Thứ tư 24/04/2024 23:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng bằng sông Cửu Long kết nối hành lang đô thị công nghiệp toàn vùng

17:25 | 21/06/2022

Đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng mới và nâng cấp 830 km đường cao tốc, 4.000 km quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa.

dong bang song cuu long ket noi hanh lang do thi cong nghiep toan vung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, ngày 21/6. (Ảnh: Vietnam+)

Chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh đồng thời lấy con người làm trung tâm, là tiền đề để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường.

Đây là một trong những điểm đột phá chiến lược, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phác họa trong bức tranh tổng thể về thời cơ và vận hội mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, ngày 21/6.

Biến thách thức thành cơ hội

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và 13 địa phương trong vùng cùng các đối tác phát triển, như tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến các chuyên gia trong nước và ngoài nước am hiểu vùng, để xây dựng bản quy hoạch có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Dũng, Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho khu vực.

Với mục tiêu nêu trên, Chiến lược đề ra định hướng biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.” Cụ thể, mô hình tăng trưởng sẽ chuyển đổi theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ. Kinh tế vùng sẽ được đẩy mạnh cơ cấu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh, công nghiệp năng lượng sẽ là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

dong bang song cuu long ket noi hanh lang do thi cong nghiep toan vung
Thu hoạch tôm nuôi quản canh ở Bạc Liêu. (Ảnh: Võ Dũng)

Một trong những điểm nhấn quan trọng được ông Dũng nêu đó là sự thay đổi tư duy đối với an ninh lương thực, chuyển từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.

Trên cơ sở đó, các mô hình phân tán, nhỏ lẻ trước đây sẽ được chuyển sang phát triển tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực, trung tâm đầu mối nông nghiệp được xác định trong quy hoạch.

Kết cấu hạ tầng làm bệ đỡ

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Dũng cho biết chiến lược đi vào tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. Đặc biệt là chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, tại các tuyến kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ (thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai).

Cụ thể, tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển. Đến năm 2030, toàn vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, 4.000 km đường quốc lộ, 04 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Theo lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư, chiến lược tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp, theo đó phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền-sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

dong bang song cuu long ket noi hanh lang do thi cong nghiep toan vung
Du lịch sinh thái trên những mô hình nuôi tôm ở Bạc Liêu. (Ảnh: Thu Đông)

“Toàn vùng sẽ mở rộng giao thương với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công, trên quan điểm thống nhất thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử-dân tộc-sông nước đặc thù của vùng tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi.

Ngân sách sẽ hỗ trợ 320 nghìn tỷ đồng

Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, vị tư lệnh ngành cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực; Xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn; Quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng.

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Dũng cho hay trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng và tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 178 nghìn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương là 82 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, nguồn vốn nước ngoài (ODA) thu hút 60 nghìn tỷ đồng (trong đó 46 nghìn tỷ đồng khoản hỗ trợ DPO) và chiếm 30% tổng ODA cả nước trong giai đoạn 2021-2025, trong khi con số tương ứng giai đoạn 2016-2020 là 7,6%.

dong bang song cuu long ket noi hanh lang do thi cong nghiep toan vung
Đờn ca tài tử. (Ảnh: Thu Đông)

“Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 460 nghìn tỷ đồng,” Bộ trưởng Dũng nói./.

Để thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức Lễ công bố cam kết tài trợ thực hiện các dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các tổ chức quốc tế tại Hội nghị hôm nay./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load