lý thực tế có đáp ứng nhiệm vụ nặng nề được giao.

Uy Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load