Chủ nhật 03/11/2024 03:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Dự án Khu đô thị An Dương mắc kẹt pháp lý, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản

21:36 | 25/10/2021

(Xây dựng) - Ở cái tuổi “nhân sinh thất thập”, đáng lẽ được vui vẻ, quây quần bên cháu con thế nhưng ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị An Dương vẫn long đong, lận đận, “gõ cửa” từng cơ quan, cấp ngành của Hà Nội để mong được xem xét, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của dự án trong suốt hơn 20 năm qua.

ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
Ở tuổi 70, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC đề nghị UBND Thành phố Hà Nội trình Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền để giải quyết dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc tại Dự án Khu đô thị An Dương.

Giờ đây, không chỉ sự vô cảm vùi dập mà dịch bệnh Covid-19 tiếp tục khiến Công ty IDC thêm điêu đứng, ông Lê Quốc Khánh đã buộc phải đem thế chấp ngân hàng toàn bộ nhà cửa, cũng là nơi đóng trụ sở Công ty để doanh nghiệp có tiền trang trải hoạt động, gắng gượng tái triển khai dự án và mong đợi một ngày “cái cây” mà ông cùng nhiều thành viên trong Công ty đã mất hơn nửa đời người để gây dựng, chăm bón cho ra “trái ngọt”.

Chính quyền vô tâm, đẩy doanh nghiệp vào “cửa tử”!

Từng được kỳ vọng là hướng đi mới, bước chuyển mình mạnh mẽ thay đổi diện mạo Thủ đô, sau hơn 2 thập kỷ, Dự án Khu đô thị An Dương rơi vào thảm cảnh hoang tàn, dang dở, phải lùi tiến độ vô thời hạn vì vướng mắc cơ chế, chính sách, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Những đồng vốn góp xương máu của các thành viên tham gia đầu tư xây dựng dự án, nay “nằm chết lâm sàng”, không tìm ra lối thoát, khiến dư luận hết sức xót xa, bức xúc.

ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty IDC sử dụng đất để xây dựng xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Ngày 28/9/1999 tại Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 13.970m2 đất (bao gồm 8.400m2 đất do UBND quận Tây Hồ quản lý và 5.570m2 đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng), giao cho Công ty IDC sử dụng toàn bộ diện tích xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở kinh doanh: 6.529m2; diện tích xây dựng 30 căn hộ thu nhập thấp; diện tích 5.441m2 xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu đất, sau khi xây dựng xong bàn giao cho UBND Thành phố để giao cho các cơ quan chuyên ngành quản lý khai thác; diện tích 1.011m2 đất cho Công ty xây dựng công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự án trên, Công ty IDC đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước đối với chủ đầu tư theo luật hiện hành lúc bấy giờ, nhất là nghĩa vụ thuế về quyền sử dụng và thuê đất để thực hiện dự án.

Vậy nhưng, trong quá trình triển khai, vì nhiều nguyên nhân bất khả kháng liên quan đến điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự thiếu quyết liệt từ phía chính quyền địa phương là UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các Sở, ban, ngành trực thuộc khi không thực hiện giao đất tái định cư, không thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng để lập ra phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất bị thu hồi theo quy định và thiếu cơ chế hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, dẫn đến thực trạng đau xót là dù chủ đầu tư đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn lâm cảnh “đắp chiếu”, “trùm mền”.

Nhiều cơ quan Trung ương vào cuộc nhưng dự án vẫn “mắc cạn”, hẩm hiu

Hơn 20 năm khóc ròng vì đồng vốn của doanh nghiệp mất đi từng ngày, nợ nần chồng chất, Ban lãnh đạo Công ty IDC còn phải khiên cưỡng chứng kiến những “trận bóng ma” mà các cấp chính quyền của Thành phố “đá đi, đá lại”.

Đầu tiên phải kể đến Văn bản số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội về giải quyết một số vụ việc tồn động, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ, trong đó có nội dung: Để giải quyết dứt điểm tồn tại dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực An Dương, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ và Công ty IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo Quyết định 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất báo cáo UBND Thành phố.

Thế nhưng, sau nhiều năm, thành quả từ những chỉ đạo của UBND Thành phố chưa thấy đâu. Trải qua hàng chục cuộc họp lớn nhỏ được các Sở, ngành tổ chức với doanh nghiệp, “quả bóng” trách nhiệm cứ ngày ngày “lăn qua, đá lại” giữa các cơ quan, đơn vị của Hà Nội khiến dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt, nỗ lực tìm mọi cách tháo gỡ, cởi trói và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thì Hà Nội đang làm điều ngược lại với tinh thần đó, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đẩy doanh nghiệp tới bờ vực phá sản.

Mấy chục năm qua, hàng trăm văn bản, kiến nghị, đề xuất… của Công ty IDC đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền, nhưng nhận lại cũng là hàng trăm văn bản có nội dung chung chung, ban hành rồi để đấy, còn doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn từng ngày, từng giờ.

Năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành thực hiện giám sát quá trình giải quyết các tồn đọng trong thực hiện dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương.

Sự vào cuộc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được ví như “chiếc bình ôxy nối thêm sự sống” cho một dự án đã từng được coi là khu đô thị mới kiểu mẫu thoát khỏi “cửa tử”.

Kết quả giám sát cho thấy, Dự án khu hồ An Dương là dự án không lớn nhưng tồn đọng, kéo dài gần 30 năm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân; việc triển khai thực hiện các nội dung theo sự chỉ đạo của Thành phố của một số Sở ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa giải quyết được những vấn đề cốt yếu của vụ việc, người dân và doanh nghiệp có đơn thư kéo dài; sự phối hợp giữa các cơ quan và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; giữa các Sở ngành của Thành phố, doanh nghiệp và người dân còn chưa thống nhất về quan điểm giải quyết nên gặp khó khăn trong quá trình giải quyết.

