Chủ nhật 24/11/2024 03:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Giải mã địa danh được in trên các tờ tiền Việt Nam

10:18 | 06/07/2016

Những địa danh trên đồng tiền Việt Nam đều là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hay công trình nổi tiếng thu hút khách tham quan...

Tờ 500.000 đồng là hình ảnh ngôi nhà tranh 5 gian tại Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An. Đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên tờ 200.000 đồng là hòn Đỉnh Hương thuộc Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất.

Đây là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rặng san hô, câu cá giải trí. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam được in trên tờ tiền 100.000 đồng.

Công trình Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Tờ 50.000 đồng có in hình Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu

 Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu là hai công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông Hương (Thừa Thiên - Huế) để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát.

Chùa Cầu được in trên tờ polymer mệnh giá 20.000 đồng.

Bất cứ ai đến Hội An đều không thể không ghé qua Chùa Cầu (hay còn gọi là cầu Nhật Bản bởi trước đây cây cầu này do thương nhân Nhật góp tiền xây dựng từ thế kỷ XVII).

Mỏ dầu Bạch Hổ thuộc bồn trũng Cửu Long được in trên tờ tiền 10.000 đồng.

Mỏ dầu Bạch Hổ thuộc bồn trũng Cửu Long nằm ở vị trí đông nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km. Đây là mỏ cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Việt Nam hiện nay.

Nhà máy thủy điện Trị An, được xây dựng trên sông Đồng Nai được in lên tờ tiền 5.000 đồng.

Nhà máy được hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991.

Tờ 2000 đồng là hình ảnh các cô công nhân đang làm việc tại Nhà máy dệt Nam Định. Đây từng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương.

Sự ra đời của nhà máy đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân hình thành và lớn mạnh không ngừng.

Tờ 1000 đồng là hình ảnh người lao động cưỡi voi khai thác gỗ tại Tây Nguyên.

Tờ 500 đồng là hình ảnh cảng Hải Phòng. Đây là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam.

Trên tờ 200 đồng là hình ảnh người nông dân đang lao động trên cánh đồng tại làng quê Việt Nam.

Hình ảnh trên tờ 100 đồng là tháp tại chùa Phổ Minh (thôn Tức Mặc, Nam Định).

Ngôi chùa này từng sở hữu chiếc vạc lớn - một trong 4 báu vật của Việt Nam (An Nam tứ đại khí).

Theo Hà Thành/Kinhtedothi.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load