(Xây dựng) - Cho rằng những hộ dân sống tại xóm Tuần Cầu và ven bờ sông Minh thuộc phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh thuộc vùng có nguy cơ thiên tai, lũ lụt, phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lập tờ trình xin kinh phí từ Trung ương để xây dựng tái định cư (TĐC) cho họ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều hộ dân vẫn bị mắc kẹt và đang ngày đêm kêu cứu.
Khu TĐC tại tổ dân phố Tiên Sơn, phường Trung Lương được quy hoạch 106 lô đất. Hiện tại đã cấp cho 14 hộ dân thôn Tuần Cầu đến ở, còn lại đang để trống.
Cuộc sống “ăn nhờ ở đậu”
Ngày 18/7/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Nhật ký Quyết định số 2359/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu TĐC ở phường Trung Lương theo Tờ trình số 85 ngày 07/7/2011 của UBND thị xã Hồng Lĩnh. Cũng ngay trong ngày 18/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký Tờ trình số 2371/UBND-GT gửi Thủ tướng Chính phủ để xin kinh phí.
Dự án được khởi công vào đầu năm 2012, hoàn thành giữa năm 2013 trên diện tích 2ha (trong số 10,5ha đất bị thu hồi) và được đầu tư 30 tỉ đồng (trong số 89,4 tỉ đồng mà Chính phủ cấp cho phường Trung Lương bằng nguồn vốn ODA).
Khi dự án hoàn thành, 66 hộ dân ngoài đê và ven bờ sông Minh (theo danh sách của UBND phường Trung Lương - PV) sẽ được chuyển vào khu vực an toàn để sinh sống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới di dời được 14 hộ dân, số còn lại vẫn còn “lang thang cơ nhỡ”.
Có mặt tại xóm Tuần Cầu, phường Trung Lương, trước mắt chúng tôi là một khung cảnh vắng vẻ, hoang tàn, đổ nát, bởi hầu hết người dân đã chuyển vào vùng TĐC sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân “kém may mắn”, không được vào TĐC, phải bám trụ lại đây để bươn chải mưu sinh, sống chung với lũ.
Mặc dù đã được chính quyền địa phương lập danh sách trình Chính phủ phê duyệt dự án TĐC nhưng nhiều hộ dân vẫn mắc kẹt tại đây vì không được cấp đất để di dời. Hiện tại, 02 hộ đã theo gia đình chuyển vào vùng trong đê an toàn, còn lại 03 hộ dân không biết sẽ đi đâu, về đâu.
Đó là gia đình ông Trần Văn Ninh và bà Nguyễn Thị Mai. Vì nhà đông người nên năm 1992, vợ chồng ông Ninh cùng 4 người con dựng nhà ở riêng ngay trong khu vườn của gia đình. Năm 2004, con trai cả của ông Ninh là Trần Văn Chung lấy vợ, có 2 con, cũng dựng nhà ở ngay bên cạnh, trong khuôn viên của bà Nội, sống rau cháo qua ngày.
Các con của ông Ninh đã đến tuổi lao động nhưng không có việc làm nên cuộc sống hết sức khó khăn, chật vật. Nhà có 9 miệng ăn nhưng chỉ dựa vào nghề chài lưới và sự “hào phóng” của thiên nhiên.
Năm 2013, bà Tuyết (mẹ ông Ninh) cùng 03 người con chuyển vào TĐC sinh sống. Vì không được cấp đất nên gia đình ông Ninh (gồm 09 người thuộc hai hộ - PV) phải ở lại trên mảnh đất cũ mà chính quyền đã thu hồi, hàng ngày đối diện với nỗi lo sợ bị chủ đất đuổi đi.
Hộ ông Trần Văn Ninh và Trần Văn Chung đang sống tạm bợ trong những túp lều, bên bờ sông, hàng ngày phải đối diện với nỗi lo sợ bị chủ đất đuổi đi.
Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự là hộ chị Đậu Thị Thuần, sinh 1978, vợ anh Nguyễn Văn Lệ (đã mất năm 2015 do bệnh ung thư). Chị lập gia đình năm 1999, tách hộ khẩu năm 2003, sống ở dưới thuyền, bằng nghề sông nước. Hiện gia đình chị có 4 người con đang trong độ tuổi ăn học (cháu lớn lớp 10, cháu út học mẫu giáo). Chồng mất, mọi việc đổ lên đôi vai gầy yếu của chị. Hàng ngày, chị tất tả theo thuyền chở cát vào tận thị trấn Nghèn (Can Lộc) để giao cho khách. Chiều về lại tần tảo việc vặt trong nhà, ai kêu gì làm nấy. Bình quân mỗi ngày chủ thuyền trả cho khoảng trên dưới 100 ngàn đồng.
Không biết đi đâu, về đâu...
