Chủ nhật 26/01/2025 16:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Chuyện rác ngày Xuân

09:26 | 25/01/2025

(Xây dựng) - Ở phố xá nhưng nhà ông Thìn vẫn giữ nếp quê. Đón Xuân vẫn luộc nồi bánh chưng, nén hũ dưa hành, sắm sanh đủ hương vị bữa cơm ngày Tết cổ truyền nên bận rộn. Tay thu dọn 3 cụ đầu rau bằng gạch thay kiềng, quét dọn củi lửa ở cái bếp dựng tạm cuối sân nhìn ông Thìn như người vừa đi đánh vật; mồ hôi tứa ra nhìn rõ vết ẩm trên vai chiếc áo pho tá cũ từ thời binh nghiệp.

Chuyện rác ngày Xuân

Rác rưởi thu về mỗi thứ để riêng một sọt, rất cẩn thận, ngắm nghía thành quả lao động của mình và tỏ ra đắc ý. Bà Tỵ - vợ ông Thìn - vừa đi chợ phường về mua được cành đào phai rẻ hớn hở định khoe, nhưng nhìn thấy thế, bà loa loa:

- Vẽ! Ông xem cả xóm trút rác vào túi nhựa chất đầy ở gốc xà cừ kia kìa.

Ông Thìn giật mình, nhìn vợ. Đôi mắt chân chim nheo nheo chẳng rõ khóc hay cười, miệng chậm rãi như nhả từng con chữ.

- Ai vô ý thức thì nhắc họ, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Không nên ích kỷ, sạch nhà bẩn ngõ. Rác rưởi ùn lên đầu ngõ, ruồi nhặng, chuột bọ kéo về, mùi hôi thối đánh vào khu dân cư có chừa nhà ai đâu!

- Tôi nói là rác chỉ cần dồn vào một cái sọt, không phải bày ra nhiều sọt, mua việc vào thân.

- Sao lại mua việc vào thân! Phân loại rác tại nguồn là ích nước lợi nhà.

- Chiều nay, tôi với ông đánh cuộc phen này. Ba cái sọt rác mà ông kỳ công phân loại kia, người ta đổ hổ lốn vào đáy cái xe đẩy tay, ấn tuốt vào thùng ôtô tải chuyên dụng chở vào xã Vũ Oai chôn lấp.

- Công ty Môi trường chưa đầu tư xe riêng chở từng loại rác, là ta chưa phân loại rác tại nguồn triệt để. Khi mọi nhà phân loại rác tại nguồn thì họ sẽ đầu tư đồng bộ, đâu vào đó từ vận chuyển đến khâu xử lý; và chuyên môn hóa, chỗ này đốt rác phát điện, chỗ kia chế biến phân vi sinh, còn nghiền bát đĩa vỡ chai lọ thủy tinh đóng gạch không nung, kinh tế tuần hoàn...

Ối giời ơi! Ông Thìn chồng tôi sắp xuống lỗ bỗng thành nhà khoa học lớn rồi! Viển vông!

Cô Mùi tan ca về, thấy bố mẹ chồng tranh luận, tiến gần 3 cái sọt rác bằng nhựa màu xanh lá cây, có nắp đậy cao hơn đầu gối. Cô xoa xoa cái nắp thùng, nói lấy lệ: Nom xinh bố mẹ nhỉ. Rồi lựa lời: Mẹ ơi! Bố con nói đúng đấy. Thành phố đang chỉ đạo phường xã phân loại rác đầu nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm nay đấy ạ! Nhà con, anh ấy bảo, tỉnh ta và nhiều địa phương trong cả nước không ít nhà đầu tư xây dựng lò đốt rác mà không đốt được vì rác không phân loại tại nguồn.

Bà Tỵ hừ một tiếng bảo, nó đầu tư thất cách mới đổ ra vậy!

Lúc này, ở ngoài cổng, ông Tuất khu trưởng đi ngang qua thấy nhà ông Thìn bà Tỵ to tiếng thì ghé vào, lên tiếng: Nhà ông Thìn bà Tỵ có sự gì vậy?

Cô con dâu ông bà Thìn Tỵ đon đả khoe: Cháu pha ấm trà hoa vàng sản phẩm Ocop Ba Chẽ, để nguội mà bố mẹ cháu không uống, còn đang tranh luận việc phân loại rác sinh hoạt, mời ông vào xơi nước ạ!

May có người chia sẻ, ông Thìn bảo, bà Tỵ nhà tôi gàn dở. Có nặng nhọc gì đâu, rác thải hằng ngày thải ra, gốc rau, cơm thừa canh cặn đổ riêng một sọt; chai lọ, bát đĩa vỡ bỏ vào một sọt; giấy vở, hộp bìa bỏ vào một sọt. Phân loại rác đầu nguồn có vậy….!

