(Xây dựng) – Dự án Xây dựng trung tâm thương mại – chợ Trương Định do Cty TNHH Trung tâm thương mại (TTTM) Trương Định làm Chủ đầu tư với quy mô xây dựng 02 tầng hầm; 05 tầng nổi với tổng diện tích khu đất dự án là 4.973m². Dù chợ chưa đưa vào hoạt động, nhưng đồng loạt các tiểu thương kêu cứu các cơ quan chức năng, bởi phía Cty TNHH TTTM Trương Định đang đưa ra nhiều loại phí cao.
Trung tâm thương mại Trương Định.
Được biết, theo kế hoạch từ ngày 13-16/9/2018, Cty TNHH TTTM Trương Định tổ chức ký hợp đồng thuê vị trí kinh doanh với tiểu thương kinh doanh chợ truyền thống. Tuy nhiên, đến nay nhiều tiểu thương chưa thể thống nhất ý kiến với Chủ đầu tư. Các tiểu thương được tái bố trí về chợ cho rằng, phía TTTM Trương Định áp đặt mức phí cao với nhiều khoản thu bất hợp lý, kèm theo các điều khoản trong hợp đồng bất lợi, chưa kể quyền lợi theo cam kết trước đó của chủ đầu tư và chính quyền không được thực hiện.
Bà Hoàng Thị Nga - tiểu thương kinh doanh tại chợ Trương Định bức xúc cho biết: Trước đây có cái cổng đi thẳng vào, bây giờ lại chuyển cổng ra đằng sau thì ai người ta biết đi đường nào để vào chợ buôn bán. Tiếp theo nữa là bên Chủ đầu tư không có sự thống nhất, bắt ép chúng tôi như thế nào thì tiểu thương chúng tôi phải theo như thế. Bên cạnh đó, phía Cty TNHH TTTM Trương Định đã đưa ra những điều khoản hết sức khắt khe như: Thời hạn tạm nghỉ kinh doanh không vượt quá 45 ngày trong một quý. Nếu nghỉ quá thời gian trên sẽ bị thu hồi quầy kinh doanh; 30 ngày chưa đóng tiền phí cũng bị tịch thu quầy”.
Được biết, theo phương án quy hoạch ngành hàng, tái bố trí sắp xếp kinh doanh, khu vực tầng hầm các cửa hàng ăn, thực phẩm sống, hàng khô, hàng sắt, hoa quả, đồ tạp phẩm tạp hóa; thủy sản, ngành hàng ướt được bố trí tại tầng hầm thứ nhất với 375 quầy hàng, phần còn lại bố trí làm văn phòng quản lý chợ. Việc bố trí này gây bất lợi cho những người buôn bán hàng truyền thống.
Theo các tiểu thương cho biết: Chủ đầu tư áp mức giá kịch trần theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP Hà Nội về ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn Hà Nội. Theo quy định tại Quyết định này, đối với chợ hạng 2, giá dịch vụ sử dụng đối với chợ sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách: Tối đa không quá hai lần mức giá đối với chợ đầu tư nguồn vốn ngân sách. Theo đó, chợ hạng 2 sử dụng vốn ngân sách có mức giá tối đa là 225 nghìn đồng, chủ đầu tư vận dụng áp tối đa là 440 nghìn/đồng/ m²/tháng.
Bên cạnh mức giá cơ sở nêu trên, còn có nhiều khoản thu “khó hiểu” như áp phí trông quầy đêm từ 100 - 200 nghìn đồng. Tính sơ một tháng khoản phí này thu của các tiểu thương 140 -170 triệu đồng.
Cùng chung bức xúc với bà Nga, chị Kiều Thị Thu - một tiểu thương cho hay: “Khi được chủ đầu tư thông báo ký hợp đồng ai nấy cũng đều phấn khởi, tuy nhiên chủ đầu tư lại không cho tiểu thương chúng tôi xuống quầy cũng như xem mặt bằng. Tiếp đó là diện tích mặt bằng trước kia ký với bà con bao nhiêu mét thì trả lại cho bà con bấy nhiêu, nhưng hiện nay có ô chỉ được 2,8m; ô 2,7m có ô thì được 3m và không có ô nào trên 3m”.
