(Xây dựng) - Thời khắc đất trời bắt đầu vòng quay mới, sắc xuân rực rỡ, vui tươi rộn rã khắp bản làng, hơi ấm rạo rực, len lỏi từng căn bếp nhỏ, sưởi ấm lòng người, cũng là lúc bản vùng cao đón Tết.
Trò chơi dân gian giúp bà con trong bản gắn chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, sôi nổi đón chào Xuân năm mới. |
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc xã Ngọc Chiến nói chung và dân tộc Thái nói riêng lại tập trung chuẩn bị đón Tết đầm ấm vui vẻ, sum vầy bên người thân và gia đình. Trong không khí rộn ràng cuối năm, ngoài mua sắm quần áo, trang phục rực rỡ sắc màu, áo cóm, xà tích để trẩy hội, bà con dân tộc Thái còn sắm sửa đồ gia dụng mới cho ngày Tết. Từ 25 tháng 6 theo lịch Thái (tức ngày 25 tháng Chạp, âm lịch), cả bản hay nhóm dân cư cùng tổ chức lao động cộng đồng để dọn dẹp, sửa sang đường làng, ngõ xóm và công trình công cộng để có một diện mạo mới, khang trang đón Tết.
Bà Cà Thị Lợi, người dân tộc Thái sinh sống tại xã Ngọc Chiến chia sẻ: Tết cổ truyền của đồng bào Thái mang bản sắc riêng, độc đáo. Ngày 29 Tết, các mẹ, các chị người Thái quét dọn sạch sẽ trên sàn, dưới gầm sàn nhà chuẩn bị đón ông bà tổ tiên về ăn Tết. Bà con rất phấn khởi và luôn gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác.
Theo tục lệ, tối 29 Tết, người Thái bắt đầu gói bánh chưng, loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên của người Thái. Ngày 30 Tết, các nhà luộc bánh chưng, làm món đặc sản của dân tộc mình, mổ lợn và chuẩn bị lễ cúng tổ tiên. Người Thái quan niệm rằng, cỗ cúng Tết phải đầy đủ, nhiều thịt, nhiều cá... thì tổ tiên mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng mới no quanh năm. Đây cũng là dịp để con cháu mang sản vật ngon nhất biếu ông bà, cha mẹ, mời anh em, bạn bè, tổ chức ăn uống. Trong bữa ăn, người ta chúc tụng nhau, cầu cho nhau sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.
Đặc biệt, đêm 30 Tết, đồng bào Thái thức trọn đón Giao thừa. Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy con gì kêu trước để phán đoán vận hạn cho năm mới. Trong đêm Giao thừa, lúc chuyển sang ngày mùng 1 của năm mới, đồng bào dọn mâm đặt lên bàn thờ cúng cho ông bà ăn cơm trước bản, trước mường.
Trong mấy ngày Tết, mỗi nhà sẽ tổ chức ăn Tết vào một ngày, mời anh em họ hàng và hàng xóm thân thuộc. Tết bắt đầu từ ngày mùng 1 cho tới mùng 10, người dân nô nức đi chơi xuân. Đây cũng là lúc không khí trong bản làng nhộn nhịp nhất với những trò chơi truyền thống như đánh quay, ném pao, múa xòe... Hấp dẫn và thu hút nhiều người tham gia nhất là trò chơi ném còn. Mỗi đội sẽ có 2 người chơi, một bên nam, một bên nữ, bên này tung, bên kia đón bắt, trao đi đổi lại, vừa tung còn, vừa trò chuyện vui vẻ, hát giao duyên. Tết cổ truyền còn là dịp gắn kết tình cảm, kết nối nhân duyên cho những chàng trai, cô gái trên mảnh đất xinh đẹp này.
Phong tục đón Tết của các dân tộc dù khác nhau ở tục lệ nhưng gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng. Đây không chỉ là dịp để đồng bào được ăn ngon, mặc đẹp mà còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, qua lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp và hưởng thụ thành quả sau một năm lao động vất vả để bước vào năm mới may mắn và thành công, ước vọng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết: Đến nay, xã đã và đang chỉ đạo ban hành các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; trang hoàng đường làng, ngõ bản, vận động Nhân dân vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp để đón Tết. Sau khi thực hiện xong nghi lễ ở gia đình, tổ tiên thì tất cả bà con sẽ về tại hội quán của xóm cùng thực hiện một mâm cúng ở bản để cầu mong một năm mới an vui, mạnh khỏe, Nhân dân đoàn kết. Đây chính là nét độc đáo rất riêng của đồng bào dân tộc Thái. Đảng ủy, chính quyền xã và Nhân dân vẫn đang thực hiện, gìn giữ những nét đẹp của dân tộc Thái tại địa phương”.
Phượng Nguyễn
Theo