Thứ bảy 20/04/2024 14:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kỳ 1: Chương trình 30a - Cú hích cho người nghèo hay “cơ hội” của nhóm tiêu cực?

15:17 | 25/05/2020

(Xây dựng) - LTS: Ngày 27/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a). Có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Nguồn vốn từ Chương trình 30a dành cho các huyện nghèo là rất lớn, là cơ hội để phát triển cở sở hạ tầng, là động lực phát triển kinh tế cho các huyện nghèo. Tuy nhiên trong những năm qua, việc sử dụng, quản lý nguồn vốn này đang tồn tại nhiều tiêu cực.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, tranh thủ được nguồn vốn, bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương không chỉ được hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước mà còn có sự tham gia, đồng hành, hỗ trợ các nguồn lực từ các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty, các doanh nghiệp.

Tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 – 2020 có 2 huyện thuộc diện được thụ hưởng vốn từ Chương trình 30a. Tuy nhiên, tại tỉnh này việc sử dụng nguồn vốn Chương trình 30a đang bộc lộ những bất cập, cần nhanh chóng được làm rõ.

ky 1 chuong trinh 30a cu hich cho nguoi ngheo hay co hoi cua nhom tieu cuc
Việc tổ chức nổ mìn của đơn vị thi công tuyến đường Ngạm Khét – Bản Cám đã kéo theo đất đá tràn xuống cánh đồng.

Từ lá đơn kêu cứu

Mở đầu loạt bài về việc triển khai thực hiện Chương trình 30a, chúng tôi bắt đầu từ lá đơn kêu cứu của người dân thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nội dung đơn thư phản ánh về việc, từ năm 2015 công trường thi công làm đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu) được khởi công xây dựng, trong khi thi công nhà thầu đã tổ chức đào đất, nổ mìn phá đá. Việc thi công “ẩu” này đã khiến đất, đá chảy, tràn xuống toàn bộ ruộng lúa của các hộ gia đình thôn Bản Cám. Khiến các thửa ruộng này không thể canh tác được nữa, bị ảnh hưởng người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không được đền bù, hỗ trợ.

Nội dung đơn nêu: “Sau nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền, ngày 21/12/2015 ông Nguyễn Văn Chấp – Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Vấn (nhà thầu thi công) mới đến hiện trường lập Biên bản thỏa thuận và cam kế sẽ dọn dẹp đất đá thừa, trả lại hiện trạng cũ để các hộ dân trồng lúa, nếu không dọn dẹp kịp đơn vị thi công sẽ có phương án đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, đến năm 2017 công trình thi công xong, đơn vị thi công rút đi nhưng không hề thực hiện nội dung đã cam kết tại biên bản thỏa thuận ngày 21/12/2015”.

Kể từ đó đến nay, cứ vào mùa mưa hàng năm, lượng đá thừa do đơn vị thi công đổ tràn ra ta luy âm vẫn tiếp tục xả xuống ruộng của một số hộ dân. Các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn lên xã, lên huyện và trực tiếp phản ánh với Bí thư, Chủ tịch huyện Ba Bể, nhưng đến nay qua hơn 5 năm và 11 vụ lúa, nhưng đơn vị thi công vẫn không có động thái khắc phục.

Tìm hiểu được biết, ngày 29/8/2018 UBND huyện Ba Bể đã có Văn bản số 1914/UBND-VP gửi Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng, Phòng Kinh tế và hạ tầng về việc giải quyết đơn thư của công dân. Nội dung văn bản nêu: Căn cứ đơn đề nghị của ông Hoàng Văn Hợi (trú tại thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể), ngày 14/8/2018 Chủ tịch UBND huyện đã tổ chức kiểm tra thực địa nội dung ông Hoàng Văn Hợi đề nghị giải quyết. Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, UBND huyện giao Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng huyện thực hiện các nội dung sau: Chỉ đạo đơn vị thi công công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu) hỗ trợ máy móc khắc phục phần đất vùi lấp xuống ruộng cho gia đình ông Hoàng Văn Hợi; Phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng triển khai thực hiện nguồn vốn duy tu bảo dưỡng 30a năm 2018 đã được phân bổ để tính toán khắc phục xây rãnh dọc thoát nước, bố trí cống thoát nước tuyến đường để tối ưu việc hạn chế nước chảy xuống phía ruộng của nhân dân. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện trước ngày 25/10/2018.

Cũng tại Biên bản kiểm tra ngày 6/11/2018, UBND xã Nam Mẫu đã kiểm tra ruộng nhà ông Hùng Văn Hợi, kết quả kiểm tra cho thấy: Ruộng nhà ông Hợi hiện tại do đất đá làm đường bị vùi lấp, không canh tác được khoảng 2.000m2. Trong đó, diện tích nằm trong bản đồ thuộc UBND xã Nam Mẫu quản lý là 562m2, số còn lại thuộc UBND xã Cao Thượng quản lý…Tại biên bản này, gia đình ông Hoàng Văn Hợi đề nghị Công ty TNHH Anh Vấn và UBND huyện Ba Bể khắc phục lại số diện tích ruộng bị vùi lấp, không canh tác được và đền bù sản lượng hoa màu (thóc) theo biên bản thỏa thuận giữa Công ty TNHH Anh Vấn và gia đình ông Hoàng Văn Hợi ngày 21/12/2015.