Nhiều tiểu thương cho rằng, các ki-ốt rất bé, khu vực đường đi lại cũng rất hẹp gây khó khăn cho cả người bán và người mua.
Điều đáng nói, trong bản báo cáo của Chủ đầu tư lên UBND, trong đó bà con tiểu thương có tiêu chuẩn tầng 1, tầng 2 và tầng hầm nhưng đến bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, mặc dù được thuê mặt bằng tầng hầm nhưng giá cho thuê lại đắt hơn cả so với tầng 1 và tầng 2. “Hơn thế, trong thiết kế đưa cho tiểu thương vẽ một đằng nhưng khi đi thực tế lại là một kiểu khác, ví dụ như dãy quầy của tôi trong thiết kế có 3 ki-ốt nhưng khi đi thực tế thì lại thấy có thêm 1 ki-ốt nữa là thành 4 ki-ốt, sai hoàn toàn với thiết kế ban đầu”, chị Thu cho biết thêm.
Mặc dù, chủ đầu tư đã mở một cuộc họp vào ngày 5/9/2018, tuy nhiên 2 bên vẫn chưa có tiếng nói chúng, phía Chủ đầu tư vẫn khăng khăng, với giá cho thuê cao ngất ngưỡng như vậy – chị Thu chia sẻ.
Các tiểu thương cũng cho biết, tại phụ lục hợp đồng về việc làm rõ đơn giá cho thuê và hỗ trợ tiền thuê theo kiến nghị của bà con tiểu thương, phía Cty TNHH TTTM Trương Định ghi: “Hỗ trợ tiền thuê sẽ được áp dụng xuyên suốt thời gian kinh doanh tại chợ và sau 3 năm cũng được điều chỉnh thay đổi tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế kinh doanh tại chợ nhưng không quá 15% so với mức hỗ trợ tiền thuê tại thời điểm ký hợp đồng”. Có thể thấy cách ghi này khá mập mờ khó hiểu.
Hiện tầng 1 và tầng 2 đang cho thuê kinh doanh thời trang, đồ uống.
Các tiểu thương cho rằng, các khoản thu của Chủ đầu tư mang nặng tính lợi nhuận cho doanh nghiệp chẳng khác nào “bức tử” các hộ kinh doanh truyền thống, bởi lợi nhuận trông giữ xe ô tô từ diện tích hầm này đem lại hiệu quả cao hơn cho tiểu thương thuê kinh doanh chợ truyền thống thì việc các tiểu thương bỏ không ký hợp đồng càng có lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành việc công bố phương án về giá dịch vụ diện tích bán hàng của Cty TNHH TTTM Trương Định phải được cơ quan thầm quyền là UBND quận Hoàng Mai phê duyệt. Tuy nhiên, văn bản này nhiều lần các tiểu thương tại đây đòi Cty cung cấp nhưng đều không được đáp ứng.
Chưa đi vào hoạt động, nhưng hàng rong đã “bủa vây” cửa TTTM.
Chính vì những lý do trên, ngày 11/9 vừa qua, bà con tiểu thương đã có kiến nghị tập thể và cá nhân gửi đến TTTM Trương Định và UBND quận Hoàng Mai yêu cầu tạm dừng đợt ký kết hợp đồng từ 13-16/9, nhưng phía TTTM vẫn tiến hành ký kết hợp đồng bất chấp việc không đồng thuận của các tiểu thương kinh doanh tại đây.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đặng Ngọc Thắng – Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết: “Đã nắm bắt được thông tin sự việc, có khoảng tầm 40 – 60 hộ là không đồng tình, bức xúc và UBND quận đã có cuộc họp vào ngày 21/9 với Ban Quản lý TTTM chợ Trương Định dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, UBND quận cũng đã chỉ đạo Chủ đầu tư vào cuộc xử lý ngay và người ta cũng đã có điều chỉnh rồi”.
Ông Thắng cũng cho biết: “Dự kiến sang tháng 10 sẽ khai trương khu chợ mới Trương Định, UBND quận cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để đưa chợ vào hoạt động phục vụ lợi ích cho bà con, tiểu thương trên tinh thần quận và phường chỉ đạo phải bảo vệ các tiểu thương, đồng thời xem xét ý kiến của các hộ dân, tiểu thương ở đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tiểu thương vào hoạt động”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Văn Thế
Theo