Nguyên nhân kéo dài vụ việc là do sự vào cuộc chưa quyết liệt của UBND Thành phố, các ngành, các cấp có liên quan trong giai đoạn đầu; chưa kịp thời giải quyết những vướng mắc mới phát sinh; hiệu quả công tác chỉ đạo trong giải quyết vụ việc chưa cao; nhưng thay đổi về chính sách ảnh hướng tới môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như quyền lợi của người dân chưa được chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo kịp thời…

Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Văn bản số 6892/MTTW-BTT ngày 03/9/2019 báo cáo kết quả giám sát tới Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành có liên quan xem xét; Công ty IDC giải quyết dứt điểm vụ việc và có thông báo kết quả gửi về Ban Thường trực trước ngày 20/4/2020 để tổng hợp kết quả giám sát và báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
Văn bản số 575/VPCP-QHĐP ngày 20/01/2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành.

Từ kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 20/01/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 575/VPCP-QHĐP gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Bộ ngành, các địa phương có liên quan có văn bản trả lời Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng gửi Văn phòng Chính phủ trong tháng 02/2020; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

Sau các chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Trung ương, dự án mới bắt đầu nhúc nhích chuyển động trở lại, tuy nhiên nhiều vướng mắc, tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm vẫn khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Cơn bĩ cực của một doanh nghiệp tiên phong

Thời gian triển khai dự án kéo dài hàng chục năm, không có vốn để duy trì, Công ty IDC buộc phải huy động nhiều nguồn vốn khác để trả vốn góp cho các thành viên, chi trả lãi vay và bồi thường thiệt hại do không thực hiện dự án đúng cam kết.

Công ty IDC bị lâm vào hoàn cảnh kiệt quệ về kinh tế, chịu áp lực tài chính nặng nề bởi phải vay mượn vốn nhiều nguồn khác nhau với lãi suất cao để duy trì bộ máy và trả các khoản nợ. Nay các khoản vay này đều đã quá hạn.

ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
Dù đã được rào dậu bảo vệ, nhưng dự án vẫn chưa được tái triển khai.

Còn một thực tế nữa là hạng mục san lấp hồ An Dương đã hoàn thành xong được gần 30 năm, hiện tại, tổng chi phí phát sinh mà Công ty IDC phải chi trả dành cho hạng mục san lấp ước tính phải vào khoảng trên 300 tỷ đồng.

Trớ trêu thay, mặc dù UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên ngành để giải quyết và chỉ đích danh Sở Tài chính là đơn vị chủ trì tiến hành rà soát, báo cáo. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản đền bù hạng mục san lấp hồ An Dương nào.

Đâm lao phải theo lao, để có tiền trang trải vào dự án, giúp công ty gắng gượng hoạt động, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC đã buộc phải thế chấp ngân hàng toàn bộ nhà cửa là nơi gia đình ông đang sinh sống và cũng là nơi đặt trụ sở của Công ty IDC.

Việc Dự án Khu đô thị An Dương tiếp tục “bế tắc” và “cơn bão” Covid-19 ập đến lại khiến doanh nghiệp của ông Lê Quốc Khánh thêm phần điêu đứng, không lối thoát.

Hiện nay, ông Lê Quốc Khánh đang phải đối mặt với vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện liên quan đến việc thế chấp tài sản là ngôi nhà ông Khánh và gia đình đang sinh sống.

ha noi du an khu do thi an duong mac ket phap ly nha dau tu dung truoc nguy co pha san
Để có tiền trang trải tại dự án chi trả hoạt động của Công ty, ông Lê Quốc Khánh đã phải đem thế chấp ngôi nhà mà gia đình đang sinh sống.

Theo ông Khánh, kết cục đi đầu tại một dự án khu đô thị kiểu mẫu tại Hà Nội ở những năm 90 đã khiến Công ty IDC và gia đình tôi rơi vào thảm cảnh. “Mấy chục năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ tới việc làm sao để có mặt bằng sạch để triển khai dự án một cách nhanh nhất nhưng mọi chuyện lại rất tồi tệ” - ông Lê Quốc Khánh ngậm ngùi, cay đắng.

Ngoài ra, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC cho biết, đến nay Dự án Khu đô thị An Dương chưa thể tái triển khai vì nhiều lý do: Chính quyền thu hồi dự án 2 lần và bàn giao dự án 3 lần, đất được giao nằm trong phạm vi đê điều không thể thực hiện dự án, công dân không được tái định cư quay về chiếm dụng lại đất cũ, mốc giới diện tích tích 962,19m2 đất được giao trùng với mốc giới kiểm đếm năm 2019, dự án bị đình chỉ liên tục do sự thay đổi cơ chế, chính sách…

“Mặt khác, chính quyền chưa xem xét, nghiên cứu, xử lý, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Về việc này, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản chuyển đơn đến UBND Thành phố Hà Nội để chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, xử lý, giải quyết và trả lời công dân theo quy định. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết quả giải quyết” - ông Lê Quốc Khánh trình bày.

Sau hàng chục năm, Công ty IDC vẫn đang chờ đợi một cách giải quyết thấu tình, đạt lý từ phía UBND Thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND Thành phố cần nhìn nhận thẳng vào vấn đề, thực sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” và hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện xây dựng Dự án Khu đô thị mới An Dương; đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền, trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự án phù hợp thực tiễn trong giai đoan mới; nhanh chóng hoàn lại suất đầu tư cho doanh nghiệp, thay vì bỏ mặc dự án hoang hóa suốt hàng chục năm như hiện nay gây thiệt hại cho doanh nghiệp, lãnh phí ngân sách Nhà nước và tiền đóng thuế của người dân.

Văn Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load