Bà Tỵ đành hanh: Có ông gàn dở. Ông nhìn nhà cái Dậu 3 - 4 túi chứa từng loại rác khác nhau mang ra ngõ thì dịch vụ thu gom rác họ đổ chung vào một xe ba gác, đẩy ra ngõ họ lại ném tuốt vào một khoang xe tải. Có rác nào xe ấy đâu…

Ông Tuất ngồi bên ấm trà, bộ bàn ghế giả gỗ kê ngay dưới mái vẩy đua ra khoảng trống sân vườn, chùm phong lan phía trên đu đưa theo gió, chậu hoa nhài Nhật khoe sắc dưới ánh nắng xuân; tay cầm chén nước trà hoa vàng óng ánh, nhưng đưa lên rồi đặt xuống không uống, đoạn hỏi han xã giao ngày Tết rồi bảo: Bà Tỵ nói có lý, hiện thành phố ta còn tồn tại vấn đề đôn đốc cơ quan, nhà trường, tổ dân phố phân loại rác tại nguồn. Thành phố đang nghiên cứu kêu gọi đầu tư. Giờ ta phải vận động bà con dân phố thực hiện nghiêm việc phân loại rác trong nhà mình.

Ông Thìn được đà, đúng quá! Văn hóa phân loại rác đầu nguồn bên Tây họ đi trước ta hàng trăm năm. Ta thiếu sự nhận thức về phân loại rác ngay từ cán bộ và kéo dài nhiều thập kỷ, tạo sức ỳ và hậu quả xấu.

Ông Tuất khu trưởng từng làm cán bộ Quản lý đô thị ở Thành phố Hạ Long, thuận mồm kể chuyện cũ: Hậu quả tồi tệ rác không phân loại ở thành phố ta từng xảy ra. Năm 2006, Công ty CP Xử lý chất thải HonGay đầu tư trên 80 tỷ đồng (thời giá khi ấy) xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở khu 4, phường Hà Khánh với công suất xử lý 150 - 250 tấn rác/ngày. Công nghệ sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế, lên men hiếu khí tốc độ cao với hệ thống thiết bị Bioreactor, kiểm soát và điều khiển được nhiệt độ, độ ẩm, ôxy... nhưng thất bại chỉ vì rác không được phân loại đầu nguồn.

Ông Thìn tham gia: Công nghệ sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế khi ấy chẳng rõ ai cấp phép chứng nhận đánh giá tác động môi trường, mà hôi thối lắm. Sống gần nhà máy xử lý rác ấy, dân khu 4, phường Hà Khánh kiện lên kiện xuống, sự ấy tôi biết.

Ông Tuất nêu: Nhà máy ấy phải giải nghệ phần vì không đảm bảo an toàn môi trường; rác không được phân loại, sản xuất ra phân vi sinh không hợp quy, không có thị trường tiêu thụ.

Bà Tỵ dịu giọng: Năm ấy, khốn khổ cho thằng con nhà tôi, vừa vào làm việc ở phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ, nhận phân vi sinh mà Thành phố Hạ Long tài trợ về phân phát cho bà con nông dân bón cây trồng để xóa đói giảm nghèo, nào ngờ lúa chết, mùa màng thất thu.

Ông Tuất phân tích: Phân vi sinh chế biến từ rác thải sinh hoạt đô thị không được phân loại đầu nguồn còn dư hóa chất độc hại, không đủ phẩm cấp để bón cây.

Ông Tuất khẳng định: Phân loại tại nguồn, không máy móc nào thay được con người. Ngay chính thành phố ta, bài học đắt giá năm 2015, Tập đoàn Indevco xây dựng tại xã Vũ Oai 3 lò đốt 900 tấn rác/ ngày, còn xây thêm một lò đốt rác thải y tế, đã đầu tư trên 850 tỷ đồng, giờ thành đống sắt vụn, gần triệu khối rác tích về chờ đốt nay vẫn chôn tạm.

Ông Thìn trầm giọng: Nhà máy rác Hà Khánh và Nhà máy rác Vũ Oai xây dựng không thành, trong đó có lỗi rác không phân loại tại nguồn.

Ông Tuất lên tiếng:

- Lãnh đạo thành phố đã biết, đang tính toán phương án xử lý thích hợp. Nếu huy động 3 xe tải lớn cùng đến một khu dân cư chở 3 loại rác khác nhau thì không đủ tải, xe chở chuyên một loại rác đi khắp thành phố thu gom thì chi phí vận tải lớn. Rác nào xử lý theo dây chuyền công nghệ ấy, một hệ thống xử lý rác thải khép kín, tái tạo ra một chuỗi sản phẩm tuần hoàn: Chế biến phân vi sinh; nghiền chất thải rắn thành vật liệu xây dựng, gạch không nung, thành hạt nhựa tái sinh; rồi đốt rác phát điện. Thành phố đang kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác theo hướng ấy, đã có 8 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xin đầu tư. Thành phố đã báo cáo tỉnh xin lựa chọn nhà đầu tư lập dự án khả thi.

Ông Thìn nhớ lại phiên tiếp xúc cử tri gần đây của HĐND tỉnh, có ý kiến nêu, dù dự án đầu tư ngoài ngân sách vào xử lý rác thải phải thẩm định kỹ, tránh đầu tư nhầm công nghệ, kéo dài tình trạng không có cơ sở xử lý rác bền vững, mất vệ sinh môi trường.

