Thứ ba 05/11/2024 01:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Do đâu nhà máy xử lý rác thải quy mô nhất Quảng Bình ngừng vận hành 3 tháng?

16:02 | 22/10/2019

(Xây dựng) - Nhà máy phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) của Cty TNHH Phát triển dự án Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng đang ngừng vận hành 03 tháng để bảo trì và hoàn tất thủ tục liên quan.

Bóc tách lượng rác tồn đọng trong khuôn viên Nhà máy để đem chôn lấp.

Dây chuyền chưa đồng bộ

Đứng trước áp lực về xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt rất lớn mỗi ngày, đảm bảo môi trường, sản xuất năng lượng sạch nhằm phát triển bền vững, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý rác thải tiên tiến theo hướng sử dụng công nghệ đốt phát điện, tái tạo năng lượng.

Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ do Cty TNHH Phát triển dự án Việt Nam làm chủ đầu tư là một kết quả điển hình. Đây là dự án xử lý rác thải lớn, có quy mô 9ha, hiện đại đầu tiên được đầu tư tại Quảng Bình. Với tổng mức đầu tư hơn 53.835 nghìn Euro, tương đương khoảng 1.380 ngàn tỷ đồng, với công suất thiết kế 245 tấn rác thải rắn sinh hoạt và 60 tấn phế phẩm nông nghiệp/ngày.

Theo sát quá trình bốc dỡ và vận hành của dự án Nhà máy xử lý rác thải này, ông Phan Văn Hào - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình) thông tin: Nhà máy phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói trên, theo quy mô đầu tư có 05 dây chuyền thực hiện quá trình xử lý rác. Tuy nhiên, mới chỉ có dây chuyền phân loại rác thải, công suất 245 tấn/ngày được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào vận hành phân loại từ tháng 8/2017, các dây chuyền còn lại như lên men sản sinh biogas, dùng khí gas phát điện và sản phẩm sau lên men dùng sản xuất phân bón khoáng hữu cơ… chưa hoạt động do chưa được lắp đặt hoàn thiện. Như vậy, từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2019, Cty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam xin vận hành thử, đánh giá hiệu quả của dây chuyền phân loại, phần rác sau khi phân loại còn lại vận chuyển về xử lý chôn lấp tại bãi rác chung Đồng Hới - Bố Trạch.

Ngày 26/9/2019, UBND tỉnh Quảng Bình nhận được Thông báo số 87/TB-VNP về việc tạm ngừng tiếp nhận rác phục vụ lắp đặt, hiệu chỉnh đồng bộ các dây chuyền trong thời gian 03 tháng của Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ từ chủ đầu tư. Cùng đó, khối lượng rác tiếp nhận từ các địa phương từ tháng 3 đến tháng 9/2019 tồn đọng tại khuôn viên nhà máy khoảng 3.500 tấn, lượng phế liệu tách ra từ quá trình phân loại hơn 390 tấn.

Từ tình hình thực tế tại nhà máy, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình đề xuất giải pháp thu gom, xử lý rác thải trong thời gian nhà máy rác ngừng hoạt động như sau: Tại các huyện lỵ gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP Đồng Hới, TX Ba Đồn và Quảng Trạch, Ban quản lý Các công trình công cộng phối hợp với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý để thu gom, vận chuyển rác về chôn lấp tại các bãi rác trên địa bàn. Về khối lượng rác tồn đọng tại nhà máy, Cty TNHH Phát triển dự án Việt Nam có trách nhiệm bốc tách khối lượng theo từng địa phương cụ thể để có cơ sở thanh toán kinh phí Cty đã tạm ứng, đồng thời xác định kinh phí để chi trả cho Cty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình thực hiện việc chôn lấp lượng rác thải tồn đọng.

Dây chuyền phân loại rác thải sau khi vận hành thử, đang nghỉ bảo trì.

2 năm hoạt động không có nguồn thu

Đại diện Cty TNHH Phát triển dự án Việt Nam chia sẻ về quá trình đầu tư và hoạt động như sau: Cty đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và vướng mắc về cơ chế. Suất đầu tư thực tế của Cty đã hơn 1.400 tỷ đồng, từ tháng 8/2017 đến  tháng 9/2019, lượng rác thải từ các địa phương chuyển về Nhà máy phân loại và xử lý hơn 120.000 tấn, tuy nhiên giữa các huyện, thị xã, thành phố chưa có một hợp đồng kinh tế nào ràng buộc; Cty chưa thu về một khoản tiền nào từ hoạt động xử lý (chỉ được UBND tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng). Hoạt động vận hành của nhà máy và trả tiền lương cho chuyên gia, cán bộ, nhân viên đứng máy được trích ra từ Quỹ dự phòng của dự án, vị chi mỗi tháng 2 tỷ đồng.

Lý do được chỉ rõ là đơn giá xử lý rác thải chậm được phê duyệt và ban hành, thời điểm hiện tại UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất đơn giá với lượng rác được xử lý triệt để tại nhà máy là 430.000 đồng/tấn, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 01/3/2019, còn đối với lượng rác chưa xử lý triệt để phải đưa đi chôn lấp là 86.269 đồng/tấn. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh sớm có ý kiến bằng văn bản đối với đơn giá nêu trên để có cơ sở cho các địa phương đặt hàng với Cty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam xử lý rác thải.

Có 5 chuyên gia người Đức và 60 công nhân Việt Nam vận hành khi nhà máy hoạt động.

Về dây chuyền lên men tạo biogas và lò đốt phát điện công suất 2MW/giờ, Cty TNHH Phát triển dự án Việt Nam cho hay, đơn vị đã lắp đặt xong, nhưng chưa vận hành lò đốt ngay được, vì đơn giá điện của dây chuyền lên men tạo biogas phát điện chưa được xác định, không có trong Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Bởi vậy, trong thời gian tạm ngừng 03 tháng, Cty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam sẽ lập một đơn giá trình Bộ Công Thương, để Bộ này quyết định và có cơ sở tham mưu Chính phủ phê duyệt một đơn giá điện rác riêng. Lúc đó, các thủ tục như thỏa thuận mua bán điện, cung cấp giấy chứng nhận xây dựng nhà máy điện để nhà máy đi vào hoạt động.

Mục tiêu khai thác nguồn điện “xanh” từ rác thải ở Quảng Bình hiện đang gặp vướng, mong rằng, các bên liên quan cùng nỗ lực để giải quyết câu chuyện này, không phát sinh thêm hệ quả.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load