(Xây dựng) – Theo Cục Kinh tế Xây dựng, Thông tư số 11/2021/BXD-TT ngày 31/08/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 (Luật số 62/2020/QH14) và Nghị định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thông tư số 11/2021/BXD-TT đã phân định rõ dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu; quy định cụ thể các thành phần chi phí trong dự toán gói thầu… |
Đồng bộ với quy định của Luật
Việc xây dựng Thông tư số 11/2021/BXD-TT được Cục Kinh tế xây dựng thực hiện cùng với việc xây dựng Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Dự thảo Thông tư đã được đăng tải, xin ý kiến rộng rãi trên Website của Bộ, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Đã có khoảng 90 văn bản của các tổ chức, cá nhân có liên quan gửi về với khoảng 200 ý kiến góp ý.
Cục Kinh tế Xây dựng cho biết, Thông tư số 11/2021/BXD-TT hướng dẫn phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và Nghị định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, Thông tư số 11/2021/BXD-TT không quy định lại những nội dung đã quy định trong Nghị định, như: Các nội dung quy định về thẩm quyền (thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu); một số nội dung về công bố giá các yếu tố chi phí, quản lý giá xây dựng công trình, trách nhiệm cung cấp dữ liệu cho hệ thống cơ sở dữ liệu; chỉ số giá; Các quy định chi tiết về các thành phần chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình; Các phương pháp xác định chi phí, nguyên tắc xác định chi phí đã được quy định trong Nghị định.
Hoàn chỉnh các quy định
Thông tư số 11/2021/BXD-TT đã phân định rõ dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu, đồng thời quy định cụ thể về các thành phần chi phí trong dự toán gói thầu, xác định dự toán gói thầu cho trường hợp đã có dự toán xây dựng công trình được phê duyệt và khi chưa có dự toán xây dựng công trình (tại Điều 5, 6, 7) (hướng dẫn chi tiết Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP);
Quy định về quản lý, công bố giá xây dựng (giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương tại Điều 8 kèm mẫu công bố (giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công) của địa phương (tại Phụ lục số 8) để hướng dẫn chi tiết Điểm a, b khoản 2 Điều 26 Nghị định 10/2021/NĐ-CP;
Quy định về xác định giá xây dựng cho công trình (giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công) của chủ đầu tư theo yếu tố đặc thù của công trình (tại Điều 9) để hướng dẫn chi tiết khoản 3 Điều 26 Nghị định 10/2021/NĐ-CP;
Quy định về chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (bao gồm cả chi phí thuê tư vấn nước ngoài) tại Điều 13 và Phụ lục số 6 để hướng dẫn chi tiết khoản 5 Điều 32 Nghị định 10/2021/NĐ-CP. Cụ thể, trong Phụ lục số 6, Bộ Xây dựng công bố đơn giá ngày công chuyên gia tư vấn (tại bảng 6.3) để các tổ chức, cá nhân tham khảo, vận dụng trong quá trình thực hiện và không quy định các địa phương phải công bố đơn giá ngày công chuyên gia tư vấn trên địa bàn để khắc phục các bất cập trong quá trình khảo sát, công bố đơn giá nhân công tư vấn theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Phụ lục số 6 cũng bổ sung hướng dẫn xác định chi phí thuê tư vấn nước ngoài bao gồm cả trường hợp thuê tổ chức, chuyên gia nước ngoài, cả trường hợp liên danh, thầu phụ…); nhưng bỏ quy định về “mức trần” chi phí như đã quy định trước đây (từ 1,5-3,5 lần mức chi phí do tư vấn trong nước thực hiện công việc đó) để tránh phân biệt sản phẩm tư vấn trong nước với sản phẩm tư vấn nước ngoài, tạo quyền chủ động cho Người quyết định đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Hướng dẫn nội dung dự toán xây dựng công trình của dự án có một công trình và dự án có nhiều công trình, đảm bảo tính thống nhất trong cách xác định và quản lý chi phí; Hướng dẫn cụ thể hơn cơ sở xác định giá xây dựng tổng hợp (bổ sung quy định được xác định từ giá thị trường).
Điều chỉnh cách xác định chi phí chung, chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công để thuận lợi cho quá trình tính toán, xác định chi phí; Chỉnh sửa, thống nhất lại các công thức, ký hiệu trong Phụ lục để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của Thông tư;
Bổ sung thêm các biểu mẫu báo cáo, quy định rõ danh mục hồ sơ của một số thủ tục để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, phù hợp với các quy định mới của Luật số 62/2020/QH14, các quy định về quản lý dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo Cục Kinh tế xây dựng, nội dung của Thông tư số 11/2021/BXD-TT về cơ bản được giữ ổn định, không có xáo trộn lớn, có sửa đổi, hoàn chỉnh những bất cập, vướng mắc ở các quy định trước đây, đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu thực tế đặt ra hiện nay và nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Thanh Nga
Theo