- Phải đấy! Đề nghị thành phố sáng suốt lựa chọn công nghệ phù hợp, rút kinh nghiệm từ thất bại của 2 nhà máy trước, ông Tuất nói.

Ông Thìn còn đưa ra thông tin, nhà máy rác Khe Giang đầu tư thiết bị trong nước mà đốt được rác. Rác chở về đổ luôn vào lò không cần phân loại mà tự cháy rừng rực. Họ đang xử lý rác cho Uông Bí, Quảng Yên và khu vực phía Tây thành phố. Vấn đề là đầu tư công nghệ nào phù hợp với loại rác phổ thông ở địa phương. Nhưng rác phải được phân loại tại nguồn.

Thuận miệng, ông Thìn còn đưa ra sự bất cập trong cơ chế chính sách xử lý rác mà tai mình đã từng nghe. Mỗi địa phương duy nhất chỉ có một nhà máy xử lý rác mà cũng buộc phải đấu thầu. Phiên đấu thầu diễn ra diệu vợi, hình thức, không có nhà thầu thứ hai tham gia. Đơn giá bất cập, năm 2015, giá đốt rác ở Thành phố Uông Bí là 410.000 đ/tấn, đến năm 2023 lương lậu tăng, vật tư tăng… giá đốt rác hạ, còn 379.545 đ/tấn. Hiện thành phố ta xử lý nước thải ngân sách đầu tư 100%, rác thải thì vậy.

Ông Tuất chưa để ông Thìn nói hết câu đã chêm vào: Cả về cơ chế đấu thầu dịch vụ vận chuyển, cứ vậy thì chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư, đổi mới phương tiện vận tải rác. Họ bỏ tiền tỷ ra mua dàn xe chở rác chuyên dụng cỡ nhỏ, luồn lách vào ngõ phố, năm sau trượt thầu, cỗ xe ấy bán đồng nát không đắt, dẫn đến sự “ăn xổi ở thì”. Bà con khu phố công phu phân loại rác tại nguồn, rác đưa ra đầu ngõ lại đổ ráo vào một thùng xe lớn chở đi, rõ là công cốc.

Tới đây khu phố ta sẽ phản ánh những vấn đề còn bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải với Đại biểu HĐND tỉnh phiên tiếp xúc gần nhất, mọi người cùng nhất trí nhưng trước mắt phải tự giác phân loại rác tại nguồn mà Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Cô Mùi con dâu ông Thìn, bà Tỵ quét lá rụng cuối sân tỏ ý tán thành; bà Tỵ dịu xuống ý ả trong lòng chưa thông, nhưng dần hiểu ra rác cần phân loại tại nguồn mà ông Tuất khu trưởng giải thích nghe có tình có lý.

Mùa Xuân đã về. Đề án “Hạ Long - thành phố của hoa” khởi sắc; vườn hoa, đường hoa… nơi nơi hoa khoe sắc, rung rinh trong gió, câu chuyện về phân loại rác tại nguồn ở căn nhà của ông Thìn bà Tỵ góp phần làm sạch đẹp đô thị, bỗng trở thành nét đẹp đón Tết đến Xuân về.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
  • Dự thảo Nghị định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước

    (Xây dựng) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Di sản Thành nhà Hồ

    (Xây dựng) - Ngoài miễn vé tham quan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc chào đón năm mới.

  • Hà Nội ngửa mặt mà thương

    (Xây dựng) - Rất nhiều người một đời xa Hà Nội chỉ muốn trở về, đi ngang qua các con phố để tìm cho mình những điều giản dị. Những ô cửa xanh, ban công rêu phong nhuốm màu xưa cũ, như một nét hoài niệm về một Hà Nội không còn trẻ, mà ngắm mãi không chán. Khi tầng một tràn ngập ánh sáng neon, tiếng còi xe, và nhịp sống hối hả, thì tầng hai lại mang vẻ thanh bình, trầm mặc với những ban công uốn lượn, khung cửa chớp xanh cổ kính, và những chậu cây xanh buông mềm mướt mát. Tầng hai của những ngôi nhà phố cổ Hà Nội là một thế giới riêng, tách biệt khỏi ồn ào và xô bồ bên dưới.

  • Đề xuất quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

    (Xây dựng) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập.

  • Lạng Sơn gìn giữ văn hóa truyền thống

    (Xây dựng) - Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh khai thác giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch. Toàn tỉnh có hơn 280 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm; trải qua các thế hệ, nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa được gìn giữ, bảo tồn, phát huy, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

  • Hải Phòng: Khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ quận An Dương

    (Xây dựng) - Ngày 24/1, quận An Dương (Hải Phòng) tổ chức khánh thành Dự án xây dựng, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, đây là công trình kiến trúc văn hóa biểu trưng nhân dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chào đón Xuân Ất Tỵ - 2025.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load