(Xây dựng) - Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hệ thống thông tin để lập quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, song còn thiếu dữ liệu và đặc biệt là bất cập trong chia sẻ thông tin. Bởi vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), cần hoàn thiện đầu tư vào thu thập cơ sở dữ liệu và chuyển dữ liệu thành thông tin.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đánh giá của WB trong một báo cáo mới đây cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên nước, tất cả các thách thức này dự đoán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có bất kì hành động nào được đưa ra (kịch bản thông thường trong điều kiện có các dự báo về xu hướng biến đổi khí hậu).
Trước hết, bốn lưu vực sông của Việt Nam: lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, Đồng Nai và Đông Nam bộ vốn đóng góp 80% GDP đến năm 2030 đều phải đối mặt với căng thẳng về tài nguyên nước vào mùa khô. Lưu vực sông Đông Nam bộ dự kiến sẽ đối mặt với căng thẳng tài nguyên nước nghiêm trọng, thậm chí không đạt được mức 28% nhu cầu dùng nước mùa khô tới năm 2030.
Khai thác quá mức và thiếu quan trắc đầy đủ tài nguyên nước dưới đất làm suy giảm mực nước dưới đất, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt lún đất ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cũng như thiếu nước cục bộ vào mùa khô, ví dụ như vùng ĐBSCL (nơi sản xuất 50% lúa gạo cho Việt Nam) và ở vùng Tây Nguyên (nơi có 88% diện tích cà phê so với toàn quốc). Xâm nhập mặn vào các tầng nước dưới đất làm giảm sản lượng nông nghiệp dọc các sông ở vùng ĐBSCL và sông Hồng.
Nước mặt có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng chỉ với khoảng trên 10% nước thải đô thị và công nghiệp được xử lý. Một số đoạn sông gần các TP lớn bị ô nhiễm nặng, dẫn đến phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên nước dưới đất và nguy cơ khai thác quá mức nguồn nước này. Nước thải không được xử lý được sử dụng cho thủy lợi ở vùng hạ du dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Hạ tầng cấp nước máy và vệ sinh cũng như các dịch vụ tương ứng mới chỉ bao phủ được một bộ phận của người dân.
Thủy điện được mở rộng một cách nhanh chóng dẫn đến các vấn đề về an toàn về hồ đập, đặc biệt là các đập nhỏ, có tiềm năng làm gia tăng căng thẳng về tài nguyên nước vào mùa khô và các mâu thuẫn về chia sẻ tài nguyên nước. Hơn nữa, thủy điện cũng làm giảm lượng phù sa trong sông làm ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp.
Các đợt hạn hán ngày càng gia tăng về tần suất lẫn cường độ, ảnh hưởng sinh kế và sản lượng nông nghiệp. Đợt El Niño năm 2014 và 2016 gây nên hạn hán nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong vòng 90 năm qua ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế và nền kinh tế. Đánh giá gần đây về nguy cơ lũ (Phân tích biến đổi khí hậu của lũ, WB 2018) cho thấy, lưu lượng đỉnh lũ lịch sử vốn xuất hiện một lần trong 5 thế kỷ được dự kiến đến năm 2026 - 2045 sẽ quay lại trên một nửa đất nước chỉ trong vòng 20 năm hoặc thậm chí ngắn hơn.
Những thách thức kể trên, theo WB, dự kiến sẽ làm giảm 6% GDP hàng năm vào năm 2035. Đây là con số theo phương án ước tính thấp, vì vậy tác động thực tế đến GDP sẽ có thể vượt quá 6% hàng năm.
Do đó, phải có các hành động kiên quyết là hết sức thiết yếu cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt các giải pháp quản lý cơ sở hạ tầng và nhu cầu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước sắp diễn ra. Các hành động này có thể thực hiện được trong ngắn hạn và khả thi.
Ngọc Lý
Theo