(Xây dựng) – UBND tỉnh An Giang thông tin, Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang sẽ tổ chức tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh, vào sáng 26/11/2024. Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh An Giang, danh mục các dự án thu hút đầu tư theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh An Giang.
Lãnh đạo tỉnh An Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. |
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang không gian mới - Giá trị mới” sẽ diễn ra từ 08-11 giờ, ngày 26/11/2024, tại Khách sạn Rex (số 141, đường Nguyễn Huệ, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: “An Giang là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN. An Giang vừa có đồng bằng vừa có vùng đồi núi với nhiều cảnh quan tươi đẹp; có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km với các cửa khẩu quốc tế, quốc gia, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Phnompenh (Campuchia).
Nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu là thế mạnh tiềm năng của tỉnh An Giang. |
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp; du lịch; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại biên giới.
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh An Giang đang hoàn thiện quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đưa An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. An Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh”.
Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. An Giang là trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trường GRDP 7%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 157 triệu đồng; Tỷ trọng kinh tế so với GRDP hơn 20%; Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch 98%; Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%...
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu của dòng sông Mekong huyền thoại và hệ thống kênh rạch phủ khắp vùng hơn 80% diện tích đất nông nghiệp với nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai phù sa màu mỡ rất thuận tiện để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và quy trình sản xuất hiện đại đề An Giang trở thành một trong những trung tâm đầu mối về nông nghiệp lớn của vùng theo quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Với những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh là lúa gạo, thủy sản và trái cây cùng với nhiều tiềm năng mới về chăn nuôi và dược liệu đã đưa tỉnh An Giang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài nước và trên bản đồ nông sản toàn cầu.
Một góc thành phố Long Xuyên. |
An Giang quy hoạch mới 04 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.587ha rộng khắp, bao phủ các vùng nguyên liệu lúa, nếp, trái cây, rau màu, thủy sản, dược liệu cho thấy tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghệ chế biến sâu, chế biến tinh của tỉnh An Giang rất rõ nét. An Giang đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị của sản phẩm, xây dưng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắc khe của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với những định hướng tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh An Giang rất cần những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình đọ quản trị cáo đề khai thác có hiệu quả tiềm năng, biến lợi thế ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang thành những dự án quy mô lớn, có giá trị cao, từng bước đưa An Giang trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng và cả nước.
Huỳnh Biển
Theo