(Xây dựng) – Ngày thì vắng lặng, tối không một bóng người, những ngôi biệt thự hoang tàn, đắp chiếu nằm “hiu quạnh” trên những con phố đắt giá của Thủ đô Hà Nội. Chúng ngự ở đây nhiều thập kỷ, bỏ mặc sự thăng trầm của thời gian, người dân vẫn quen gọi những ngôi nhà hoang tàn này với tên gọi “biệt thự ma”.
Nằm trên con phố sầm uất, đông đúc dân cư, nhưng ngôi nhà số 300 Kim Mã lại được bỏ hoang từ nhiều thập kỷ. |
Bước vào những ngôi biệt thự bỏ hoang lâu ngày, cũ kỹ; một cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn cùng với những ám ảnh về lời kể của một người làm bảo vệ gần đó; khiến chúng tôi càng thêm tò mò, muốn tìm hiểu về những căn biệt thự bỏ hoang này.
Dù dọc theo con phố này là những ngôi nhà khang trang, sầm uất và đông đúc dân cư, nhưng ngôi nhà số 300 Kim Mã rộng đến 3.000 m2 lại hoang phế từ nhiều thập kỷ nay. Tòa nhà được xây nửa kiểu biệt thự, nửa kiểu nhà ở với những bức tường dày đến 40 cm, nhìn từ xa trông giống như chiếc lô cốt. Kiến trúc tòa nhà này khác xa với những ngôi nhà hiện đại xung quanh.
Những năm qua, nhiều câu chuyện xung quanh ngôi nhà 300 Kim Mã được người dân sống tại Thủ đô truyền miệng nhau. Người ta vẫn quen gọi ngôi nhà này là “ngôi nhà ma”?
Dò hỏi thông tin về ngôi nhà, chúng tôi được người dân sinh sống gần ngôi nhà kể về sự việc, một thanh niên vô tình chụp được một bức ảnh trước khuôn viên của ngôi nhà và đằng sau là một bóng trắng hình dáng giống một cô gái. Tuy nhiên, khi bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cũng cho rằng, đó chỉ là ánh sáng chiếu vào chiếc cột bên trong ngôi nhà nên tạo nên hình ảnh như vậy.
Rất nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến ngôi nhà 300 Kim Mã được truyền tai nhau. |
Năm 2009, đồn đoán được đẩy lên cao trào khi xảy ra vụ người đàn ông bị cắt cổ trên chiếc xe Lexus sang trọng vào rạng sáng 14/2 (đúng Ngày Tình nhân, Valentine), chết ngay cạnh cổng nhà này. Sau sự việc này, câu chuyện ngôi nhà hoang lại nóng, thu hút sự quan tâm, tò mò của nhiều người.
Được biết, thực hiện Hiệp định ký ngày 14/12/1982 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước, phía Việt Nam đã cấp khu đất tại số 300 phố Kim Mã để Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở và nhà riêng Đại sứ.
Sau đó, phía Bulgaria đã tiến hành xây dựng ngôi nhà có diện tích 1.307m2 trên khu đất có diện tích 3.243m2. Công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1991. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống. Sau nhiều năm bỏ hoang, ngày 8/5/2018, căn nhà số 300 Kim Mã (Hà Nội) đã được Đại sứ quán Bulgaria bàn giao lại cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, ngôi nhà này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Căn biệt thự bỏ hoang giữa khu đất vàng khiến nhiều người nuối tiếc. |
Tọa lạc tại địa chỉ 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo - một vị trí “đắc địa” là ngôi biệt thự rộng cả ngàn mét vuông bị bỏ hoang hơn chục năm, sắp sụp đổ. Nhìn từ bên ngoài, ngôi biệt thự đã bị bong tróc nham nhở, trên các bức tường rêu mốc, nghiêng ngả xuất hiện những vết nứt rộng.
