Thứ bảy 27/04/2024 12:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mường Ảng (Điện Biên): Cấp mỏ đá “cheo leo”, hiểm họa rình rập người qua lại

21:01 | 23/08/2018

(Xây dựng) - Thời gian qua, cứ mỗi khi mỏ đá Mường Ẳng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) nằm trên con đèo Tằng Quái thuộc Quốc lộ 279, đèo dài 11 km, ngay ven dãy núi “Vách thưng trời” mà hoạt động là hàng đoàn xe tải, xe khách, người dân di chuyển qua đây bị ách lại để doanh nghiệp này hoạt động. Đất thải thì chở đi đổ lung tung, đê quay, bờ kè không đúng kỹ thuật, tự ý xây thêm nhà kho, nhà điều hành, lán trại… tăng so với các Quyết định của UBND tỉnh, vi phạm hành lang an toàn giao thông. Mặc dù liên tục bị “tuýt còi” nhưng cứ “đẹp trời” là máy móc của doanh nghiệp này lại hoạt động. Bao giờ thì mỏ đá này chấm dứt hoạt động, trả lại môi trường an toàn cho người tham gia giao thông, khi giấy phép còn đến gần 20 năm nữa?

Mỏ đá Mường Ẳng 4 của Cty CP cao nguyên Hà Giang được cấp phép ngay sát Quốc lộ 279

Nỗi lo đá lở bất thình lình

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Ngọc - nhà ở Thị trấn Mường Ảng cho biết: “Hàng ngày, chị thường xuyên lấy hàng hóa nông sản từ các xã ra thị trấn, nên hay phải qua đèo Tằng Quái (QL 279) này. Nhưng mỗi khi thấy mỏ đá này hoạt động là mọi người lại sợ. Vì lúc nổ mìn, họ có cho người chặn 2 đầu đường thật, nhưng khi nổ xong là mọi người ào ào kéo nhau đi. Mà “nói dại” nếu đi đến đoạn gần mỏ, mà “vô phúc”, đá từ trên đồi lở xuống thì chắc chẳng có chỗ mà tránh. Lúc đó, chắc chỉ có đi viện”, chị Ngọc thẳng thắn chia sẻ.

Anh Trần Văn Thắng, một lái xe khác bức xúc cho hay: “Vì làm nghề lái xe, tôi thường xuyên qua lại tuyến đường này, cứ hôm nào có mỏ hoạt động và nổ mìn là hàng đoàn xe phải dừng lại chờ họ xúc gạt, hoặc đợi an toàn mới đi. Chẳng hiểu ai cấp phép mà lại vô lý đến vậy. Dường như người cấp phép không hiểu quy định mỏ tối thiểu phải cách đường giao thông bao nhiêu m hay sao mà lại “ưu ái” doanh nghiệp này đến vậy. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh hoặc có biện pháp an toàn hơn đối với người tham gia giao thông. Tránh tình trạng, tai họa xảy ra rồi mới lo “dọn dẹp” thì chỉ người dân là chịu khổ”.

Máy xúc của Cty chạy cả xuống đường.

“Mục sở thị” khu mỏ, phóng viên thấy những tố cáo, kiến nghị của người dân là có cơ sở. Chủ mỏ này là Cty CP cao nguyên Hà Giang, do một người tên Hải điều hành. Đá được khai thác kiểu “máng vỉa”, không hề “cắt tầng” như quy định khai thác mỏ. Mà cứ cho thợ khoan, dùng khoan rồi nhét thuốc, đánh đá. Khi mìn nổ om, đá cứ thế lở xuống rồi dùng máy xúc, xúc lên xe chở vào sàn nghiền đánh đống chờ ngày bán. Mọi quy tắc về khai thác mỏ cũng như phun nước tưới, bờ bao hành lang an toàn, văn bản chấp thuận đấu nối của Tổng cục đường bộ Việt Nam đều không có.

Ai chống lưng cho doanh nghiệp ?

Qua điều tra, phóng viên được biết: mỏ đá này sau khi được Sở Tài nguyên Môi trường Điện Biên thẩm định và trình lên ngày 5/2/2015 thì đến ngày 13/2/2015 đã được ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký Quyết định số 03 cho phép Cty CP cao nguyên Hà Giang (phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ) được phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại điểm mỏ Mường Ẳng 4, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. Và cũng như theo giấy phép này thì thời hạn của mỏ kéo dài 23 năm. Mỗi năm khai thác 15.000 m³.

Đê quây không có, không đảm bảo an toàn sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông bên dưới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, dù hoạt động cầm chừng trong giai đoạn kinh doanh, nhưng mỏ đá này đã nảy sinh vô số sai phạm chồng lên sai phạm, tiểm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Đường đấu nối chưa được Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp phép.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Triệu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: “Ngày 30/8/2017, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn gồm Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc khai thác và chế biến mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Mường Ẳng 4 của Cty CP Hà Giang. Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, như: Cty đã tự ý thay đổi hiện trạng khu vực chế biến mỏ so với thiết kế mỏ đã được các cấp phê duyệt; Diện tích mặt bằng kho, nhà điều hành và lán trại tăng so với Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Điện Biên; Đắp bờ bao chắn đá lăn vi phạm thuộc hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 279; Xây dựng đường vào mỏ chưa xin phép đấu nối với đường Quốc lộ 279; Không có hệ thống biển báo, rào chắn khu vực khai thác, chế biến đá theo quy định; Giờ cấm đường Quốc lộ 279 để nổ mìn chưa có sự thỏa thuận cho phép của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; không thực hiện việc đăng ký quy cách, hợp quy chất lượng sản phẩm và giá bán sản phẩm với các cơ quan chức năng…

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: không chỉ bị các cơ quan chức năng của huyện Mường Ảng lên tiếng, kiến nghị, trước đó Cục Quản lý đường bộ I (Bộ Giao thông và Vận tải) cũng đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ số 444/QÐ-XPVPHC và đình chỉ thi công, buộc Cty Hà Giang phải dừng ngay việc san lấp trái phép; khôi phục hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên đến nay các biện pháp xử phạt vẫn chưa được thực hiện…

Máy móc, dàn sàng không có hệ thống phun sương, tiêu bụi.

Trao đổi với phóng viên về những bất cập trên, ông Trương Quang Hải - Bí thư huyện ủy Mường Ảng cho biết: “Về quan điểm của Thường trực huyện ủy là luôn yêu cầu UBND huyện và các phòng ban chức năng phải đôn đốc doanh nghiệp làm đúng các quy định pháp luật. Nếu sai là sẽ báo cáo ngay lên UBND tỉnh để kiên quyết xử lý, chứ không bao che, dung túng làm sai”, ông Hải khẳng khái cho biết.

Ôtô chở đá luôn chạy ngược xuôi, bất thình lình sẽ gây nguy hiểm khi không có biển cảnh báo.

Phân tích về những vấn đề nêu trên với luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội), luật sư Thắng cho biết: “Việc khai thác mỏ cần phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn, đằng này, việc khai thác mỏ ở đây mà như một cái bẫy, bất chấp các quy định của pháp luật và cứ tồn tại thì chỉ có sự “chống lưng” của ai đó mới cố ý làm liều. Đã đến lúc UBND tỉnh Điện Biên cần phải mạnh tay trước những doanh nghiệp trên. Bài học nhãn tiền về “đá lở” ở Tây Bắc là khá nhiều, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì quá muộn”.

Đức Hải – Đà Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load