(Xây dựng) – Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin về vụ án tranh chấp đất đai tại xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ giữa ông Phùng Đức Sáu và ông Phùng Văn Hậu. Để làm rõ có hay không việc sửa chữa, sai lệch hồ sơ cũng như hồ sơ gốc Quyết định 292 về giao rừng và đất lâm nghiệp, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với UBND huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu thông tin từ ngày 16/07/2021.
Qua trao đổi với ông Phùng Tuấn Hưng, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Do dịch bệnh nên thời gian này huyện không tiếp xúc với báo chí, chỉ liên hệ làm việc qua điện thoại và nội dung làm việc hiện đã giao cho cơ quan chuyên môn báo cáo”.
Tuy nhiên, để có được câu trả lời rõ ràng nhất phóng viên đã thường xuyên liên hệ với cơ quan trên để làm việc, nhưng câu trả lời cứ bỏ ngỏ và hứa hẹn hết ngày này qua ngày khác, mãi cho tới nay mới nhận được văn bản báo cáo: “Huyện đã giao hết quyết định gốc cho Tòa án”. Vậy chỉ trả lời cho câu hỏi “có” hay “không” Quyết định gốc 292 giao rừng và đất lâm nghiệp cho ông Phùng Đức Sáu và ông Phùng Văn Hậu mà sự việc kéo dài hơn 1 tháng, khiến dư luận quan tâm đặt ra nhiều câu hỏi.
Sở dĩ việc tìm hiểu Quyết định gốc 292 cùng giao cho cho ông Phùng Đức Sáu và ông Phùng Văn Hậu, bởi tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ diễn ra ngày 9/7/2021 xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Phùng Đức Sáu và ông Phùng Văn Hậu, các tài liệu liên quan đến Quyết định 292 về giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài và ổn định vào mục đích lâm nghiệp vẫn chưa được Tòa án tỉnh và UBND huyện Hạ Hòa làm rõ, xác minh đối tượng, vị trí các diện tích được giao. Bên cạnh đó cũng tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Sáu cho biết, phía gia đình ông Hậu hiện có khu đất khác khoảng hơn 1.000m2 cạnh đất của ông Sáu hiện đang tranh chấp, đã giao cho con trai là anh Phùng Văn Huấn làm, vậy Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng chưa xác minh làm rõ diện tích đất này là lô nào, thửa số bao nhiêu…?
Theo thông tin trước đó, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hạ Hòa xét xử ngày 30/9/2020, một mặt vẫn chưa làm rõ lô thửa đang tranh chấp và các chứng từ mà ông Hậu cung cấp có dấu hiệu sửa chữa không đủ làm chứng cứ trong hồ sơ tranh chấp. Mặt khác không xem xét hết các tài liệu, nguồn gốc và chứng cứ của ông Sáu cung cấp (gồm: Hồ sơ xin giao đất, biên bản bàn giao, trích lục thửa đất, vị trí lô đất, hợp đồng giao khoán…) tất cả các giấy tờ đó đều chi tiết, đầy đủ chứng minh thuộc quyền sử dụng đất của ông Sáu, nhưng Tòa sơ thẩm huyện Hạ Hòa lại quyết định cho gia đình ông Hậu chỉ trả lại lô 1 là 1.170m2 khu vực rừng phòng hộ, còn lô 2 diện tích 2.745,6m2 thuộc lô 18 lại không chứng minh được việc Lâm trường Thanh Hòa (nay là Hạt kiểm lâm Hạ Hòa) đã giao đất cho ông Hậu theo chính sách giao đất lâm nghiệp nào mà lại vẫn quyết định cho ông Hậu được quyền sử dụng lô 2?
Bên cạnh đó, việc Tòa án sơ thẩm căn cứ Biên bản giao đất và Quyết định giao đất số 292 ngày 15/12/1994 của UBND huyện Thanh Hòa (nay là huyện Hạ Hòa) thì lô đất mà ông Phùng Văn Hậu được giao là tờ bản đồ F 48.91 A-c-1, thuộc lô 59 lại có dấu hiệu sửa chữa tên (“Sáu” sang “Hậu”), đồng thời ghi nhận quyền sử dụng đất có diện tích 3.543,2m2 nhưng không xác định được vị trí lô, thửa đất nào cho ông Hậu?
Quyết định giao đất của ông Hậu là lô 59, không phải là lô 18.
Có dấu hiệu sửa chữa tên “Sáu” sang ” Hậu”.
Cũng tại Biên bản và Quyết định cấp đất này trùng với Quyết định 292 ngày 15/12/1994 của UBND huyện Thanh Hòa cấp cho ông Phùng Văn Sáu 29,2ha, là lô 19. Ngoài ra ông Sáu cho rằng, không có chính sách cấp đất nào của UBND huyện thời kỳ đó. Đây là dấu hiệu của sự giả mạo hồ sơ và bản thân ông Sáu không được ký vào biên bản nhận đất nào của huyện giao mà toàn bộ là do Lâm trường Thanh Hòa cùng Ủy ban hành chính xã Hương Xạ thời đó giao theo chính sách giao đất lâm nghiệp trồng rừng… nêu trên
Điều đáng nói ở đây là những tài liệu chứng minh đất của ông Phùng Văn Hậu chủ yếu dựa trên lời khai, còn quyết định kèm theo biên bản giao đất của UBND huyện Thanh Hòa chỉ đóng dấu treo, thậm chí có văn bản không có dấu (chỉ là photo) lại trùng với văn bản giao cho ông Sáu (nhưng không đúng lô 18 đang tranh chấp). Bên cạnh đó, các giấy tờ trên của bị đơn cung cấp có sự tẩy xóa, sửa chữa nhưng vẫn sai và không trùng khớp với diện tích đang tranh chấp. Nên ông Sáu cho rằng, có dấu hiệu giả mạo tài liệu và chứng cứ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bởi vậy, việc Tòa án nhân dân huyện Hạ Hòa công nhận quyền sử dụng đất cho ông Hậu với tài liệu sửa chữa này là không có cơ sở pháp lý, thiếu công bằng, minh bạch đối với người có công chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng suốt thời gian qua.
