(Xây dựng) - Tiếp tục thông tin liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trên Báo điện tử Xây dựng. Để sự việc dần được sáng tỏ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tìm hiểu và cung cấp thêm một số thông tin cụ thể nhằm làm rõ sự việc này.
Năm 1994, ông Phùng Đức Sáu được Lâm trường Thanh Hòa, nay là Hạt kiểm lâm huyện Hạ Hòa giao 08 lô đất (từ lô số 4 đến lô số 11) với diện tích 25,1ha đất để trồng rừng phòng hộ và bảo vệ rừng; đồng thời giao khoán 01 lô đất số 18 với diện tích 3,3ha là đất 50 năm, nhưng hợp đồng giao khoán là trồng rừng và cây gỗ lớn tại khu 5, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, hiện các hồ sơ vẫn được ông Sáu lưu giữ đầy đủ và cẩn thận.
Theo phản ánh của ông Phùng Đức Sáu, sau khi cho 14 hộ dân mượn mỗi hộ một ít đất để trồng xen cây ngắn ngày, năm 1998 đến hạn trả 13 hộ dân đều đã trả hết, nhưng chỉ riêng ông Phùng Văn Hậu nay giao con trai là Phùng Xuân Đoàn sử dụng là người nhất định không trả. Không những vậy, gia đình ông Đoàn còn chặt một số cây rừng phòng hộ rồi trồng chè trên đó và chiếm dụng 02 khu đất với tổng diện tích khoảng 2.780m2 (lô 1 khoảng 680m2; lô 2 khoảng 2.100m2).
Được biết, tại lô 2 thuộc lô 18 (theo hồ sơ giao đất) trước đây gia đình ông Phùng Văn Hậu đã từng dựng nhà để ở một thời gian, do hoang vu và vợ ông Hậu bị ốm nên mới chuyển đi nơi khác và khu đất đó bị bỏ hoang mãi đến năm 1994 Lâm trường Thanh Hòa và Ủy ban hành chính xã Hương xạ đã giao hợp đồng trồng cây gỗ lớn và bản đồ do Nhà nước cấp cho chính tên ông Phùng Đức Sáu.
Tại biên bản đo đất ngày 10/6/2015 của Đoàn kiểm lâm huyện Hạ Hòa, do Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hạ Hòa ông Nguyễn Văn Sơn làm Trưởng đoàn và UBND xã Hương Xạ bà Lê Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch cũng có mặt. Biên bản đã xác định đất trồng chè của ông Hậu là đất rừng phòng hộ thuộc quyền sử dụng của ông Phùng Đức Sáu trên thực địa hiện là 248.000m2 (có bản đồ kèm theo) và hộ ông Phùng Văn Hậu con trai là anh Phùng Xuân Đoàn đã ký xác nhận vào biên bản.
Ngày 20/12/2018, Hạt kiểm lâm Hạ Hòa tiến hành đo vẽ lại, một lần nữa đã xác định rõ diện tích 02 lô đất mà ông Phùng Văn Hậu chiếm dụng là của ông Phùng Đức Sáu. Thực tế hộ ông Phùng Văn Hậu chiến dụng lô 1 (khoảng 680m2) trên đo đạc thực tế là 1.170m2, hiện đang trồng chè và thuộc 08 lô đất do Hạt kiểm lâm giao cho ông Sáu trồng rừng phòng hộ. Lô 2 (khoảng 2.100m2) đo đạc thực tế là 2.745,6m2 đang trồng chè và thuộc lô đất số 18 do Hạt kiểm lâm giao cho ông Sáu trồng rừng và cây gỗ lớn. Tổng diện tích sau khi đo đạc thực tế của 02 lô đất trên là 3.915,6m2.
Lô 1 (khoảng 680m2) trên đo đạc thực tế là 1.170m2 hiện đang trồng chè và thuộc 08 lô đất do Hạt kiểm lâm giao cho ông Sáu trồng rừng phòng hộ. |
Lô 2 (khoảng 2.100m2) đo đạc thực tế là 2.745,6m2, đang trồng chè và thuộc lô đất số 18 Hạt kiểm lâm giao cho ông Sáu trồng cây gỗ lớn |
Nhưng theo bản án sơ thẩm số: 15/2020/DS-ST ngày 30/9/2020, thì TAND huyện Hạ Hòa lại xét xử sơ thẩm với nội dung: Chỉ yêu cầu gia đình ông Hậu trả lại lô 1 với diện tích 1.170m2 thuộc khu vực rừng phòng hộ, còn lô 2 diện tích 2.745,6m2 vẫn do ông Phùng Văn Hậu được quyền sử dụng mà không có cơ sở pháp lý nào, cụ thể: Thứ nhất, theo biên bản giao đất và Quyết định giao đất số 292 ngày 15/12/1994 của UBND huyện Thanh Hòa (nay là huyện Hạ Hòa) lô đất mà ông Phùng Văn Hậu được giao là tờ bản đồ F 48.91 A-c-1, Lô 59, có dấu hiệu sửa chữa tên (“Sáu” sang “Hậu”) và vị trí của tờ bản đồ nhưng lại ghi nhận quyền sử dụng đất có diện tích 3.543,2m2 không xác định được lô, thửa đất nào cho ông Hậu?.
