Thứ sáu 29/03/2024 22:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

LILAMA vượt khó trong đại dịch Covid-19, thi công an toàn, hiệu quả

09:10 | 26/11/2021

(Xây dựng) – Trong năm 2021, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã phải cố gắng rất nhiều để phối hợp với Tổng thầu EPC, các nhà thầu và chủ đầu tư của các dự án để giải quyết những khó khăn trong đại dịch Covid-19, đảm bảo quá trình thi công diễn ra thông suốt, an toàn, đạt hiệu quả và tiến độ đã đề ra.

lilama vuot kho trong dai dich covid 19 thi cong an toan hieu qua
Các đơn vị của LILAMA đều thực hiện các biện pháp sản xuất thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh thực tế, nghiêm chỉnh chấp hành tinh thần thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn

Từ năm 2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến các dự án mà LILAMA tham gia. Thiết bị, vật tư do các nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp bị chậm lại vì sản xuất ở các nước bị hạn chế, hoặc không thể hoạt động. Hệ thống logistics toàn cầu bị ngưng trệ, khó khăn và trong trường hợp bắt buộc phải thực hiện thì giá cả sẽ tăng vọt. Việc điều chuyển và huy động chuyên gia từ nước ngoài theo tiến trình công việc là rất khó khăn, tốn thời gian và có nhiều trường hợp là không thể thực hiện.

Bằng trách nhiệm và kinh nghiệm của mình, Tổng Công ty LILAMA đã tìm đủ các kế sách để đàm phán, thương thảo với những đối tác nước ngoài nhằm tìm ra các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất. Trong nhiều tình huống thực tế, LILAMA thậm chí phải chấp nhận phát sinh kinh phí để huy động vật tư, thiết bị và chuyên gia đến dự án nhằm đáp ứng tiến độ thi công.

lilama vuot kho trong dai dich covid 19 thi cong an toan hieu qua
Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam và Công đoàn Tổng Công ty LILAMA thăm hỏi, tặng quà người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, LILAMA cũng huy động tất cả các nguồn lực để thiết lập hệ thống quản lý nghiêm ngặt về công tác phòng, chống dịch an toàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa duy trì nhiệm vụ tại dự án; phát huy tối đa việc trao đổi, bàn bạc, hay hướng dẫn hiệu chỉnh, chạy thử, chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Để phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo công tác thi công được thông suốt, LILAMA cùng các nhà thầu phụ khác và Tổng thầu EPC đã mạnh dạn đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Tích cực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Thời gian qua, Công đoàn Tổng Công ty LILAMA cũng có nhiều văn bản đề nghị các Công đoàn cơ sở trực thuộc lập danh sách đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó, chế độ hỗ trợ được theo đúng văn bản hướng dẫn của Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Cụ thể, đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định về phòng, chống dịch được nhận mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người.

Đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định về phòng chống dịch, được nhận mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

lilama vuot kho trong dai dich covid 19 thi cong an toan hieu qua
Cán bộ, công nhân viên cơ quan Tổng Công ty LILAMA đã ủng hộ hơn 111 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn viên, người lao động có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được nhận mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.

Đối với cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, cán bộ chuyên trách cấp trên được nhận mức hỗ trợ từ 100.000-150.000 đồng/người/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người. Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được nhận mức hỗ trợ 80.000-120.000 đồng/người/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người.

Ông Lê Đình Khanh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty LILAMA cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Công đoàn các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo và Công đoàn Tổng công ty đã triển khai đến các Công đoàn cơ sở để thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tính đến nay, Công đoàn Tổng Công ty LILAMA đã hỗ trợ cho hơn 1.000 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đó, một trong những hoạt động xuyên suốt là hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn cho đoàn viên công đoàn tại các Công đoàn cơ sở thuộc LILAMA đang tổ chức sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”. Tháng 6/2021, Công đoàn Tổng công ty đã kịp thời hỗ trợ 2 tấn gạo và 100 lít dầu ăn để nâng cao chất lượng bữa ăn cho 175 đoàn viên, người lao động đang làm việc tại Công ty Cổ phần Lilama 69-1 ở thành phố Bắc Ninh. Tháng 8/2021, căn cứ theo Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty LILAMA đã duyệt chi hỗ trợ bữa ăn cho 150 đoàn viên, người lao động của Công ty Cổ phần Lilama 18 đang thực hiện “3 tại chỗ”, mức chi hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

lilama vuot kho trong dai dich covid 19 thi cong an toan hieu qua
Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ công đoàn viên, người lao động được đưa ra, thì Tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện sông Hậu I cũng đưa ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong lao động sản xuất cho đơn vị như:

Thứ nhất, các cấp thẩm quyền có cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn, khả thi để chủ đầu tư rà soát, xác định những vướng mắc cụ thể và khó khăn tổng quát, nhất là những khó khăn về tài chính và những chi phí phát sinh do Covid-19 theo nội dung kiến nghị của Tổng thầu EPC và tất cả các nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Từ thực tiễn đó, chủ đầu tư sẽ quyết định gia hạn thời gian hoàn thành dự án, cũng như thúc đẩy nhanh nhất có thể việc phê duyệt đơn giá chi tiết theo quy định để thanh toán cho Tổng thầu và chấp thuận thanh toán bổ sung những chi phí phát sinh do dịch bệnh.

Thứ hai, đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù cho dự án về hệ thống logistics để vật tư, thiết bị từ nước ngoài có thể về dự án nhanh nhất, đồng thời cũng hạn chế tối đa các tác động tiêu cực do giá cả vật tư, thiết bị tăng đột biến, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Thứ ba, kiến nghị các cấp có thẩm quyền đưa ra những quy định nhất quán, kiểm soát một cửa về việc cho phép chuyên gia của nhà cung cấp thiết bị từ nước ngoài đến dự án làm việc một cách nhanh nhất, vì mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau, trong khi quy trình cấp visa phải được chấp thuận từ nhiều cấp có thẩm quyền. Bởi vậy, thời gian thực tế để có visa phải mất khoảng 2 – 3 tháng.

Mặt khác, mỗi dự án lại có hàng ngàn người làm việc trên công trường nên để thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất, vừa chống dịch, các nhà thầu có đề nghị Ban quản lý dự án và chủ đầu tư chuẩn bị sẵn khu cách ly tạm thời để sử dụng khi cần thiết. Đề nghị chính quyền địa phương, nơi xây dựng nhà máy, hỗ trợ việc thiết lập cơ sở vật chất phòng chống, dịch tại chỗ cũng như tạo cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm tại dự án, hoặc gần nhất có thể.

Thứ tư, đề nghị chính quyền địa phương ưu tiên phân bổ và bố trí tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho tất cả những người tham gia thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất.

Về phía mình, các đơn vị của LILAMA đã thực hiện biện pháp thích ứng linh hoạt tình hình thực tế, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. Đó là tổ chức sản xuất 2 tại chỗ, 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ); Tuyên truyền, phổ biến đến người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Yêu cầu người lao động tuyệt đối tuân thủ thực hiện biện pháp 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế) và tiêm vắc-xin phòng Covid-19...

Thứ năm, các đơn vị của LILAMA còn nghiên cứu xây dựng, tổ chức các dây chuyền thi công phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; vệ sinh công trường sau mỗi ca làm việc; vệ sinh bề mặt máy móc, thiết bị có tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng… với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Mỗi đơn vị LILAMA cũng không quên xây dựng các phương án dự phòng để chủ động trước những tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các đơn vị và bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Không chỉ nỗ lực phòng chống, dịch Covid-19 trên công trường, LILAMA cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để chung tay với toàn xã hội đánh bại “kẻ thù vô hình” trong gần 2 năm qua. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, LILAMA đã ủng hộ 500 triệu đồng vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Sau đó, cán bộ, công nhân viên Cơ quan Tổng công ty tiếp tục tổ chức quyên góp, ủng hộ hơn 111 triệu đồng vào quỹ Phòng, chống dịch Covid-19.

Bài “LILAMA vượt khó trong đại dịch Covid-19, thi công an toàn, hiệu quả” tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load