(Xây dựng) – Hàng loạt nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng trái phép tại phường Vạn Phúc và Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) ngang nhiên tồn tại và hoạt động nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận. Liên quan đến vấn đề này, mới đây Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý việc tồn tại của các nhà xưởng, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Thành Phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc tồn tại nhiều nhà xưởng tại phường Vạn Phúc và phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). |
Thời gian gần đây, theo một số thông tin phản ánh: Tại phường Vạn Phúc (Hà Đông), trên phần đất công, đất nghĩa trang rộng lớn thuộc khu đất Bồ Các (diện tích khoảng 4 héc ta) tồn tại hàng loạt nhà xưởng, hoạt động tấp nập nhiều năm qua. Khu đất này có mặt tiền đắc địa, bám hai bên đường Tố Hữu đoạn qua ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu.
Loạt nhà xưởng hoạt động tại khu Bồ Các (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). |
Được biết, tháng 12/2018, UBND phường Vạn Phúc từng yêu cầu HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp Vạn Phúc thanh lý hợp đồng giao khoán tạm cho Công ty sử dụng diện tích đất này, yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trong tháng 4/2019.
Hoạt động sản xuất của các nhà xưởng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. |
Tuy nhiên, đến nay hàng loạt nhà xưởng có diện tích lớn (từ 500 đến 1.000 m2) vẫn hoạt động rầm rộ. Giá thuê được các cá nhân xưng là chủ các nhà xưởng tại đây công khai chào mời từ 55.000 đến 75.000 đồng/m2/tháng.
Tại nhiều khu đất thuộc hành lang an toàn đường sắt (thuộc phường Kiến Hưng) cũng xuất hiện các điểm tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông. Mỗi ngày lượng xe lớn nhỏ đi qua khu vực dân cư, gây nguy hiểm cho người dân. |
Cũng tại quận Hà Đông, khu đất dịch vụ Mậu Lương và khu đất quanh Tổ 20, 21 thuộc phường Kiến Hưng có nhiều công trình nhà xưởng xây dựng dưới đường điện cao thế và khu đất tiếp giáp hành lang đường sắt. Theo phản ánh, các dãy nhà xưởng có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn m2. Tại đây, một số đơn vị đã thuê những nhà xưởng kiểu này làm kho chứa vật liệu, sửa chữa ô tô.
Các công trình nhà xưởng xây dựng dưới hành lang lưới điện cao thế (quanh Tổ 20,21 phường Kiến Hưng) đã được tháo dỡ. |
Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/7 Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và một số cơ quan khác, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kiểm tra, xử lý nội dung nhà xưởng trái phép “mọc như nấm” ở quận Hà Đông mà báo chí đã phản ánh. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc tồn tại nhiều nhà xưởng tại phường Vạn Phúc và phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020.
Trước đó, ngày 3/7 Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng có văn bản yêu cầu Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND quận Hà Đông kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm, kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm (nếu có), thu hồi đất sử dụng sai mục đích, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hà Đông kiểm tra nguồn thu từ việc cho thuê nhà xưởng của các tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các vi phạm về thu ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 20/7/2020; thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Dư luận cho rằng, phải chăng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý khiến cho hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép, hoạt động rầm rộ từ nhiều năm nay. |
Sau khi có những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 14/7: Một số nhà xưởng xây dựng trái phép tại phường Kiến Hưng đã được tháo dỡ.
Tại khu vực đất công, đất nghĩa trang rộng lớn thuộc khu đất Bồ Các, phường Vạn Phúc các nhà xưởng vẫn tồn tại. Một số nhà xưởng đã đóng cửa và một số xưởng sản xuất vẫn đang hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cán bộ địa chính phường Kiến Hưng cho biết: Đối với các công trình dưới hành lang lưới điện thuộc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Huy Hoàng, ngày 4/7 UBND phường đã lập biên bản làm việc với ông Nguyễn Công Lưu (người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH thương mại và xây dựng Huy Hoàng), yêu cầu Công ty tháo dỡ các công trình vi phạm trước ngày 12/7. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH thương mại và xây dựng Huy Hoàng đã cho tháo dỡ toàn bộ phần diện tích xây dựng vi phạm khoảng 1.600m2 tại khu đất dịch vụ Đìa Lão (đất quy hoạch cây xanh); đối với công trình vi phạm thuộc hạ tầng khu tái định cư Kiến Hưng (đất quy hoạch bãi đỗ xe), công ty đang cho di chuyển máy móc, vật dụng nặng để tiếp tục tháo dỡ.
Vị cán bộ này cung cấp thêm thông tin: Khu đất tiếp giáp hành lang đường sắt do ông Lê Đình Hội quản lý, sử dụng xây dựng vi phạm. Trước đây là khu vực đất nông nghiệp hoang hóa do gia đình ông Hội khai hoang để trồng trọt, chăn nuôi. Các công trình vi phạm xây dựng trên nền chuồng trại chăn nuôi lợn, gà trước đây đến nay cải tạo thành 7 gian kiốt với diện tích là 420,5m2. Các công trình xây dựng cũ gồm: nhà tạm cấp 4 diện tích 60m2; lán tôn, khung sắt diện tích 148,8m2; nhà tôn tạm, khung sắt, mái tôn, quây tôn xung quanh với diện tích 961,2m2.
Ngày 6/7, UBND phường đã lập biên bản làm việc với gia đình ông Lê Đình Hội, yêu cầu gia đình tháo dỡ các công trình vi phạm xong trước ngày 10/7. Đến thời điểm hiện tại, ông Hội đang cho tháo dỡ 6 kiốt với diện tích 360,4m2 còn 1 gian kiốt đang di chuyển máy móc, vận dụng nặng để tiếp tục tháo dỡ.
Có thể thấy, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng những nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng trái phép đã được kiểm tra, tiến hành tháo dỡ. Dư luận mong rằng, những công trình này sẽ được xử lý dứt điểm, trả lại hiện trạng mặt bằng đất ban đầu.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Khánh Hòa – Việt Khoa
Theo