Dựa trên biên bản kiểm tra ngày 6/11/2018, UBND xã Nam Mẫu đã có Văn bản số 681/BC-UBND báo cáo giải quyết đơn thư của công dân. Theo đó, UBND xã Nam Mẫu đề nghị UBND huyện Ba Bể: Giúp gia đình can thiệp để Công ty TNHH Anh Vấn đền bù toàn bộ sản lượng thóc và khắc phục lại toàn bộ diện tích ruộng hiện tại không canh tác được. Nếu Công ty TNHH Anh Vấn không khắc phục lại toàn bộ diện tích ruộng hiện tại không canh tác đươc thì đề nghị huyện xem xét khắc phục.

ky 1 chuong trinh 30a cu hich cho nguoi ngheo hay co hoi cua nhom tieu cuc
Ông Lê Văn Điều, Cán bộ Nông lâm - UBND xã Cao Thượng (huyện Ba Bể) đưa phóng viên đi kiểm tra thực tế thiệt hại tại khu ruộng của gia đình ông Hoàng Văn Hợi.

Chỉ đạo chỉ “nằm trên giấy”?

Ghi nhận thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có chuyến thực tế ghi nhận tại khu ruộng của người dân bị ảnh hưởng tại thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Theo đó, một lượng đất, đá thừa được xả từ trên taluy âm chảy thành vệt xuống khu ruộng lúa của người dân. Phản ánh với chúng tôi, người dân cho biết: Do trước đó đơn vị thi công đã nổ mìn, phá đá nên hiện nay trong đất ruộng có lẫn rất nhiều đá văng và tràn xuống nên không thể làm đất để canh tác. Ảnh hưởng từ việc tổ chức thi công công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu) huyện Ba Bể đã rõ, thế nhưng đến nay đã nhiều năm trôi qua, người dân vẫn “vô vọng” chờ đợi để được khắc phục, được đền bù thỏa đáng.

Ông Hoàng Văn Hợi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) cho biết: Từ khi công trình được thi công, ruộng nhà tôi bị đất đá rơi xuống, trên ruộng chỉ toàn đá, không thể canh tác được. Từ vụ nổ mìn đầu tiên, dù có dọn nhưng không hết, họ nổ ở trên, toàn bộ vách đá nằm ở trên hết, cứ khi có mưa là đất, đá chảy trôi xuống ruộng, bởi nó dốc.

“Thời điểm làm đường là năm 2015, Công ty TNHH Anh Vấn làm nổ mìn trên núi đã chảy xuống một nửa xuống ruộng của tôi. Gia đình yêu cầu ngăn lại để đá đoạn này không cho xuống ruộng nữa, nhưng cuối cùng đá vẫn rơi xuống. Hiện đá vẫn nằm trên ruộng” – Ông Hợi thông tin thêm.

Ông Hợi chia sẻ: Gia đình đã nhiều lần vừa làm đơn, vừa gặp trực tiếp Chủ tịch huyện, Bí thư huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Gia đình chỉ mong muốn chính quyền dọn dẹp tất cả đất đá trên ruộng đi. Nếu chưa làm được, thì phải đặt cái cống để thoát nước. Từ năm 2015-2016 đến nay vẫn thế, chưa có gì thay đổi, hơn chục vụ mùa qua đi, mỗi lần mưa là đổ xuống, có vụ chuẩn bị gặt thì bùn đất cũng đổ xuống hết. Từ đó đến nay, gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng chưa được nhà nước đền bù gì cả. Dọc 3km đoạn đường đó có 6 hộ dân thì đều bị ảnh hưởng hết.

Ghi nhận công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu) huyện Ba Bể, chúng tôi không khỏi chua xót bởi sự “quan liêu” của chính quyền địa phương cùng với những việc làm tắc trách từ nhà thầu thi công công trình. Bởi lẽ, nếu không có thông tin thì không ai nghĩ đây là một tuyến đường vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhưng những gì hiện hữu là một đoạn đường vô cùng gập ghềnh, nhiều đá hộc, chỉ vừa một vệt bánh xe cho xe máy đi chuyển. Thậm chí có những đoạn xe máy cũng không thể đi qua được, phải dắt bộ. Mùa nắng còn có thể di chuyển một cách khó khăn, vào lúc trời mưa thì tuyến đường trở thành một vũng ao, hết sức nguy hiểm.

ky 1 chuong trinh 30a cu hich cho nguoi ngheo hay co hoi cua nhom tieu cuc
Dù đường đã xong, nhưng để di chuyển tại tuyến đường này thì có lẽ người dân chỉ có thể “cuốc bộ”.

