- Hà Tĩnh: TAND thành phố tuyên án chưa thấu tình đạt lý
- Toà án nhân dân TP Hà Tĩnh có đẩy con cái gia đình nhà giáo vào cảnh “bất hiếu, bất nghĩa”?
(Xây dựng) – Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng 2 bài liên quan đến việc “TAND TP Hà Tĩnh tuyên án chưa thấu tình, đạt lý, đẩy gia đình nhà giáo vào cảnh bất hiếu, bất nghĩa”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều văn bản liên quan đến vụ việc của bên bị đơn cung cấp, chứng minh việc TAND TP Hà Tĩnh xét xử theo “luật riêng”. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Xây dựng đã liên lạc với bà Đặng Thị Thảo, bị đơn trong vụ kiện hy hữu mà nguyên đơn chính là người cha già 92 tuổi đáng kính của mình.
"Bức tâm thư" của bà Đặng Thị Thảo gửi 2 em gái.
“Bức tâm thư” thấm đẫm nước mắt của bà giáo già goá bụa
Bà Đặng Thị Thảo 60 tuổi, nghỉ hưu đã gần 5 năm, chồng mất, các con gái đều lấy chồng và làm ăn xa nên nguyện vọng cuối đời là được về quê dựng nhà trên mãnh đất bố mẹ cho tại khối phố 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh để sống trong vòng tay yêu thương của anh chị em và chăm sóc người cha già 92 tuổi.
Thế nhưng, oái oăm thay, người cha 92 tuổi lại nộp đơn ra toà đòi lại mãnh đất đã cho bà hơn 25 năm nay. Quá đau buồn, bà đã lâm bệnh. Dường như càng thương con gái bao nhiêu thì cụ Thư lại càng nung nấu phải đòi bằng được mãnh đất bấy nhiêu. Cụ nói với mọi người là “đòi đất cho con gái” mà chính cụ cũng không biết làm như thế là trái pháp luật, trái đạo lý.
Báo Xây dựng xin trích một phần nội dung “bức tâm thư” của bà Đặng Thị Thảo chỉ nói với 2 em gái của mình là Đặng Thị Thanh và Đặng Thị Hương: “Chắc các em sẽ nghĩ tại sao chị còn có một người anh mà sao chị không viết cho anh? Bởi lẽ, anh của mình không còn xứng đáng để chị bày tỏ nỗi lòng. Chỉ nói đến một chuyện năm 2011 anh đã cùng chị và hai em ngồi trước mặt cha mình để thảo luận và thống nhất chia phần đất của cha mẹ để lại và anh đã ký giấy thỏa thuận, thế mà bây giờ trước mọi người anh lại nói là không có sự việc đó. Lúc đó anh ở độ tuổi 55 (trình độ văn hóa 9/10) chứ có phải không biết chữ đâu mà khi cầm bản “Giao quyền sử dụng đất” lại nói là: “tưởng giấy để làm bảo hiểm”???
“Bây giờ chị muốn có mảnh đất (Mảnh đất mà cha mẹ đã 3 lần có ngỏ ý cho chị), cất nhà để có chỗ cho chị và các cháu mỗi lần về quê, mà cũng để có chỗ ở cho tuổi già của cha mình. Người ta nói: Lấy chồng thì theo chồng. Mà chồng chị đã chết rồi thì chị theo ai? Nói thật, mỗi năm đến hè các cháu nó đòi về thăm quê nhưng chị không cho về vì về biết ở đâu (quê nội và quê ngoại của các cháu đều khó khăn về chỗ ở). Vì thế, chị mong các em nói với cha chúng mình hãy suy nghĩ, phán quyết cho đúng! Chị nghĩ nếu cha mình còn đủ lí trí, tình cảm thì không đến nỗi “cạn tàu ráo máng” với chị như vậy”.
Qua kết quả phân chia của tòa án với số tiền chị được hưởng tuy là không ít đối với chị nhưng lại là phải rứt ra từ phần của các em chị không đành lòng. Hơn nữa, việc chị cần hơn là có đất, cất nhà ở với hai em cùng với cha của mình, để mỗi lần cha có việc đi vắng thì chị đã có các em qua lại. Chị trân trọng tình cảm gắn bó của chị em mình từ nhỏ đến lớn. Vả lại, chị nghĩ điều quan trọng hơn hết là chị có thể làm cầu nối hàn gắn tình cảm cha con, tình cảm chị em… Đây chính là nguyện vọng của cha mình mà”.