Thứ hai, Biên bản và Quyết định cấp đất này trùng với Quyết định (cùng số 292, ngày 15/12/1994) của UBND huyện Thanh Hòa cấp cho ông Phùng Đức Sáu 29,2ha, lô 19; ngoài ra ông Sáu cho rằng, không có chính sách nào cấp đất của UBND huyện thời kỳ đó, đây là dấu hiệu của sự giả mạo hồ sơ và bản thân ông Sáu không được ký biên bản nhận đất nào của huyện giao mà toàn bộ là do Lâm trường Thanh Hòa cùng Ủy ban Hành chính xã Hương Xạ thời đó giao cho theo như hồ sơ mà ông đã cung cấp cho Tòa án .
Thứ ba, TAND huyện Hạ Hòa ghi nhận phần diện tích đất 3.543,2m2 cho ông Phùng Văn Hậu đang sử dụng chưa xác định được nguồn gốc cụ thể ở vị trí nào?, lô số bao nhiêu? có phải là lô 59 hay lô nào chưa được làm rõ?. Theo căn cứ hồ sơ vụ án, sơ đồ thửa đất ghi tên ông Phùng Văn Hậu, có đóng dấu của Thẩm phán, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hạ Hòa nhưng không có chữ ký của ông Hậu là tài liệu duy nhất được đo vẽ phần tranh chấp lô 2 (khoảng 2.100m2), thực tế là 2.745,6m2 có trong hồ sơ vụ án đã xác định của ông Phùng Đức Sáu là lô 18 được Hạt kiểm lâm giao khoán trồng rừng 3,3ha có đầy đủ sơ đồ, lô thửa đất và Văn bản pháp lý giao đất.
Với thành tích 25,1ha đất rừng đều đã phủ kín cây và được bảo vệ nghiêm ngặt. Cựu chiến binh Phùng Đức Sáu đã được được cử tham dự Đại hội những người trồng rừng phòng hộ giỏi toàn quốc, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ. |
Ngược lại, ông Phùng Văn Hậu ngoài lời khai và Quyết định kèm theo biên bản giao đất của UBND huyện Thanh Hòa chỉ có đóng dấu treo, có bản không có dấu (chỉ là photo) lại trùng với Văn bản giao cho ông Sáu (nhưng không đúng lô 18) và ông Sáu cho rằng có dấu hiệu giả mạo và đủ cơ sở làm chứng cứ, thì TAND huyện Hạ Hòa lại công nhận quyền sử dụng đất cho ông Phùng Văn Hậu là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Về phía nguyên đơn ông Phùng Đức Sáu có đầy đủ giấy tờ và được cấp quyền sử dụng đất, giao đất, trồng rừng của Hạt kiểm lâm theo đúng Lô số 18 mà phần đất ông Hậu đang chiếm dụng 2.745,6m2. Bên cạnh đó diện tích 797,6m2 được đo vẽ thêm có nằm trong diện tích của Lô đất 18 hay không?, ở đâu ra mà xung quanh đều ghi nhận đất rừng phòng hộ và cây gỗ lớn là của ông Sáu, đồng thời chưa lý giải tại sao khu đất xen kẹt giữa đất ông Sáu lại là của ông Phùng Văn Hậu?. Cũng theo hồ sơ trên, giấy tờ mà bị đơn cung cấp có sự tẩy xóa, sửa chữa nhưng vẫn sai và không trùng khớp, nghi ngờ có sự giả mạo tài liệu, chứng cứ.
Ngoài ra, ông Phùng Đức Sáu còn cung cấp được các chứng cứ giao đất, khoán các hộ gia đình trồng cây và có cả phần giao đất thuê ông Phùng Văn Hậu và con trai ông Hậu (Phùng Văn Đoàn) trồng rừng; có cả các biên bản bắt giữ sự phá hoại rừng của ông Phùng Đức Sáu hiện còn lưu giữ; các bút tích, công sức cống hiến bảo vệ rừng nay lại là vòng lao lý nhiều năm qua ông vướng phải.
Thiết nghĩ, Tòa án cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Phú Thọ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để ra một phán quyết công tâm, đúng quy định của pháp luật và giải mã được những uẩn khúc của vụ án, để người cựu chiến binh năm xưa đi chống giặc, nay về quê hương gìn giữ và bảo vệ rừng được pháp luật bảo vệ.
VA-HN
Theo