Thứ tư 11/09/2024 11:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Lộ diện hàng loạt “vi phạm” tại các dự án của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội

11:21 | 24/01/2019

(Xây dựng) – Một loạt những “tồn tại” của Dự án khu liên cơ Võ Chí Công (Xuân La, Tây Hồ) đã được các cơ quan có thẩm quyền chỉ ra mới đây. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đã chậm trễ trong quá trình kiểm tra, tiếp nhận thông tin và khắc phục, xử lý những vi phạm này.

Dự án được xây dựng tại khu đất X2, Xuân La, Tây Hồ.

Tìm hiểu được biết, Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công là công trình trọng điểm của UBND TP Hà Nội, xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước để bố trí trụ sở làm việc của 8 Sở, Ngành thuộc UBND TP.Hà Nội. Quy mô dự án gồm 03 khối nhà, cao lần lượt 27, 16, và 7 tầng, xây dựng trên khu đất 7.270m2. Tổng mức đầu tư là hơn 1.022 tỷ đồng, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng là quý III/2018. Đến nay, Dự án đang bị chậm tiến độ, không thể đáp ứng theo tiến độ mà UBND TP Hà Nội đã đề ra.

Được biết, trước đây Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội làm chủ đầu tư dự án, đến tháng 02/2017, dự án chính thức bàn giao lại cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội. Khi bàn giao thì đã cơ bản xong phần thô của tòa nhà 27 và 16 tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng đã có các Văn bản số 368/CGĐ-CGĐ2 ngày 02/06/2016 (thông báo Kết luận kiểm tra lần 1); số 1141/CGĐ-CGĐ2 ngày 01/12/2017 (thông báo Kết luận kiểm tra lần 2); số 80/GĐ-GĐ2 ngày 30/1/2018 về kính sử dụng trong công trình; số 329 ngày 16/4/2018 về chất lượng kính sử dụng trong công trình.

Theo đó, ngày 02/06/2016, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã có thông báo Kết luận kiểm tra các hạng mục của dự án. Trong đó đã chỉ rõ những tồn tại, sai, thiếu trong quá trình thiết kế, thi công của chủ đầu tư như: Việc áp dụng tiêu chuẩn tại dự án theo mã cũ đã bị hủy bỏ, đề nghị thay bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn mới tương ứng. Đặc biệt, trong hồ sơ thiết kế chưa có thuyết minh tính toán nhiều hạng mục, trong đó có hạng mục hệ vách kính bao quanh suốt dọc thân công trình.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư phải rà soát các thiếu sót, trong đó cần lưu ý phê duyệt hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho công trình. Tuy nhiên, dù có hàng loạt những “tồn tại” của dự án đã được chỉ rõ, thế nhưng chủ đầu tư dự án vẫn “bỏ ngoài tai” không tổ chức kiểm tra phê duyệt lại tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm tra từ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, mời thầu, dự thầu, vật tư tại hiện trường đã cho tổ chức thi công.

Trước đó, tại Văn bản số 11560/SDX-QLXD Sở Xây dựng gửi chủ đầu tư ngày 01/12/2017 về việc bổ sung hồ sơ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán hạng mục điều chỉnh hệ thống điện nhẹ (giai đoạn 1) và điều chỉnh thông gió tầng hầm dự án, Sở Xây dựng khẳng định: Chưa đủ điều kiện để thẩm định bản vẽ thi công dự toán các hạng mục ảnh hưởng đến công năng sử dụng, phương án thiết kế kiến trúc của công trình.

