Thứ tư 15/01/2025 13:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Dự án bệnh viện đa khoa Nông nghiệp chưa nghiệm thu PCCC, người bệnh vẫn bị “lùa” vào khám chữa bệnh

11:17 | 08/10/2019

(Xây dựng) – Gần 3 tháng, sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Thanh Trì, dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC).


Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu công trình, nghiệm thu PCCC đã “ngang nhiên” đưa vào sử dụng.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, công trình xây dựng bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, mặc dù chưa tổ chức nghiệm thu PCCC nhưng công trình đã “ngang nhiên” đưa vào sử dụng.

Theo phản ánh, nhiều hạng mục công trình còn để ngổn ngang, bừa bộn nhưng đã được đưa vào sử dụng, khám chữa bệnh cho người dân. Hệ thống PCCC tại đây còn có dấu hiệu chưa hoàn thiện.

Với những tồn tại trên, Đội Quản lý trật tự Xây dựng đô thị huyện Thanh Trì đã lập Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động đầu tư xây dựng của Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp: Đưa từng phần công trình, hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu. Cụ thể, bệnh viện đã đưa vào sử dụng và hoạt động các tầng 01; 02; 03; 04; 05; 08.

Ngày 16/7/2019, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp về các lỗi trên với số tiền là 55.000.000 đồng, buộc trong thời hạn 1 tháng phải tổ chức nghiệm thu theo quy định và buộc bồi thường thiệt hại cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan (nếu có).

Tuy nhiên, gần 3 tháng sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Thanh Trì, dự án xây dựng bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu công trình, nghiệm thu PCCC.

Quan sát thực tế tại bệnh viện, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận: Các hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra bình thường. Các y sĩ, bác sĩ vẫn tiến hành khám, chữa bệnh, điều trị nội trú tại các phòng của bệnh viện cho hàng trăm bệnh nhân. Trong khuôn viên của bệnh viện không hề có một thông báo nào tới bệnh nhân về việc bệnh viện chưa được nghiệm thu PCCC. Nếu không may xảy ra tình huống cháy nổ gây nguy hại cho bệnh nhân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Tìm hiểu được biết, ngày 6/8 Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã có biên bản kiểm tra về nghiệm thu PCCC đối với công trình xây dựng nâng cấp bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2). Qua kiểm tra cho thấy, công trình còn một số tồn tại về PCCC như: Chưa có tài liệu chứng minh nguồn gốc lô bình chữa cháy lắp đặt tại công trình; Chưa có hồ sơ nghiệm thu hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn; Kết quả đo điện trở chống sét, nối đất tại công trình; Chưa bố trí thang máy chưa cháy, thang bộ thoát nạn N1 cho công trình; Chưa lắp đặt đầy đủ đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler tại một số hành lang, phòng kỹ thuật tầng mái, tầng hầm; Hệ thống hút khói tầng hầm hoạt động chưa bảo đảm khả năng hút khói khi có sự cố cháy, nổ.

Biên bản chỉ rõ, hạng mục công trình chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư tuyệt đối không đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.

Tiếp đó, ngày 28/8, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH ra Quyết định số 020/QĐ-ADBPKPHC áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc bệnh viện đa khoa Nông nghiệp tổ chức để Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nghiệm thu về PCCC đối với công trình xây dựng, nâng cấp bệnh viện (giai đoạn 2). Thời gian chấp hành quyết định là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với đồng chí Thiếu tá Trần Hải Nam - Phó trưởng phòng Thẩm duyệt về PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an). Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hải Nam khẳng định: Công trình xây dựng Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) vẫn còn tồn tại về PCCC, chưa đủ cơ sở để cấp văn bản chấp thuận nghiệm thu về PCCC. Cụ thể, công trình này còn một số tồn tại như: Thang máy chữa cháy vẫn chưa được hoàn thiện; nguồn điện cấp cho các hệ thống tăng áp, hút khói liên quan đến PCCC có 1 nguồn vẫn chưa hoạt động được…

Liên quan đến việc xử lý đối với các dự án chưa đủ điều kiện, chưa được thẩm duyệt PCCC đã đưa vào sử dụng, đồng chí Thiếu tá Trần Hải Nam cho biết: Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình. Các chế tài xử lý được quy định cụ thể đối với từng hành vi vi phạm.

Điểm a, Khoản 5, Điều 36 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm quyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt PCCC.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng như: Cơ quan Cảnh sát PCCC tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCCC để mỗi người dân có thể nắm được các quy định cơ bản về an toàn PCCC đối với dự án, công trình xây dựng. Chủ đầu tư cần tìm hiểu rõ, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về PCCC, đồng thời lựa chọn các đơn vị thi công có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công, tránh tình trạng chạy theo tiến độ mà bỏ qua các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu, tham gia các buổi tuyên tryền pháp luật về PCCC để nắm được quy định trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình chung cư, cao tầng để yêu cầu chủ đầu tư xuất trình các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính về PCCC khi có nhu cầu tìm hiểu hoặc mua căn hộ chung cư.

Công bố tên chủ đầu tư, công trình vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng không cấp phép đầu tư đối với các chủ đầu tư vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vì lợi nhuận nhiều chủ đầu tư sẵn sàng nộp tiền phạt và vẫn đưa công trình vào sử dụng dù chưa được tổ chức nghiệm thu về PCCC. Phải chăng các chế tài xử lý không đủ sức răn đe các chủ đầu tư?

Liên quan đến dự án này, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc về những “tồn tại” mà dự án đang vướng phải và thông tin đến bạn đọc.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load