(Xây dựng) - Dự án thành phần 2, đường bộ Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk có chiều dài trên 16km, dự kiến trong tháng 8/2023, địa phương này sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đoàn vẫn làm việc dù màn đêm đã buông xuống tại xã Cư San, huyện M’Drắk. |
Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Drắk, hiện nay công tác đo đạc, kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc thành phần 2 đang được đơn vị này dốc toàn lực để triển khai. Dự kiến trong tháng 8/2023 địa phương sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cụ thể, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Với chiều dài toàn tuyến 16,65km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 127ha.
Đến nay, địa phương đã thông báo thu hồi đất đối với 168 hộ gia đình, 2 tổ chức với diện tích gần 127ha/127ha (đạt 100%). Kiểm đếm khoảng 109ha/127ha (đạt 86,42%), số diện tích còn lại khoảng 17ha, gồm giao thông, sông suối và khoảng 2ha đất nông nghiệp chưa kiểm đếm.
Một đoạn đường Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ đi qua tại xã Cư San. |
Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện M’Drắk, đã xây dựng dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ đối với 62 hộ thuộc đất xâm canh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drắk, đang đợi giá cây Keo lai để hoàn chỉnh phương án lấy ý kiến góp ý.
Địa phương đã hoàn thành đo đạc, chỉnh lý biến động, lập bản đồ địa chính với 20 tờ bản đồ với 514 thửa đất, diện tích đo hơn 126,7ha. Thực hiện trích lục bản đồ địa chính 480 thửa.
Về bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 26/5/2023, gồm: Điều chỉnh phạm vi hướng tuyến. Các mỏ vật liệu, bãi đổ thừa, cụ thể: Phê duyệt 6 vị trí bãi thải, xử lý chất thải, diện tích trên 9ha; Phê duyệt đất sản xuất vật liệu xây dựng 4 điểm diện tích hơn 18ha.
Cán bộ, cùng người dân tranh thủ giải lao tránh cái nắng gay gắt giữa buổi trưa. |
Theo địa phương việc giải phóng mặt bằng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Lực lượng con người thực hiện vụ còn hạn chế, huyện M’Drắk trưng dụng nhiều cán bộ của ngành khác tăng cường cho Trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất; Thời gian thực hiện gấp, khối lượng công việc nhiều, địa bàn xa đi lại khó khăn. Trong khi đó, huyện đang tập trung nhiều công việc di dân tái định cư dự án Krông Pách Thượng, dự án Sao Đỏ, Đông Trường Sơn, kiểm tra đánh giá suy giảm diện tích rừng…
Bên cạnh đó phần lớn diện tích đất thuộc nguồn gốc Công ty Lâm nghiệp quản lý, người dân đã lấn, chiếm sử dụng từ nhiều năm trước cho nên khó khăn xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ.
Một số diện tích đất lúa, đất sản xuất nông nghiệp người dân đã sử dụng ổn định từ lâu, đến năm 2009 đo đạc lập bản đồ địa chính là đất sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên áp dụng lên Bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 của ngành Kiểm lâm thuộc đất rừng tự nhiên, cho nên khó khăn cho UBND xã xác nhận nguồn gốc đất.
Phần lớn diện tích đất thuộc nguồn gốc Công ty Lâm nghiệp quản lý, người dân đã lấn, chiếm sử dụng từ nhiều năm trước cho nên khó khăn xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ đền bù. |
Công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính còn chậm cho nên đã ảnh hưởng đến trích lục bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ. Việc giá đất cụ thể, giá cây Keo lai chưa phê duyệt ảnh hưởng đến việc áp giá, lập phương án công khai phương án bồi thường.
Huyện M’Drắk, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thống nhất phương án đơn giá cây keo lai của người dân tự trồng, đồng thời sớm thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đồng thời đề nghị Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định rõ nội dung kiểm kê rừng năm 2014 vì theo bản đồ địa chính đo năm 2009 là đất lúa, đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên đối chiếu lên bản đồ Bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 của ngành Kiểm lâm thuộc đất rừng tự nhiên, cho nên UBND xã khó khăn cho xác nhận nguồn gốc đất.
Ngọc Giang
Theo