(Xây dựng) – Những biệt thự cổ kiểu Pháp đã tồn tại trong ký ức của người dân Hà Nội như một phần không thể thiếu. Những ngôi nhà mà khi nhắc đến đến, người ta thường hình dung đến sự yên bình, mộc mạc…Tất cả những điều đó, giờ đây chỉ còn là hoài niệm trong ký ức người Hà Nội xưa với những nuối tiếc dằn vặt, số phận của những ngôi biệt thự này sẽ ra sao?
Những ngôi biệt thự “ngủ quên” sau tấm áo tôn xanh. |
Ngôi “biệt thự ma” do ai quản lý?
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin ở kỳ trước, nhiều ngôi biệt thự hoang tàn, đắp chiếu nằm “hiu quạnh” trên những con phố đắt giá của Thủ đô Hà Nội. Số phận của ngôi biệt thự quý giá, nhưng đang bị bỏ hoang hàng thập kỷ, khiến những người quan tâm phải tiếc nuối, đau lòng. Nhiều người đặt câu hỏi, những căn biệt thự này còn bỏ hoang đến bao giờ?
Tìm hiểu về căn nhà số 300 phố Kim Mã; được biết, thực hiện Hiệp định ký ngày 14/12/1982 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước, phía Việt Nam đã cấp khu đất tại số 300 phố Kim Mã để Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở và nhà riêng Đại sứ.
Sau đó, phía Bulgaria đã tiến hành xây dựng ngôi nhà có diện tích 1.307m2 trên khu đất có diện tích 3.243m2. Công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1991. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống. Sau nhiều năm bỏ hoang, ngày 8/5/2018, căn nhà số 300 Kim Mã (Hà Nội) đã được Đại sứ quán Bulgaria bàn giao lại cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, ngôi nhà này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù xây dựng trụ sở mới hơn 4.000 tỷ nằm ở vị trí đắc địa trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội), nhưng Bộ Ngoại giao vẫn đề xuất giữ lại khu đất vàng 300 Kim Mã. Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản ý kiến về phương án xử lý ngôi nhà số 300 Kim Mã do Bộ Ngoại giao quản lý, sử dụng.
Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp và xử lý tài sản công, việc Bộ Ngoại giao đề xuất giữ lại, tiếp tục quản lý, sử dụng để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao là chưa phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao căn cứ theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP rà soát, báo cáo thêm về mục đích sử dụng cơ sở đất nêu trên, đồng thời đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Sau khi Bộ Ngoại giao kiểm tra, rà soát lại khu đất, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công.
Đối với ngôi biệt thự số 46 Hàng Bài, một Cán bộ địa chính phường Hàng Bài cho biết: Biệt thự số 46 Hàng Bài đang thuộc quản lý của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo thông tin tôi nắm được, sắp tới tại vị trí căn biệt thự này là ga ngầm C10 – thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị.
Tìm hiểu được biết, ngày 22/2/2016 UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 861/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm (phân quy hoạch sử dụng đất và giao thông) để xây dựng ga ngầm C10; phê duyệt tổng mặt bằng các ga ngầm: C6, C10 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội số 2 (đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo). Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi, tuyến đường sắt đô thị này kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố. Hệ thống nhà ga với 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9km); Khổ đường lồng 1.435 mm...Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn-Hoàng Mai.
Tại ngôi biệt thự bỏ hoang số 78 phố Nguyễn Du, theo thông tin từ lãnh đạo phường Nguyễn Du: Ngôi biệt thự này là của ngân hàng Vietcombank, họ đã có dự án cải tạo sửa chữa nhưng hiện tại đang tranh chấp với các hộ liền kề (bên phía Trần Hưng Đạo) nên chưa làm được chứ không phải là không sử dụng.
Đối với những tranh chấp tại thự số 78 Nguyễn Du, có lẽ cần một biện pháp xử lý hài hòa, nhằm giải quyết những tranh chấp để ngôi biệt thự này sớm có thể đi vào sử dụng, tránh tình trạng bỏ hoang gây nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Số phận của ngôi biệt thự bị bỏ hoang khiến những người quan tâm phải tiếc nuối, đau lòng. |
Đi tìm giải pháp bảo tồn biệt thự cổ
Biệt thự Pháp được xem là những công trình có giá trị vật thể cụ thể, phản ánh lịch sử kiến trúc một giai đoạn hình thành Thủ đô và đối với nhiều người Hà Nội, biệt thự cổ không chỉ đứng số một về mặt kinh tế mà còn hàm chứa những giá trị không thể đo đếm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc...