Theo tìm hiểu, căn biệt thự này gồm 2 tầng ở, 1 tầng tum được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp. Ngôi nhà nằm chính giữa mảnh đất, bao quanh là khu đất trống và nhiều cây cổ thụ tán rộng, quanh năm xanh mát. Nhìn toàn cảnh, nơi đây giống như một tòa lâu đài nằm im lặng giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, đến nay dấu ấn của lối kiến trúc Pháp đặc trưng vẫn còn hiện diện qua từng chi tiết của căn nhà: Kết cấu phần thô, chi tiết chạm khắc hoa văn, màu sắc của từng mảng tường loang lổ hay những cánh cửa cũ đã xuống cấp…
Căn phòng chính hiện nay được sử dụng thành bãi tập kết phương tiện vi phạm. |
Được biết, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, căn biệt thự 46 Hàng Bài là trụ sở của Nhà Xuất bản Văn học. Đến năm 1998, khi nhà xuất bản chuyển tới địa chỉ khác, mảnh đất này sau đó trải qua nhiều lần đổi chủ. Khoảng đầu những năm 2000, ngôi nhà được một cơ sở kinh doanh phong thủy thuê lại, tuy nhiên chỉ hoạt động một thời gian thì dời đi và bỏ hoang tới nay.
Sau hơn 10 năm rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”, biệt thự cổ có nhiều dấu hiệu xuống cấp trông thấy. Những mảng tường bong tróc, toàn bộ hệ thống cửa chính, cửa sổ ở các phòng đều sập xệ, không còn giá trị sử dụng. Xung quanh nhà, cây cối mọc um tùm, rêu phong bán đầy chân tường.
Hiện chính quyền địa phương có thuê người trông nom căn nhà, người này hàng ngày ăn ở sinh hoạt tại đây và có trách nhiệm bảo vệ cơ sở vật chất phòng trường hợp có kẻ gian nhòm ngó.
Chia sẻ với chúng tôi, một Cán bộ địa chính phường Hàng Bài cho biết: Biệt thự số 46 Hàng Bài đang thuộc quản lý của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo thông tin tôi nắm được, sắp tới tại vị trí căn biệt thự này là ga ngầm C10 – thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị.
Ngôi biệt thự mang phong cách Pháp cổ nằm tại địa chỉ 78 Nguyễn Du cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài sau khi trụ sở của ngân hàng Vietcombank chuyển đi. |
Tương tự, căn biệt thự số 78 Nguyễn Du nằm tại ngã tư Nguyễn Du – Trần Bình cũng bị bỏ không nhiều năm nay. Căn biệt thự này được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ có 2 mặt tiền và từng là trụ sở của 1 chi nhánh ngân hàng lớn. Sau thời gian dài không được sử dụng nên ngày càng xuống cấp. Ban công, cửa sổ và nhiều phần của ngôi nhà đã ẩm mốc, mọc rêu xanh. Bên dưới, cổng ngôi nhà khóa cửa, không có bóng người.
Về ngôi biệt thự này, lãnh đạo phường Nguyễn Du cho biết: Ngôi nhà này là của ngân hàng Vietcombank, họ đã có dự án cải tạo sửa chữa nhưng hiện tại đang tranh chấp với các hộ liền kề (bên phía Trần Hưng Đạo) nên chưa làm được chứ không phải là không sử dụng.
Người dân sinh sống gần đây ví von đầy nuối tiếc: Biệt thự cổ cũng giống như một nàng tiên đang ngủ quên. Trải qua một thời gian dài đất nước khó khăn, chúng ta không giữ được nguyên trạng những ngôi biệt thự cổ dẫn đến hư hỏng và gần như đang bị lãng quên.
Số phận của ngôi biệt thự quý giá nhưng đang bị bỏ hoang hàng thập kỷ, khiến những người quan tâm phải tiếc nuối, đau lòng.
Theo thống kê Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay Thủ đô có 1.565 ngôi biệt thự cổ, trong đó có 225 biệt thự thuộc Nhóm 1 (đa phần là 1 hộ hoặc 1 cơ quan sở hữu); 382 biệt thự Nhóm 2; 646 biệt thự Nhóm 3; còn lại 312 biệt thự không có giá trị bảo tồn, đã xuống cấp hoặc đã được cải tạo, xây dựng thành nhà mới. Đối với biệt thự Nhóm 1 và 2, thành phố nghiêm cấm phá dỡ. Trường hợp xuống cấp, không còn nguyên vẹn, thì phục chế nguyên trạng, không làm thay đổi kiến trúc ban đầu của biệt thự. |
Kỳ 2: Lúc nào mới kết thúc được số phận của những ngôi “biệt thự ma”?
Khánh Hòa
Theo