Thứ sáu 27/12/2024 03:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

10 tháng của năm 2024: "Điểm sáng" đầu tư trực tiếp nước ngoài

14:57 | 24/11/2024

Chính phủ xác định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tối đa nhằm đưa nền kinh tế vượt qua mức thu nhập trung bình càng sớm càng tốt. Trong các động lực quan trọng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu về những kết quả khả quan trong 10 tháng qua, trở thành điểm sáng đáng ghi nhận, hứa hẹn góp phần xứng đáng, kích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức cao hơn 7% như định hướng phấn đấu…

10 tháng của năm 2024:
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh).

Kết quả khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng của năm 2024, cả nước đã thu hút được 27,26 tỷ USD vốn FDI, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy đây là mức tăng thấp nhưng rất đáng lưu ý vì thể hiện đà tăng trưởng của dòng vốn này vẫn tiếp diễn. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, kết quả thu hút vốn FDI tăng thấp so với cùng kỳ là do nhiều dự án đầu tư mới cấp phép có quy mô nhỏ.

Số vốn FDI mới thu hút nói trên chủ yếu tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, có nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang. Riêng các địa phương này đã chiếm 70,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng qua.

Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện giải ngân trong cùng thời gian trên đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, là điểm nhấn tích cực trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cần nhiều vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khu vực FDI trong 10 tháng đã xuất siêu gần 42,4 tỷ USD, kể cả dầu thô và bù đắp cho phần nhập siêu gần 19,4 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước. Nói cách khác, đó chính là bệ đỡ giúp nền kinh tế Việt Nam xuất siêu khoảng 23 tỷ USD trên bình diện quốc gia.

Khai thác cơ hội, phát huy lợi thế

Theo một số tập đoàn kinh tế và tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam là địa chỉ sản xuất quan trọng và chiến lược cho những công ty sản xuất, nhất là linh kiện chất lượng cao với vai trò nhà thầu, nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới. Dòng vốn FDI tăng chính là phản ứng của nhà đầu tư trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với lực lượng lao động chiếm tới 70% tổng dân số.

Nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cùng với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết, thực hiện trong thời gian qua, góp phần tạo ra nhiều cơ hội, nhất là lợi thế về thuế suất thấp cho các loại hàng hóa sản xuất trong nước. Thêm vào đó, Việt Nam hiện là nền kinh tế mở nhất chỉ sau Singapore và Chính phủ vẫn chủ trương cải cách, hội nhập quốc tế, duy trì nỗ lực liên tục, có hiệu quả để tiếp nhận dòng vốn FDI bền vững. Làn sóng chuyển dịch địa bàn đầu tư, phân tán rủi ro trong hoạt động đầu tư quốc tế đang trở thành điều kiện khá thuận lợi cho Việt Nam đón thêm vốn FDI.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, việc tăng tốc độ thi công, hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên diện rộng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở, giúp gia tăng mức độ hấp dẫn, sức cạnh tranh của nước ta - đây cũng là một điều kiện hấp dẫn để nhà đầu tư cân nhắc, tiến tới quyết định đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Các chính sách quan tâm, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các đơn vị trong tiếp nhận công nghệ mới, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng… cũng nhận được sự đánh giá tích cực từ giới đầu tư quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ luôn quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Giới quan sát quốc tế cũng đánh giá, Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua.

Mới đây, một số đoàn khảo sát của giới doanh nghiệp Mỹ đã đến tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác nhằm tiến tới đầu tư dự án mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ, các địa phương trong nước cũng đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, sức hấp dẫn của thị trường trong nước cũng như môi trường đầu tư - kinh doanh nước ta tại một số quốc gia và nhận được sự quan tâm, đồng thuận…

Lũy kế đến hết tháng 10-2024, cả nước có 41.501 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 492 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt 316 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo Hồng Sơn/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load