"Văn bản hủy bỏ di chúc" trái pháp luật của Văn phòng Công chứng Hồng Lam
Hồ sơ bà Đặng Thị Thảo gửi đến còn có “Văn bản huỷ bỏ di chúc” của Văn phòng Công chứng Hồng Lam, TP Hà Tĩnh lập ngày 20/4/2016. Tuy nhiên sau đó biết mình đã làm trái luật nên Văn phòng Công chứng Hồng Lam đã ban hành văn bản huỷ bỏ văn bản nói trên. Điều này một lần nữa khẳng định “Bản giao quyền sử dụng đất” mà cụ Đặng Kim thư và các con đã lập năm 2011 có xác nhận của chính quyền địa phương là đúng pháp luật.
Biên bản xác minh tình trạng sức khỏe cho cụ Đặng Kim Thư của Văn phòng Luật sư Lê Hùng
Vì sao TAND TP “bác bỏ” nguyện vọng xin giám định sức khoẻ cho cụ già 92 tuổi?
Trong đơn trình bày trước toà, bà Đặng Thị Thảo và Đặng Thị Thanh đã nhiều lần đề nghị TAND TP Hà Tĩnh giám định sức khoẻ cho cụ Đặng Kim Thư 92 tuổi. Tuy nhiên, tình tiết này đã không được TAND TP Hà Tĩnh chấp thuận. Thay vào đó, văn phòng Luật sư Lê Hùng (Đại diện cho nguyên đơn) lại “bỏ công” đi xác minh tình trạng sức khoẻ, tinh thần của ông Đặng Kim Thư ở Câu lạc bộ thơ Đường luật TP Hà Tĩnh.
Thiết nghĩ, đến cả Luật sư đại diện cho nguyên đơn mà còn “nghi ngờ” tình trạng sức khoẻ của cụ thì tại sao không phối hợp với bên bị đơn cùng kiến nghị TAND TP Hà Tĩnh mời một đơn vị Giám định y khoa độc lập để giám định sức khoẻ cho cụ mà lại “rỗi hơi” đi làm cái việc “xác minh tình trạng sức khoẻ” lạ đời như thế.
Báo cáo của Hội Người cao tuổi phường Đại Nài về việc trả lại sổ tiết kiệm cho cụ Thư.
Chứng minh cho một số việc làm “khác thường” của cha mình, bà Đặng Thị Thảo đã cung cấp cho chúng tôi “Báo cáo về việc thống nhất một số việc của Hội" (Hội người cao tuổi phường Đại Nài – nơi cụ Đặng Kim Thư đang sinh hoạt - PV), trong đó, có phần nội dung “Trong Đại hội nhiệm kỳ V, ngày 11/9/2015 cụ Đặng Kim Thư có tặng hội một cuốn sổ tiết kiệm số tiền 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn). Đến tháng 11/2015, sổ tiết kiệm đến hạn, chúng tôi gặp cụ Thư để xin chuyển tên cho Hội nhưng cụ Thư nói là cho Hội mượn để lấy tiền lãi làm quỹ, không phải tặng sổ tiết kiệm. Sau khi nhận được trả lời của cụ Thư, BCH Hội đã thống nhất và trả lại sổ tiết kiệm cho cụ Thư”.
Để bảo vệ danh dự cho cha mình, ngay sau đó bà Đặng Thị Thảo đã nhờ em gái của mình là bà Đặng Thị Thanh đem 5 triệu đồng đến ủng hộ cho quỹ Hội Người cao tuổi của phường Đại Nài.
Ngoài ra, Báo xây dựng còn nhận được nhiều video clip và hình ảnh liên quan đến việc cụ Đặng Kim Thư có nhiều biểu hiện và hành động “thiếu tế nhị” nơi công cộng mà nếu một người bình thường thì chắc chắn không làm.
Những “chứng cứ” trên chưa phải là đủ nhưng vô cùng quan trọng để một lần nữa khẳng định việc đưa cụ Đặng Kim Thư đi giám định sức khoẻ ở tuổi 92 là vô cùng cần thiết.
Vậy tại sao một việc được pháp luật cho phép, gia đình đồng thuận, lại là vấn đề mấu chốt để “xét xử” thì TAND TP Hà Tĩnh lại dễ dàng “bỏ qua”.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.
Nhóm PVĐT
Theo