(Xây dựng) – Dự án Nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng. Thế nhưng, nhiều ngày qua chủ đầu tư dự án đã cho tổ chức san gạt rầm rộ, hàng ngày hàng trăm m3 đất, đá được đơn vị thi công chuyên chở đi đâu, chưa ai rõ?
Một khối lượng rất lớn đất, đá đồi được hạ cốt để thực hiện dự án |
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin ở bài viết trước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One. Tuy nhiên, ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án điều chỉnh tên thành: Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.
Quy mô đầu tư cũng được điều chỉnh với công suất thiết kế: 600.000m3 nước sạch/ngày/đêm (trong đó giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày/đêm, giai đoạn 2 là 300.000m3/ngày/đêm. Các hạng mục xây dựng gồm: Công trình thu và trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa trung gian, tuyến đường ống dẫn nước.
Diện tích đất sử dụng khoảng 52,4ha, cụ thể: Công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha (xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha (xóm Dụ 5, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình); bể chứa nước trung gian khoảng 3,5ha (xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch dài 58km chạy dọc theo Quốc lộ 16 thuộc địa phận Hòa Bình và Hà Nội, cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo Quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: Bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.
Xung quanh việc, dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng đã khởi công xây dựng dự án, ngày 29/11/2019, UBND huyện Kỳ Sơn đã có Văn bản số 1370/UBND-TNMT gửi phóng viên Báo điện tử Xây dựng về việc cung cấp thông tin đối với báo chí liên quan đến Dự án Nhà máy xử lý nước (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Văn bản nêu: Dự án được triển khai tại xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình và xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hà Bình, có quy mô về diện tích khoảng 52,4ha, trong đó triển khai hạng mục Nhà máy xử lý nước tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn có diện tích khoảng 45,5ha.
Hiện dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (đã giải phóng mặt bằng được khoảng 13,4ha của giai đoạn 1), dự án chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng. Hiện chủ dự án đang tập trung cho công tác GPMB và dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 6 năm 2020.
Cũng theo Văn bản của UBND huyện Kỳ Sơn cho thấy: Theo báo cáo của chủ dự án (Công ty Cổ phần Aqua One), Công ty ký kết hợp đồng với Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư xây dựng LD Hòa Bình và Công ty cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông.
Được biết, ngày 16/9/2019 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có Quyết định số 2385/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – Hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1:công suất 300000 m3/ngày đêm)” tại tỉnh Hòa Bình. Quyết định nêu: Xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Xuân Mai trên diện tích 45,5 ha gồm dây truyền công nghệ xử lý và các công trình phụ trợ công suất 300.000 m3/ngày đêm tại Km 58+000 quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà để xử lý, cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hà Nội.
Người dân cho biết, một lượng lớn đất, đá sau khi hạ cốt đồi được san lấp tại nhiều khu vực khác trong địa bàn. |
Mặc dù, ngày 16/9/2019 Bộ Tài nguyên và môi trường mới có Quyết định số 2385/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tuy nhiên từ trước đó mấy tháng, dự án đã được tổ chức san gạt, vận chuyển đất đá rầm rộ với hàng chục chuyến xe chuyên chở ra vào mỗi ngày.
Tìm hiểu được biết, hiện việc tổ chức san gạt và chuyên chở hàng trăm m3 đất đá tại khu vực dự án này chưa hề được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chỉ vẻn vẹn có Văn bản số 2737/SXD-QLN&TTBĐS ngày 19/9/2019 của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cấp với nội dung: Chấp thuận cho Công ty cổ phần nước Aqua One được thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng, lắp dựng hàng rào tạm chống tái chiếm đối với các phần diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng tại 3 công trình đầu mối: công trình thu, trạm bơm nước thô, nhà nước, bể chứa trung gian.
