(Xây dựng) - Đây không phải là lần đầu chúng tôi đến Hòa Bình, nhưng là lần đầu đến huyện Mai Châu. Xe băng qua dốc Cun, đèo Thung Nhuối quanh co, hiểm trở, chúng tôi được ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ núi đồi Mai Châu với thung lũng ngút ngàn xanh của đồng ruộng, xa xa thấp thoáng những nếp nhà nằm nép mình bên dãy núi phủ kín chân mây.
Bản Lác là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình. |
Điểm du lịch hấp dẫn không nên bỏ qua khi đến Mai Châu là bản Lác. Con đường nhựa nối từ thị trấn vào bản Lác như sợi chỉ đen lọt thỏm giữa màu xanh của những cánh đồng lúa. Bản Lác, với hình ảnh khói lam chiều, cuốn hút chúng tôi từ cái nhìn đầu tiên. Nơi đây được gọi bằng cái tên "bản mờ sương".
Qua tìm hiểu, bản Lác có tuổi đời trên 700 năm, là nơi sinh sống của đồng bào người Thái với năm dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác và Lộc. Ở nơi đây, người dân không chỉ biết làm ruộng, làm nương, họ còn tận dụng lợi thế từ thiên nhiên để làm du lịch.
Vừa đặt chân tới bản, vẻ đẹp thung lũng độc đáo, cùng văn hoá truyền thống giàu bản sắc của dân tộc Thái tạo cho chúng tôi ấn tượng thú vị. Đó là sự cuốn hút văn hoá ẩm thực với các món ăn truyền thống như xôi tím, thịt lợn nướng, cơm lam, cá suối nướng, rượu cần... đặc biệt là hình ảnh nhà sàn độc đáo, đưa bản Lác thành điểm sáng du lịch trên cả nước.
Đến với bản, tôi cùng một số người bạn không khỏi ngạc nhiên với dãy nhà sàn làm bằng gỗ được thiết kế với không gian nhà cao ráo bên cạnh nét kiến trúc truyền thống được gìn giữ từ bao đời. Chúng tôi đã đi nhiều vùng miền núi Tây Bắc, nhìn thấy nhiều nhà sàn, nhưng chưa ở đâu nhà sàn lại được đầu tư quy mô đến vậy. Không chỉ đơn thuần là nhà gỗ, từ khi bản phát triển du lịch, người dân đã tự nâng cấp nhà của mình đẹp hơn, hiện đại hơn, hướng tới trở thành những “khách sạn” gỗ đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao được đánh số thứ tự, đồng thời đưa vào loại hình dịch vụ homestay (nghỉ tại nhà dân) được trang bị đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn giữ vẻ đẹp mộc mạc, nguyên thủy. Điều này cũng góp phần thu hút nhiều du khách dừng chân, trong đó, có lượng lớn du khách nước ngoài.
Điều dễ nhận thấy khi dừng chân tại những “khách sạn” này là bên trên được trang bị đầy đủ nội thất tiện nghi, sát cạnh sàn ngủ - nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm, uống trà, còn bên dưới chân nhà sàn, các cô, các bà dân tộc Thái miệt mài bên khung cửi, là nơi bán đồ lưu niệm do người Thái làm ra như khăn Piêu, váy, ví, áo thổ cẩm… tạo nên một không gian du lịch sinh động, đặc trưng của bản Lác.
Khi màn đêm buông xuống, bên bếp lửa ấm cúng, chúng tôi được đắm mình trong điệu xòe, nhảy sạp của chàng trai, cô gái Thái, thưởng thức men rượu cần ngất ngây lòng người.
Tuy không biết nhảy, nhiều lần bị vấp ngã nhưng mọi người rất thoải mái, vui vẻ với trải nghiệm thú vị này. Chỉ một ngày đêm tại bản Lác, Mai Châu, tôi có cảm giác thật khó quên. Đâu đó trong đêm, những câu thơ đã đi vào huyền thoại của nhà thơ Quang Dũng lại vọng về, hoà trong sương giăng trước mặt và vách núi dựng âm u: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Khi Mai Châu tràn ngập sắc màu của hoa mận trắng và hoa đào rừng đỏ thắm trong tiết trời đông, cũng là lúc báo hiệu mùa Xuân đến. Mai Châu đẹp như một bức tranh. Hoà trong giai điệu của tiếng khèn, tiếng suối ngân vang khắp bản làng, người dân bản Lác, Mai Châu lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa du lịch Tết, đón du khách về bản, để rồi mỗi lần ra về, hình ảnh về cảnh đẹp và sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây luôn đọng lại trong tâm trí chúng tôi, trong lòng mỗi du khách.
Khi lên xe về Hà Nội, ngoài những bức ảnh chụp, chúng tôi còn kịp thuộc và ngân nga vài câu hát về Mai Châu: “Những cánh hoa rừng nở thắm trong nắng mai, tiếng hát, tiếng khèn ngân vang khắp nơi, nghe xao xuyến lòng người. Xuân đã về đẹp lắm!” như để giữ lại kỷ niệm một lần đến với bản Lác, Mai Châu (Hoà Bình), ngắm vẻ đẹp thanh bình bản mờ sương nép mình bên phố núi. Hẹn gặp lại nhé, Mai Châu ơi!
Linh Đan
Theo