Thứ tư 15/01/2025 11:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đầu tư mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên:

Dự án “rùa” đội giá khủng

10:09 | 30/10/2014

(Xây dựng) - Hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân, nhưng sau hơn 7 năm kể từ ngày khởi công và tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa thể hoàn thành.


Buồn với thảm cảnh dự án.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 342/TTg - CN ngày 01/4/2005. Trên cơ sở này, ngày 05/10/2005 HĐQT TCty Thép Việt Nam có Quyết định số 684/QĐ - ĐT phê duyệt Hồ sơ Báo cáo đầu tư Dự án. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn tự có 375 tỷ (chiếm 10%), vốn vay từ nguồn tín dụng ưu đãi Nhà nước 1.605 tỷ (chiếm 42%) và vốn vay thương mại 1.863 tỷ (chiếm 48%).

Dự án này do Cty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (gọi tắt là MCC) làm tổng thầu.

Chậm tiến độ

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên được động thổ, khởi công ngày 29/9/2007. Dự kiến công trình nghiệm thu và chạy thử vào năm 2011. Thế nhưng, đến nay, thời điểm gần hết năm 2014, đại công trường được ưu ái này vẫn ngổn ngang…

Theo số liệu từ chủ đầu tư, tính đến nay, khối lượng thi công đã hoàn thành của dự án như: phần cung cấp thiết bị (P) phía tổng thầu (MCC) thuộc Tập đoàn luyện kim lớn của Trung Quốc đã cấp đến công trường tổng số 35,8 ngàn tấn thiết bị, số còn lại là 526 tấn thiết bị, bao gồm điện và vật liệu chịu lửa cho nhà máy luyện thép. Theo cam kết, kết thúc ngày 30/6/2014 phía Tổng thầu MCC sẽ cung cấp hết phần thiết bị còn lại chuyển đến công trường bàn giao cho chủ đầu tư là Tisco quản lý.

Đối với phần xây lắp (C), trên toàn công trường đã thi công được 140/163 tiểu hạng mục, trong đó, phần bê tông toàn công trường đạt 77%; kết cấu thép của toàn dự án đạt 18.285 tấn và khối lượng kết cấu thép đã chuyển đến công trường đạt 60,3%.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra và lý giải cho sự chậm tiến độ của dự án, trong đó có những nguyên nhân được coi là muôn thuở như chủ đầu tư, nhà thầu yếu năng lực, thiếu vốn, giá thị trường liên tục thay đổi…

Để tháo gỡ khó khăn về hạng mục xây dựng và cứu lấy sự chậm trễ về tiến độ của Dự án Tisco giai đoạn 2, Chính phủ đã có chỉ đạo cho phép tách riêng phần C (xây dựng và lắp đặt của hợp đồng EPC số 01).

Căn cứ vào đây, TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) đã được giao cho thực hiện phần này. Chi phí được thực hiện theo thực tế thi công. Vì việc lựa chọn này nên đến ngày 30/9/2012 (nghĩa là sau gần 2 năm khởi công) thì Dự án mới bắt đầu được… tái khởi động và chính thức bắt đầu tiến hành thi công xây dựng.

Thế nhưng, dù có sự hợp tác của VINAINCON thì với nhiều nguyên nhân khác chưa được giải quyết nên tiến độ thực hiện cũng không khá hơn là bao. Cực chẳng đã chủ đầu tư - Cty CP Gang thép Thái Nguyên - đã phải mời thêm các nhà thầu khác vào thi công mà chủ yếu là LILAMA thay thế nhà thầu đầy tiềm năng VINAINCON cùng 9 nhà thầu khác.

Điều trớ trêu là nhà thầu đầy tiềm năng và kỳ vọng, trong đó có Cty CP LILAMA 10 đã một lần nữa đem lại sự thất vọng. Hối thúc, giục giã một thời gian thì cuối cùng, sau khoảng hơn 1 năm thi công, chủ đầu tư đã phải thu hồi lại 2/3 hạng mục do LILAMA 10 đảm nhận. Lúc này, "bức màn bí hiểm” về việc bán thầu đã bắt đầu lộ diện.

Và chủ đầu tư dù có “rất cố gắng” khắc phục những hậu quả về chậm tiến độ của dự án thì đến tháng 7/2014 phần xây lắp (C) cũng mới thi công thêm 3 tiểu hạng mục, đưa tổng số tiểu hạng mục đã thi công từ 137 lên 140/163 tiểu hạng mục.

Theo quan sát của PV Báo Xây dựng, trên công trường, những khu đất hoang lạnh cỏ mọc um tùm, lầy lội, bên cạnh đó là những cột, trụ bê tông thi công dang dở, xa xa có lác đác một vài công nhân thi công. Ở nhiều mố bê tông, phần lõi thép nhô lên đã bị hoen gỉ.

Tổng mức đầu tư tăng gấp đôi

Không những chậm trễ về tiến độ, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên còn “nổi tiếng” về việc đội giá.

Theo Báo cáo số 760/BC-GTTN ngày 08/7/2014 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên, tổng số tiền đã giải ngân cho dự án đến ngày 30/6/2014 là 4.554,7 tỷ đồng, trong đó: Vốn tín dụng Nhà nước đã ký HĐTD là 1.404,1 tỷ đồng, vốn vay thương mại từ Viettinbank là 1.733,8 tỷ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư là 1.416,7 tỷ đồng.

Trước đó, chưa đầy 2 năm sau lễ động thổ được tổ chức khá quy mô, ngày 16/11/2009, HĐQT Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã ra Quyết định số 66/QĐ - HĐQT để phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu chính của dự án.

Căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 900/BXD - KTXD ngày 01/6/2012, ngày 17/8/2012 Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã có Công văn số 759/GTTN – KTTC đề nghị xin ý kiến chấp thuận phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư Dự án lên 8.104.907.173.163 đồng (hơn 8,1 nghìn tỷ đồng).

Từ hơn 3,8 nghìn tỷ đồng theo tổng mức đầu tư được phê duyệt, đến thời điểm 30/6/2012, nghĩa là chỉ sau gần 3 năm đi vào thực tế xây dựng, số tiền đầu tư cho dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã tăng lên đến trên 8,1 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói là trên thực tế, hơn 2 năm nữa đã tiếp tục trôi qua, số tiền đầu tư đã được nâng lên nhưng đến thời điểm này (tháng 10/2014) Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn đang được tiến hành… hết sức chậm.

Điều băn khoăn là, dù tăng vốn đầu tư khủng như vậy, song thời điểm hiện tại chưa ai, chưa cơ quan chức năng nào có thể khẳng định được thời điểm đến bao giờ Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên được hoàn thành.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load