Trao đổi với phóng viên, một người dân cho biết: Dự án đã triển khai hạ cốt đồi từ nhiều tháng nay, đơn vị thi công hoạt động mạnh nhất vào ban đêm đến sáng. Ban ngày họ hoạt động thi công vận chuyển đất đá trên đồi xuống ít hơn ban đêm. Đất đá trên đồi họ vận chuyển xuống được san lấp tại nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là vị trí bên khu công nghiệp Mông hóa ở vị trí đối diện dự án.
Cũng theo người dân sinh sống tại xóm Dụ 5 (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, Công ty Huy Trang tại địa phương là đơn vị thi công san lấp của dự án tại thời điểm này. Còn theo báo cáo của chủ dự án (Công ty cổ phần Aqua One), công ty ký kết với Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư xây dựng LD Hòa Bình và Công ty cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông. Vậy Công ty Huy Trang và hai công ty trên và dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai được hợp tác với nhau như thế nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng một người tự xưng tên Huy thuộc Công ty Huy Trang cho biết” “Công ty bọn em là đơn vị xúc đất san nền luôn. Bây giờ bọn em chưa ký hợp đồng đâu. Chỉ là cá nhân của bên chủ đầu tư là Cty nước mặt Xuân Mai thuê bằng miệng với bên em”.
Làm việc với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, ông Đinh Vĩnh Ngọc – Chánh Văn phòng huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đơn vị họ có văn bản xin Sở tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng để tổ chức san một ít mặt bằng gồ ghề, để chuẩn bị khởi công. Đơn vị họ khẳng định, chưa khởi công vì tháng 6 sang năm họ mới khởi công. Bây giờ họ chỉ san ít mặt bằng để tập kết xe về đấy”.
Như vậy đã rõ, dự án dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng vẫn được “tạo điều kiện” để tổ chức triển khai thi công. Bên cạnh đó là việc, hàng ngày có hàng trăm m3 đất đá đang được chuyên chở đi đâu thì cần phải làm rõ?
Việc xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống đang được dư luận quan tâm và chưa biết đã có cơ quan chức năng nào vào cuộc làm rõ? Việc Công ty Cổ phần nước Aqua One chính là Công ty xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống đang tiếp tục thi công xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai khi chưa có thủ tục pháp lý. Việc trước tiên, UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Xây dựng và các ngành liên quan phải chịu trách nhiệm pháp luật về việc này, đồng thời cần sớm ra quyết định đình chỉ việc san ủi trách phép do Công ty này đang thực hiện; hoàn trả mặt bằng như ban đầu, trồng cây để tránh sụp đổ đất vào mùa mưa.
UBND tỉnh Hòa Bình tại sao lại ký Quyết định đầu tư cho dự án này để cấp nước sạch cho Hà Nội mà người dân Hòa Bình không được hưởng một giọt nước nào từ dự án này, trong khi đó quy hoạch điều chỉnh cấp nước cho thành phố Hà Nội chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với nhà máy nước này có thể tạo ra nguy cơ “thừa nước sạch” đối với thành phố giai đoạn đầu. Theo chúng tôi, quyết định đầu tư xây dựng nhà máy này cần phải được thu hồi và chỉ được xây dựng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trong việc phê duyệt này.
Xin nói thêm, nguồn nước sông Đà không phải là nguồn nước vô tận để sử dụng một cách lãng phí, trong khi về mùa khô, nước sản xuất cho nông nghiệp ở hạ du là rất thiếu, thủy điện Sông Đà phải “ăn đong” phải mở theo từng đợt để lấy nước cấp cho sản xuất nông nghiệp. Vậy cơ quan quản lý nguồn nước này đã có ý kiến chưa? Và nếu đã có ý kiến thì cần phải giải thích rõ vấn đề này trước nhân dân.
Một dự án nhưng xuất hiện các mối quan hệ “mập mờ” của một số cơ quan nhà nước, vấn đề ở đây là gì? Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ.
Ngọc Hân – Thành Luân
Theo