Đáng chú ý, theo Văn bản số 80/GĐ-GĐ2 Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội ghi rõ: Đã kiểm tra công tác nghiệm thu lần 2 và thông báo kết quả tại Văn bản số 1141/GĐ-GĐ2 ngày 1/12/2017. Tại thời điểm kiểm tra, hồ sơ thiết kế, hồ sơ quản lý chất lượng kính tòa nhà 27 tầng chỉ thể hiện vật liệu sử dụng là kính hộp chiều dài 21mm, 3 lớp (kính phản quang xanh nước biển nhạt dày 6mm + khí chân không 9 mm + kính tôi nhiệt dày 6 mm) chưa thể hiện rõ chủng loại (kính phẳng tôi nhiệt, kính dán nhiều lớp, kính dán an toàn…) yêu cầu của kỹ thuật của kính phản quang xanh nước biển nhạt 6 mm (Quy chuẩn QCXDVN 05/2008 Bộ Xây dựng). Đồng thời vách kính khung nhôm cần được kiểm tra đánh giá về độ bền áp lực gió, độ kín nước,… theo Quy chuẩn QCVN 16:2014/BXD trước khi đưa vào lắp đặt.

Ngoài ra, theo Văn bản số 1141/GĐ-GĐ2 Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nêu: Qua kiểm tra thực tế hiện trạng xây dựng có một số tồn tại: Kết cấu bê tông dầm, sàn xuất hiện nhiều vết nứt theo quy luật về vị trí và dạng vết nứt. Các vết nứt ngang đáy dầm và lan lên hai bên thành dầm cho đến sàn, chủ yếu tập trung tại khu vực giữa hoặc gần giữa dầm phụ và dầm chính; bê tông cột, dầm, sàn có một số vị trí bị rỗ; Các tường xây có kích thước lớn không có giằng, trụ.

Tìm hiểu được biết, những “tồn tại” lớn đối với dự án này là hồ sơ thiết kế không tuân thủ quy chuẩn, vật liệu sử dụng cũng không đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, kính lắp đặt công trình không đảm bảo các quy chuẩn. Tuy nhiên, sau hàng loạt các Kết luận và yêu cầu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), chủ đầu tư vẫn lắp đặt hệ thống kính không đạt chuẩn, không hề kiểm tra, xử lý vật liệu.

Tại Văn bản số 11560/SDX-QLXD ngày 01/12/2017 về việc bổ sung hồ sơ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán hạng mục điều chỉnh hệ thống điện nhẹ (giai đoạn 1) và điều chỉnh thông gió tầng hầm dự án, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Chưa đủ điều kiện để thẩm định bản vẽ thi công dự toán các hạng mục ảnh hưởng đến công năng sử dụng, phương án thiết kế kiến trúc của công trình. Đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội bổ sung ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về phương án thiết kế kiến trúc điều chỉnh; Bổ sung hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC theo phương án thiết kế điều chỉnh.

Ngoài ra, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng xác định hệ thống PCCC, hệ thống điện nhẹ còn nhiều vấn đề, chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Có thể thấy, tại các văn bản thông báo, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thường xuyên yêu cầu chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn  độc lập đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định thực hiện kiểm định đánh giá, xác định nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình; Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng theo quy định, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các chủ thể tham gia xây dựng công trình đảm bảo đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định.

Không chỉ tại khu liên cơ Võ Chí Công, một số dự án khác như Khu tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai), dự án nhà ở tái định cư tại ô đất CT thuộc quỹ đất 20% của khu trường học và nhà ở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng còn tồn tại một số vi phạm về quản lý chất lượng công trình, tiến độ…

Để có những thông tin khách quan cung cấp đến bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội từ ngày 11/1/2019. Tuy nhiên, đã hơn 2 tuần trôi qua, phía chủ đầu tư liên tục lấy lý do bận, không thể sắp xếp lịch và đùn đẩy trách nhiệm, không sắp xếp lịch làm việc với phóng viên. Có thể thấy, chủ đầu tư đang “né tránh”, “đùn đẩy” trách nhiệm, không cung cấp thông tin cho báo chí để làm rõ những vi phạm tại các dự án trên địa bàn TP Hà Nội.

Liên quan đến các dự án mà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đang được giao tổ chức triển khai, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc và thông tin đến bạn đọc.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load