KTS.Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Những nhà Pháp cổ ở Hà Nội có chất lượng rất tốt, xây dựng bằng phương pháp tiên tiến, chất liệu gỗ, thép đều rất tốt. Từ những năm 70 của thế kỷ 20 những đơn vị xây dựng nên các căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo với Chính phủ về việc những ngôi nhà họ xây đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, nhiều căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội vẫn được sửa chữa, tu tạo để tăng tuổi thọ. Những nhà biệt thự Pháp cổ còn có chất lượng tốt đa phần thuộc diện sử dụng là cơ quan làm việc, cán bộ cao cấp ở do thường xuyên có kinh phí bảo trì. Còn những biệt thự Pháp cổ xuống cấp trầm trọng, bỏ hoang đa phần thuộc diện do người dân sử dụng.
Đáng lo nhất là những ngôi nhà Pháp cổ, thuộc tài sản công, được xếp vào dạng di sản, nhưng lại không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai nếu bị xâm phạm, bị bỏ mặc nên rất nhanh hỏng, nguy cơ sập đổ cao - KTS Trần Huy Ánh cho biết thêm.
Về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến: Các biệt thự cổ của Hà Nội, đặc biệt là những biệt thự xây dựng trước năm 1954 là loại hình kiến trúc mang đậm dấu ấn của Hà Nội hội nhập. Các biệt thự của Hà Nội không chỉ nhắc lại, sao chụp lại kiến trúc biệt thự của Châu Âu lúc bấy giờ, mà còn thể hiện dấu ấn mới – thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Các biệt thự đều có mối quan hệ với xung quanh rất hợp lý, hài hòa và có chủ kiến, có nhịp điệu, thiết kế đô thị phù hợp.
Từ những năm 90, khi biệt thự được công nhận là sở hữu nhà nước đã chia thành nhiều hộ ở. Năm 1994 đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về các công trình kiến trúc pháp, đặt biệt là biệt thự cần có chính sách bảo tồn. Gần đây nhất, thành phố đã xác định danh mục các công trình biệt thự cần bảo tồn và chia ra làm 3 nhóm để quản lý.
Qua một số trao đổi với chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia thừa nhận, các biệt thự là công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn du khách. Nhưng việc gìn giữ giá trị biệt thự và nguồn lực chúng ta có thể huy động đã cân đối chưa? Việc đưa ra quá nhiều biệt thự cần bảo vệ nguyên trạng có phù hợp với tiềm lực thực tế? Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải xem lại giữa việc bảo tồn và nguồn lực thực chất chúng ta đang có.
“Theo tôi, phân loại 3 nhóm như thế là hợp lý nhưng đối với công trình nhóm 1 cần thiết lập hồ sơ để bảo tồn, quản lý. Thành phố Hà Nội nên có cơ chế chính sách, quỹ bảo tồn di sản để hỗ trợ những công trình kiến trúc có giá trị, không chỉ bảo tồn công trình mà nên bảo tồn cả lối sống ở bên trong.
Phải chăng, đã đến lúc chúng ta nên phát huy giá trị với nhiều giải pháp, điều chỉnh chức năng để người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác lợi thế, tăng thu nhập cho chủ sở hữu, tránh tình trạng bỏ hoang” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ thêm.
Có thể thấy, các quy định của pháp luật về nhà ở hiện nay đã nêu rõ trách nhiệm bảo tồn nhà Pháp cổ thuộc về chủ sử dụng và chủ sở hữu công trình. Sau đó là trách nhiệm quản lý nhà nước, hướng dẫn việc thực hiện bảo tồn. Tuy nhiên, việc quản lý biệt thự Pháp cổ ở thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, nguy cơ mất dần di sản là rất cao. Rõ ràng những ngôi biệt thự cổ này đang rất cần được tu sửa để trả lại cho nó sự an toàn và thẩm mỹ như nó vốn có.
Khánh Hòa
Theo