Trao đổi với PV, chị Thuần cho biết: “Tháng 7/2011, địa phương đã lập danh sách 66 hộ dân, trong đó có gia đình tôi, gửi ra Chính phủ để xin dự ánTĐC cho bà con vùng lũ. Tuy nhiên, đến khi di dời thì họ nói gia đình tôi vì ở chung trong một thửa đất với cha mẹ chồng nên chỉ được cấp chung một lô đất đứng tên bà Đậu Thị Thương”.
Danh sách 66 hộ dân sinh sống ngoài đê La Giang thuộc vùng “di dời khẩn cấp” do chính quyền địa phương lập để xin dự án. Tuy nhiên, hộ ông Trần Văn Ninh và hộ chị Đậu Thị Thuần không được cấp đất TĐC.
“Năm 2013, mẹ chồng tôi đã chuyển vào khu TĐC sinh sống cùng với hai người con trai đã lập gia đình. Hiện tại, thửa đất được cấp đó đã chia ra hai phần cho hai người con ra ở riêng mỗi người một nửa”, chị Thuần nói thêm.
Cũng theo chị Thuần thì nhiều lần chính quyền địa phương yêu cầu bàn giao đất cũ và vận động gia đình vào khu TĐC để ở chung với mẹ chồng và gia đình các em. Nhưng với diện tích đất đai chật chội, người lại quá đông (12 người, nhiều thế hệ - PV), làm sao mà yên ổn được.
Nói về nguyện vọng của mình, chị Thuần tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn có một miếng đất dựng lều để ở vì đất ở đây, địa phương đã bàn giao cho nhà thầu rồi. Từ hồi tháng 5/2016, nhà thầu đã yêu cầu dọn đi nhưng vì không biết đi đâu nên tôi xin ở lại đến qua giỗ hai năm của chồng rồi tính sau”.
PV đặt câu hỏi là sau khi giỗ thì mẹ con chị định đi đâu? Chị lặng đi trong giây lát rồi ngậm ngùi lắc đầu: “Biết đi đâu nữa hả chú. Đến lúc đó, mẹ con tôi chỉ biết ra đường thôi”.
Được biết, khu vực “di dời khẩn cấp” này có diện tích khoảng 6ha, đã được chính quyền địa phương cho ông Nguyễn Xuân Mạnh và ông Lê Xuân Đông thuê lại với thời hạn 30 năm để lập đề án chăn nuôi, sản xuất. Hiện tại, họ đang cải tạo để đi vào sử dụng.
Chính quyền lấy đất đấu giá?
Làm việc với Chủ tịch UBND phường Trung Lương, ông Nguyễn Duy Đăng cho biết: “Vùng thiên tai bão lụt tại thôn Tuần Cầu có 29 hộ dân theo đầu sổ hộ khẩu nhưng trên thực tế thì có 13 khuôn viên đất. Hiện tại đã di dời được 14 hộ dân (thêm 01 hộ bên bờ sông Minh) vào đây sinh sống”.
Cũng theo ông Đăng thì dự án TĐC được quy hoạch tại tổ dân phố Tiên Sơn có 66 lô đất. Trước đây, sau khi cấp 14 lô cho người dân để ở, sử dụng 3 lô vào việc làm đường giao thông, xây dựng hội quán và các công trình phúc lợi thì chính quyền địa phương có thông báo bán đấu giá số lô đất còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì gần 50 lô đất đó vẫn chưa có chủ. Không biết thị xã có chủ trương bán tiếp hay không thì không nắm được.
Thông báo bán đấu giá các lô đất tại khu TĐC này của UBND phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh.
PV đặt vấn đề là tại sao địa phương lập danh sách 66 hộ dân để xin dự án TĐC mà chỉ cấp cho 14 hộ, để 03 hộ mắc kẹt lại vùng “di dời khẩn cấp”, trong khi đất còn để trống rất nhiều, ông Đăng giải thích: “Phường chỉ lập danh sách theo thực tế những hộ dân sinh sống ngoài đê và ven bờ sông Minh. Còn việc hộ nào đủ điều kiện được di dời thì do cấp trên quyết định”.
Về hướng giải quyết, vị Chủ tịch phường cho biết: “Hiện tại địa phương đã hướng dẫn những hộ ngoài đê có nhu cầu đất ở thì nộp đơn về phường xin mua đất xen dắm. Loại đất này giá cả rất rẻ, kết hợp chế độ hộ nghèo được giảm 50% nên người dân có thể thu xếp được”.
Điều đáng nói là mục tiêu của dự án TĐC nhằm tạo điều kiện cho những hộ dân sinh sống ngoài đê, luôn gặp thiên tai lụt bão, được chuyển vào khu vực trong đê để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Thế nhưng đã gần 05 năm trôi qua, nhiều hộ dân ở đây vẫn ngày đêm kêu cứu vì phải ăn nhờ ở đậu, sống chung với lũ.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần nhanh chóng vào cuộc để chỉ đạo UBND TX Hồng Lĩnh và các ban ngành chức năng khẩn trương giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lý, để người dân có thể an cư lạc nghiệp.
Phi Long - Trần Hoàn
Theo