Thứ tư 13/11/2024 19:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ngành Xây dựng: Triển vọng phục hồi, phát triển bền vững

15:42 | 07/04/2022

(Xây dựng) - Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào triển vọng phục hồi và tăng tốc toàn ngành Xây dựng trong năm 2022 trên cơ sở kết quả nghiên cứu độc lập của DN này vừa được công bố.

nganh xay dung trien vong phuc hoi phat trien ben vung

Bức tranh kinh tế ngành Xây dựng

Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch Covid-19, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022 - 2027. Phần lớn DN trong ngành đều lạc quan về triển vọng của Ngành trong năm 2022 ở tất cả các phân khúc.

Giá trị hợp đồng chưa thực hiện của các DN đầu ngành Xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh ngay từ những tháng đầu năm, dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam là điểm sáng đối với xây dựng công nghiệp. Tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD; tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD, là mức cao nhất so với quý I của các năm giai đoạn 2018 - 2022.

Một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây đã và đang tạo ra xung lực mới cho các DN trong ngành phục hồi, tăng tốc. Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có tối đa 176 nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông.

Năm 2022, Bộ GTVT dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 50 nghìn tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước đến nay. Hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các DN xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động VLXD lớn tại các dự án sẽ tác động tích cực đến nhóm DN thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới.

Môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Gần đây, Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý cho ngành Xây dựng và BĐS.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế ngành Xây dựng vẫn còn tồn tại không ít thách thức. Mặc dù năm 2021, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, nhưng bước sang năm 2022, áp lực lạm phát rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại khi đại dịch dần được kiểm soát và kết thúc; giá hàng hóa thế giới tăng nhanh đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất, do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do chi phí vận tải gia tăng. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị Nga - Ukraine gần đây tác động nhiều đến thị trường toàn cầu, gián tiếp ảnh hưởng tới ngành Xây dựng, thông qua nhiều kênh như diễn biến giá dầu và giá thép thế giới…

Hướng tới phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi kinh tế, bù đắp lại những mất mát trong giai đoạn vừa qua, chiến lược kinh doanh của các DN xây dựng trong ngắn và trung hạn tập trung vào 6 ưu tiên: Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; Đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; Tăng cường hợp tác đầu tư; Đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số; Tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh.

Bên cạnh đó, các DN cần nắm bắt, khai thác hiệu quả xu hướng kinh doanh mới được thúc đẩy bởi đại dịch Covid -19, một trong số đó chính là xây dựng bền vững.

Tại Hội nghị các bên liên quan về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia khác, đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, điều này tác động toàn diện tới cách thức sử dụng năng lượng cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngành Xây dựng, VLXD hoạt động chiếm 2/3 tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu.

Theo đánh giá của các DN trong ngành Xây dựng, hoạt động xây dựng bền vững đang từng bước tiệm cận với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị, trong đó tập trung vào các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra tiến bộ trong đời sống xã hội, song song với đó vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế, tạo ra lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai.

Ngày càng có nhiều hơn các chủ đầu tư và người mua nhà hướng tới các tiêu chí “xanh” trong việc phát triển các dự án xây dựng, công trình nhà ở. Khoảng 69,2% số DN tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn ESG đã ảnh hưởng đến việc giành được hợp đồng/đơn hàng hoặc thắng thầu của họ. Theo đó, các DN lớn trong ngành đã và đang áp dụng mô hình xây dựng xanh theo các tiêu chuẩn gắt gao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vận hành các khâu khép kín, tuần hoàn để tạo ra thế mạnh cạnh tranh và tạo ra giá trị cho khách hàng nói riêng và cho xã hội nói chung. Để đạt được mục tiêu bền vững, 2 ưu tiên được phần lớn DN trong ngành lựa chọn là sử dụng công nghệ mới (75,9%) và đưa nguồn cung ứng bền vững vào chuỗi cung ứng (58,6%).

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, mức độ triển khai các ưu tiên hướng đến phát triển bền vững còn khá chậm, khi cuộc khủng hoảng Covid -19 xảy ra được ví như một động lực mạnh mẽ thôi thúc các bên cùng ngồi lại, xem xét một cách nghiêm túc hơn về những tác động của ngành Xây dựng đến môi trường và khí hậu. Trong đó, điều quan trọng là phải bắt đầu tích hợp tư duy và lập kế hoạch cần thiết để hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm thiểu các rủi ro môi trường.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load