Thứ tư 15/01/2025 13:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hệ lụy phát triển ồ ạt thủy điện ở miền Trung

10:09 | 30/10/2014

(Xây dựng) - Những năm qua, các dự án thủy điện ồ ạt phát triển đã để lại rất nhiều hệ lụy về môi trường tự nhiên, cuộc sống người dân ở vùng hạ du, tái định cư… gặp khó khăn. Diễn đàn nhân dân “Thủy điện miền Trung - Tây Nguyên, quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” được Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh TT-Huế tổ chức ngày 28/10 tại TP Huế.


Nhà máy thủy điện Bình Điền xả lũ về hạ du.

Nhiều hiểm họa

Diễn đàn đã mổ xẻ, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội ở vùng hạ du đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại đối với việc triển khai xây dựng công trình thủy điện. Qua đó, thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở bờ sông, gây tình trạng khô hạn và ngập lũ ở hạ du, ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại, vận chuyển của người dân. Các hộ dân bị di dời, tái định cư (TĐC) thiếu đất sản xuất, không có việc làm…

Nghiên cứu của ông  Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hơn 150 thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai xây dựng. Khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và phê duyệt chưa chặt chẽ, đôi khi còn hình thức. Cam kết đánh giá tác động môi trường không được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Phát triển thủy điện ngoài những tác động tích cực, trong đó làm mất rất nhiều diện tích rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, giảm phù sa, tăng xói lở ở vùng hạ du, nguy cơ vỡ đập…

Nhóm nghiên cứu về thủy điện A Lưới cho rằng, thủy điện A Lưới triển khai đã thu hồi 1.890ha đất trên địa bàn 7 xã của huyện A Lưới, trong đó có 205ha đất bị thu hồi hoàn toàn, đã có 106 hộ dân được TĐC ở thôn Cần Tôm, còn 99 hộ dân tự tìm nơi ở mới. Nhóm cũng dẫn ra lên tới 22 tác động, trong đó người dân mất đất, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất không có, nhà ở xuống cấp, bất an khi có mưa lũ…

Dự án hồ Tả Trạch triển khai di dời hơn 4.000 người, bồi thường không đủ, sinh kế nơi TĐC đi xuống… Đất không có, nếu có thì quá xấu trồng cây không lên, đi làm thuê, nhưng cũng không có nhiều tiền như trước, cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn. Ở dự án Thủy điện Bình Điền người dân được di dời đến nơi ở mới nhưng thiếu đất sản xuất, việc làm, thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Thực hiện vệ sinh lòng hồ, xử lý chất thải chưa tốt, chưa quan trắc đầy đủ các yếu tố khí tượng, thông số quan trắc ít hơn so với cam kết và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Nguồn vật liệu xây dựng giảm

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra mặt hạn chế của bản đánh giá tác động môi trường do Trung tâm kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp (nay là Viện Khoa học & Công nghệ môi trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) thực hiện. Theo tính toán thủy văn của Cty TVXD Sông Đà, tổng dung tích bùn cát qua Thủy điện Bình Điền dự tính 204.600m3/năm, tồn tại 95% tổng lượng, hay 194.370m3/năm. Ước tính thời gian hoạt động thủy điện Bình Điền 50 năm. Trong thời gian này, với tổng lượng phù sa và bùn cát bị giữ lại trên lòng hồ làm ảnh hưởng rất lớn đến cung cấp cát sạn cho hạ lưu đập.

Qua khảo sát, tìm hiểu của nhóm tư vấn với 30 hộ chuyên làm nghề khai thác cát sạn trên sông Hương ở xã Hương Thọ, Hương Hồ (TX Hương Trà) từ khi thượng nguồn Hữu Trạch bị chặn để xây đập thủy điện Bình Điền lượng cát sạn từ thủy điện về đến chùa Thiên Mụ đã giảm bớt 50%. Một số hộ dân cho biết, trước đây khai thác cát sạn trên sông Hương có thể thực hiện bất cứ đâu cũng có, khi đập thủy điện Bình Điền chặn dòng lượng cát giảm hẳn. Người dân muốn có cát phải di chuyển dần lên phía thượng nguồn.

Nhận định của ông Trần Bá Quốc - trưởng nhóm nghiên cứu của SEIA, ước tính thời gian hoạt động của thủy điện Bình Điền là 50 năm. Lúc này, sẽ có tổng lượng phù sa 11,36 triệu tấn và dung tích bùn cát là 8,74 triệu tấn. Theo đó, khi đập kết thúc hoạt động cũng chính là lúc nhánh sông Hữu Trạch có thể bị cắt đứt bởi một khối đất đá lỏng treo trên đầu thành phố. Trong khi hồ thủy điện Bình Điền chỉ cách Huế hơn 20km về phía tây. Ngoài ra, ở công trình hồ chứa nước Tả Trạch sau khi chặn dòng sẽ có dung tích chứa lên tới 650 triệu m3 nước, hồ có xả đáy nhằm khắc phục hệ lụy mà hồ chứa nước Bình Điền đang phải đối mặt.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load