Tiếp đó, Tòa án nhân dân huyện Hạ Hòa lại ghi nhận phần diện tích 3.543,2m2 đất của ông Phùng Văn Hậu đang sử dụng chưa xác định được nguồn gốc cụ thể ở vị trí nào? Lô số bao nhiêu? Có phải là lô 59 hay lô nào chưa được làm rõ. Theo thông tin hồ sơ vụ án, sơ đồ thửa đất ghi tên ông Phùng Văn Hậu, có đóng dấu của thẩm phán, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hạ Hòa nhưng “không” có chữ ký của ông Hậu là tài liệu duy nhất được đo vẽ phần tranh chấp lô 2 (khoảng 2.100m2). Thực tế là 2.745,6m2 có trong hồ sơ vụ án đã xác định của ông Phùng Đức Sáu là lô 18 được Hạt kiểm lâm giao khoán trồng rừng thuộc 3,3ha có hồ sơ pháp lý giao đất. Việc đo vẽ ghi năm 2020 có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, ông Sáu hoài nghi có sự “giả mạo” trong công tác.
Được biết, năm 1994 ông Phùng Đức Sáu (khu 5, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), được Lâm trường Thanh Hòa (nay là Kiểm lâm huyện Hạ Hòa) giao 08 lô đất (từ lô số 4 đến lô số 11), với diện tích 25,1ha đất để trồng rừng phòng hộ và bảo vệ rừng; đồng thời giao khoán 01 lô đất số 18 với diện tích 3,3ha là đất 50 năm nhưng hợp đồng giao khoán là trồng rừng và cây gỗ lớn. Khi mới nhận tất cả đều là đất trống đồi trọc, nhưng đến nay khu rừng phòng hộ do ông Sáu trồng, quản lý và bảo vệ đã lên xanh.
Cụ thể: Tại lô 18 là đất hợp đồng giao khoán trồng rừng 50 năm, tận dụng những khoảng đất trống để trồng xen cây ngắn ngày (chè, giàng giàng…), ông Sáu đã cho 14 hộ dân mượn mỗi hộ một ít đất để trồng, nhưng đến năm 1998 các hộ dân mượn đất hầu hết đã trả lại, riêng ông Phùng Văn Hậu (nay giao con trai là Phùng Xuân Đoàn sử dụng) có quan hệ họ hàng, anh em là người nhất định không trả. Không những vậy, gia đình ông Đoàn còn chặt một số cây rừng phòng hộ để trồng chè. Cả 02 khu vực bị ông Hậu chiếm dụng với tổng diện tích khoảng 2.780m2 (Lô 1: khoảng 680m2 - trên đo đạc thực tế là 1.170m2 thuộc rừng phòng hộ; Lô 2: khoảng 2.100m2 - đo đạc thực tế là 2.745,6m2 thuộc rừng trồng cây gỗ lớn). Bởi vậy, ông Phùng Đức Sáu đã làm đơn gửi các cấp chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết để đòi lại quyền sử dụng đất này.
Các văn bản giấy tờ ông Phùng Đức Sáu được giao nhận đều thuộc lô 18.
Trước khi khởi kiện, ngày 10/6/2015, Hạt kiểm lâm huyện Hạ Hòa đã tiến hành đo đạc, vẽ lại bản đồ rừng phòng hộ thuộc quyền sử dụng của ông Phùng Đức Sáu trên thực địa hiện là 248.000m2 (có bản đồ kèm theo) và hộ ông Phùng Văn Hậu là anh Đoàn ký xác nhận. Tại lô 2 thuộc lô 18 (theo hồ sơ giao đất) trước đây gia đình ông Phùng Văn Hậu mượn đã từng dựng nhà tạm để ở một thời gian, do hoang vu nên mới chuyển đi nơi khác, sau đó khu đất đó bị bỏ hoang mãi đến năm 1994 Lâm trường Thanh Hòa và Ủy ban hành chính xã Hương Xạ đã giao hợp đồng trồng cây gỗ lớn và bản đồ do Nhà nước cấp cho chính tên ông Phùng Đức Sáu. Biên bản đo đạc đã thể hiện rõ quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Sáu, về vị trí cũng như diện tích mà ông đã được giao.
Mặc dù UBND huyện Hạ Hòa đã có văn bản trả lời về Quyết định gốc 292 đã giao cho Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, nhưng dấu hiệu sửa chữa sai lệch hồ sơ nhằm mục đích gì? các tài liệu bị đơn cung cấp hiện không đủ làm chứng cứ và Tòa án ND huyện Hạ Hòa lại ra quyết định khi chưa làm rõ lô, thửa tranh chấp. Đây là những vấn đề cần được làm sáng tỏ, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ sự thật và thu hồi lại đất cho nhà nước mang lại sự công bằng, minh bạch văn minh.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Hồng Nhung – Văn Nhất
Theo