Để khách quan sự việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với UBND huyện Ba Bể. Trước khi làm việc với UBND huyện Ba Bể, phóng viên đã gửi nội dung làm việc trước hàng tuần cho đại diện UBND huyện Ba Bể, nhưng trong buổi làm việc, phóng viên hầu như không nhận được thông tin hay tài liệu nào từ ông Lưu Quốc Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể và ông Hoàng Quang Phú - Phó Phụ trách Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Ba Bể với lý do “không nắm được” hoặc “phải xin ý kiến cấp trên”. Điều kỳ lạ là, hiện nay ông Lưu Quốc Trung là người phụ trách mảng quản lý dự án, còn ông Hoàng Quang Phú đang là Phó ban (Chưa có Trưởng ban) và đang quản lý hồ sơ liên quan đến dự án.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Quốc Trung và Hoàng Quang Phú đều thừa nhận, có việc đất đá thải của dự án rơi xuống ruộng làm ảnh hưởng đến một số hộ dân ở xã Cao Thượng, xã Nam Mẫu, nhất là khi trời mưa. Nhưng con số cụ thể là bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng thì các ông lại không biết, do “chưa thống kê”. Chính vì vậy, việc các hộ dân đã được đền bù hay chưa các ông cũng không nắm rõ, mà chỉ nghe nói rằng, đã được “hỗ trợ nạo vét” và “hỗ trợ thiên tai”?.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Ông đánh giá như thế nào về năng lực của Công ty TNHH Anh Vấn, nhà thầu thi công tuyến đường?”, ông Lưu Quốc Trung cũng phải ngập ngừng lúc lâu mới nói rằng: “Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, Công ty TNHH Anh Vấn đảm bảo về năng lực…”.

Tiếp lời ông Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Hoàng Quang Phú cho rằng: Là do thời tiết. Khi thi công con đường, vô tình con đường trở thành điểm cắt nước mưa, nước mưa không thoát nước kịp đã chảy tràn, kéo theo đất đá xuống dưới ảnh hưởng tiêu cực đến các ruộng dưới chân núi. Ông Hoàng Quang Phú cũng thừa nhận: “Những vấn đề mà dự án gây ra muốn khắc phục triệt để là rất khó, vì tuyến đường dài đến vài km. Để lâu dài, huyện đã phê duyệt dự án mới để làm đồng bộ con đường, kỳ vọng là khi dự án mới làm xong sẽ giảm thiểu hoàn toàn sự bất lợi đến sự phát triển của người dân…”.

Làm việc với UBND xã Cao Thượng, ông Nguyễn Văn Nhiếp – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công là Công ty TNHH Anh Vấn làm đất đá rơi xuống ruộng của dân bản là có thật. Sau đó, cứ mỗi trận mưa là đất đá từ trên núi, trên đường lại trôi xuống, thống kê, có khoảng 7 đến 8 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tuyến đường này rất gập ghềnh, lầy lội, khó đi.

Ông Nhiếp cũng cho biết: Gần 5 năm qua, ruộng nương của gần chục hộ dân bị đất đá vùi lấp, những hộ gia đình này thỉnh thoảng được hỗ trợ tiền từ quỹ thiên tai ngân sách Trung ương, chứ chưa lần nào được đền bù thiệt hại do dự án gây ra.

ky 1 chuong trinh 30a cu hich cho nguoi ngheo hay co hoi cua nhom tieu cuc
Khó có thể hình dung ra tuyến đường với chiều dài 3010m, với số tiền đầu tư lên đến hơn 8,9 tỷ đồng lại có thể “nát bét” như thế này.

Tìm hiểu được biết, công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu) huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được UBND huyện Ba Bể phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật ngày 25/10/2013. Chủ đầu là UBND huyện Ba Bể; địa điểm xây dựng thuộc xã Cao Thượng và xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; mục tiêu đầu tư: Đầu tư xây dựng mới; nguồn vốn đầu tư: Chương trình 30a; tổng mức đầu tư: 8.944.729.819 đồng.

Ngày 25/11/2014, UBND huyện Ba Bể có Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu công trình: Đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Tổng mức đầu tư dự án là 8.944.729.819 đồng, thời gian thực hiện: Năm 2014-2015.

Ngày 22/1/2015, UBND huyện Ba Bể có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp công trình: Đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, Công ty TNHH Anh Vấn (địa chỉ: Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là đơn vị trúng thầu với giá trúng thầu là 6.211.413.327 đồng. Ngày 29/8/2016, UBND huyện Ba Bể có Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Đường Ngạm Khét (Cao Thượng) – Bản Cám (Nam Mẫu), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn với lý do thay đổi, bổ sung thiết kế kỹ thuật – dự toán xây dựng công trình.

Liên quan đến những sai phạm trong quá trình thi công của Công ty TNHH Anh Vấn và những “tồn tại” trong quản lý dự án trên. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục trở lại tại kỳ sau.

Kỳ 2: Dấu hỏi về năng lực nhà thầu và những dấu hiệu “lợi ích nhóm”

Vũ Chiến – Thiên Trường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load