(Xây dựng) – Ngày 11/3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã tập trung vào bàn thảo về sự cần thiết, mục tiêu thực hiện, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án mang lại, hình thức tổ chức thực hiện và đặc biệt là một số cơ chế đặc biệt để dự án được thuận lợi trong quá trình triển khai.
Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. |
Tham dự Hội thảo, có đại diện Bộ Xây dựng cùng các Bộ ngành, địa phương có Dự án đi qua là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi Chính phủ xem xét trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, đường Vành đai 3 được xác định là tuyến vành đai đô thị liên vùng, theo quy hoạch và định hướng phát triển thì hai bên dự án kết hợp với phát triển đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đã được xem xét, đánh giá các phương án trắc dọc đi thấp toàn bộ, trắc dọc phối hợp đi cao và đi thấp, trắc dọc đi cao toàn bộ. Sau đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất lựa chọn phương án cơ bản đi thấp đối với các đoạn tuyến qua khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tuyến đi cao.
Để đảm bảo tiến độ triển khai, hoàn thành dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, dự kiến các mốc thời gian triển khai như sau: Chuẩn bị dự án: Năm 2022-2023; thực hiện dự án: Năm 2023-2025; hoàn thành Dự án: Năm 2026-2027. Bên cạnh đó, đặc thù của dự án với tổng mức đầu tư lớn với các dự án thành phần đầu tư và mục tiêu đầu tư khác nhau như giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; đi qua địa phận 03 tỉnh, thành phố; nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương là khác nhau trong mỗi giai đoạn. Để đảm bảo tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời thông xe cuối năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất đề xuất một số cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án như vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho dự án.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án và vì nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị đầu tư phân kỳ (giai đoạn 1): mặt cắt ngang tuyến chính cao tốc quy mô 04 làn xe (bề rộng mặt đường 19,75m, bề rộng mặt cầu 19,75m), toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật khác của phần đường cao tốc tuyến chính đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc với tốc độ thiết kế 100 km/h; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh để làm cơ sở quản lý quỹ đất, giảm thiểu kinh phí đầu tư trong giai đoạn mở rộng theo quy hoạch; đường song hành có quy mô từ 02 đến 03 làn xe (không liên tục) tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển đô thị hai bên.
Hướng tuyến của đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn đem lại lợi ích cho hàng loạt các hoạt động kinh tế - xã hội ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án.
Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của thành phố, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh). Từ đó, rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Mai Thanh
Theo