Thứ ba 23/04/2024 22:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Long An tìm hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19

17:27 | 18/01/2022

(Xây dựng) - Năm 2022, tỉnh Long An xác định bên cạnh tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Với mọi nguồn lực sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để tăng trưởng GRDP đạt 6,5 -7,0%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 85-90 triệu đồng.

long an tim huong phuc hoi sau dai dich covid 19
Các Khu công nghiệp tại Long An hiện là nơi được các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm và mong muốn đến đầu tư (ảnh internet)

Nỗ lực sau đại dịch

Long An cùng miền Nam vừa trải qua trận đại dịch lớn nhất trong lịch sử khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh năm 2021 ước đạt 1,02% (kế hoạch đề ra từ 9-9,5%), đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra nhưng là mức tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong quí III/2021.

GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 80,08 triệu đồng, tăng 4% (tăng 3,08 triệu đồng) so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế năm 2021 khu vực I, II, III lần lượt là 16,05%-51,15%-32,8. Tổng thu ngân sách Nhà nước trong năm đạt 18.800 tỷ đồng, đạt 123,9% dự toán Trung ương, đạt 120,6% dự toán HĐND tỉnh giao. Toàn tỉnh công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới toàn tỉnh lên 107 xã, chiếm 66,5% tổng số xã toàn tỉnh và 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã Nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh là 19 xã.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng mới có được mức tăng trưởng 1,16%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp so với trung bình hàng năm khi chưa xảy ra dịch bệnh (bình quân 15%/năm) nhưng đó là kết quả của sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp Long An. Năm 2021, ngành Công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là trong quý III/2021, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, đa số doanh nghiệp, dự án phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm “3 tại chỗ” nhưng năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng do chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch... Tuy nhiên, từ ngày 15/9 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại theo lộ trình.

Bằng nhiều cách linh hoạt, thích ứng với thời cuộc, các cụm công nghiệp vẫn triển khai các hoạt động thu hút đầu tư. Vì thế, năm 2021 Long An vẫn thu hút được hút được 36 doanh nghiệp vào thuê tại các cụm công nghiệp với tổng diện tích đất cho thuê lại 152ha. Toàn tỉnh hiện có 22 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với tổng diện tích hơn 5.000ha trong đó có hơn 500ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.694 dự án đầu tư, trong đó có 817 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 5.100 triệu USD và 877 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 101.000 tỷ đồng. Đối với khu kinh tế cửa khẩu có 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, diện tích 21,2ha và 02 dự án đầu tư trong nước với diện tích thuê đất là 0,66ha.

Giải pháp đồng bộ và căn cơ

Để phục hồi sau trận đại dịch Covid-19, Long An đặt ra những kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6,5 -7,0%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 85-90 triệu đồng; Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%; Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 12% so với năm 2021 và tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách cao hơn năm 2022

Muốn hoàn thành và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh Long An đã đưa ra các giải pháp căn cơ. Trong đó, ngoài tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp; thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch...; Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, logistics...; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, phát triển liên kết vùng và huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế.

Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Long An luôn nhấn mạnh: Năm 2022 sẽ tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phát của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load