(Xây dựng) - Sáng 4/8, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Hải Dương đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, tạo động lực và sức cạnh tranh mới trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng biểu dương, ghi nhận các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 13, góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.
Với quyết tâm phấn đấu và khát vọng phát triển để tỉnh Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện tốt 4 từ khóa là "kết nối", "đầu tư", "nhân lực", "tốc độ". Cần phát huy vị trí địa chính trị, lợi thế cạnh tranh của tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và động lực tăng trưởng của vùng Thủ đô.
Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, tạo động lực và sức cạnh tranh mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hợp tác, liên kết các tỉnh trong vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng. Trước mắt, thúc đẩy liên kết kinh tế 4 địa phương Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương - Hưng Yên để hình thành vành đai kinh tế phía đông, trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, du lịch và là động lực, cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị Hải Dương theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035; tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, lề lối công tác, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức phục vụ nhân dân và tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực quản lý Nhà nước; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư, các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định cần cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai gắn với nâng cao chất lượng các dự án đầu tư công, các dự án giao thông trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị mới.
Triển khai đồng bộ các biện pháp để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các chuỗi liên kết giá trị; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thời gian thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị quy mô kinh tế của Hải Dương tăng 11,2 lần, đứng thứ 11 trong cả nước và thứ 5 trong vùng. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 149.090 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, tỷ trọng ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ lần lượt là 9,4%-56,2%-34,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,2 triệu đồng/năm; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 15,7%/năm; tổng thu cân đối ngân sách đạt 24.486 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 18.774 tỷ đồng.
Hiện nay, Hải Dương có 490 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, với số vốn đăng ký hơn 9,1 tỷ USD. Hải Dương cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 21 khu công nghiệp, 3 khu công nghiệp mở rộng, với diện tích 4.508ha; 58 cụm công nghiệp với diện tích 2.942,6ha. Đã có 10 khu công nghiệp, 1 khu công nghiệp mở rộng, 32 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Công tác an ninh, quốc phòng được củng cố, giữ vững tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...
Vị Thủy
Theo