Thứ bảy 28/12/2024 17:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đằng sau vụ doanh nghiệp tố thẩm phán vi phạm pháp luật: Liệu có phải chiêu trò?

14:50 | 17/03/2020

(Xây dựng) - Sau khi đăng tải một số bài viết liên quan tới việc Công ty Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh tố cáo thẩm phán Lê Thị Phơ, Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật, Báo điện tử Xây dựng đã được bạn đọc cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin. Trong đó, có thông tin từ chính người từng là Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú, người trực tiếp ký các văn bản giấy tờ liên quan tới việc mua bán tài sản đấu giá là Dự án Khu dân cư Hoà Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ông Đặng Bình Anh Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú nói gì về những góc khuất đằng sau vụ kiện tụng này.

dang sau vu doanh nghiep to tham phan vi pham phap luat lieu co phai chieu tro
Ông Đặng Bình Anh Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú, số 39B, Ngô Quyền, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

PV: Ông đã công tác tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) từ thời điểm nào và giữ chức vụ gì?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Tôi công tác ở Công ty Thiên Phú hơn 16 năm, tới cuối năm 2017 tôi mới nghỉ việc. Lúc đó, Công ty Thiên Phú không còn dự án nữa, không còn việc gì để làm nên tôi xin nghỉ. Tôi là Phó Giám đốc của Công ty Thiên Phú, tôi được ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Công ty uỷ quyền bằng văn bản cho ký các văn bản liên quan đến hồ sơ pháp lý dự án và tham gia ký các văn bản, hợp đồng liên quan đến việc đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư Hoà Lân. Tôi là người tham gia phiên đấu giá, được toàn quyền quyết định và trực tiếp ký biên bản đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

PV: Dự án Khu dân cư Hoà Lân được tỉnh Bình Dương giao cho Công ty Thiên Phú từ năm nào?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty Thiên Phú chủ trương thực hiện dự án từ năm 2002. Lúc đó chỉ có khoảng 12ha, sau này mới mở rộng dần ra. Năm 2007, đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lần cuối cùng là 55,6ha.

PV: Tại sao dự án 55,6ha mà lúc đem ra đấu giá chỉ có hơn 49ha?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Vì còn lại những diện tích chưa bồi thường xong. Phần này thì Công ty Kim Oanh sau này đã thực hiện gần như là hoàn tất các thủ tục đền bù phần da beo đó.

PV: Vậy tài sản thế chấp trong Ngân hàng là 49ha hay 55,6ha?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Vì đối với bên Công ty Thiên Phú là tài sản hình thành từ vốn vay, tức là sổ mình bồi thường bao nhiêu thì mình cầm cố cho Ngân hàng bấy nhiêu. Tức là, lúc cầm trong Ngân hàng chỉ mới bồi thường được 49ha. Phần còn lại gần 6ha, sau khi mua trúng đấu giá dự án, Công ty Kim Oanh đã bồi thường rồi.

PV: Là người trực tiếp tham gia phiên đấu giá và ký những giấy tờ quan trọng, ông cho biết, có điều gì khuất tất từ phiên đấu giá hay không?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Phiên đấu giá diễn ra một cách minh bạch, không có việc gì khuất tất cả. Ngay cả khi ông Bùi Thế Sơn ủy quyền cho tôi, cũng hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

PV: Vậy ông nghĩ sao về những thắc mắc, khiếu nại của Công ty Thiên Phú liên quan đến quá trình bán đấu giá tài sản?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Lúc tôi tham gia trực tiếp, thì không có ai có thắc mắc hay khiếu nại gì. Nhưng sau đó một thời gian, từ 2017 – 2019, thì có một nhóm lợi ích nhảy vào, khởi kiện nhằm chiếm đoạt lại cái dự án này. Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp đã nói rõ việc tố cáo của Thiên Phú là không có cơ sở, đấu giá hợp pháp, nhưng không biết vì chiêu trò gì, mà giờ Thiên Phú lại được khởi kiện ở Toà án nhân dân quận 7. Bản thân tôi là người trong cuộc, được 1% vốn góp trong vốn điều lệ của Công ty Thiên Phú. Việc đấu giá ông Sơn đã uỷ quyền cho tôi, giờ ông ấy lại tố cáo tôi tự quyền ký giấy tờ. Tôi đã đưa ra bằng chứng về việc này. Tôi nghĩ đó cũng là một chiêu trò của ông Sơn, nhằm đánh tất cả các hướng để chiếm đoạt lại tài sản của Công ty Kim Oanh.

PV: Tại thời điểm ông đang làm việc, có thông tin cho rằng, Công ty Thiên Phú rao bán tài sản đã được Công ty khác mua trúng đấu giá. Sự thật về thông tin này thế nào?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Tôi đã trao đổi thông tin này với ông Sơn thì ông ấy nói là bán dùm cho Công ty Kim Oanh. Nhưng đây thực chất là một chiêu trò của ông Sơn và một nhóm lợi ích.

PV: Từ đầu ông có nhắc đến cụm từ “nhóm lợi ích”, vậy “nhóm lợi ích” ở đây thực chất là gì?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Là một nhóm người liên kết với nhau nhằm đánh vào tài chính bên Công ty Kim Oanh, mục đích làm kiệt quệ doanh nghiệp này tại tỉnh Bình Dương.

PV: Theo ông những chiêu trò Công ty Thiên Phú mà đại diện là ông Sơn vạch ra là gì? Vạch ra nhằm mục đích gì?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Lúc khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận 7 không nói kiện Công ty Kim Oanh - Công ty trúng đấu giá, nhưng thực chất làm ảnh hưởng đến Công ty này. Kế hoạch của ông Sơn đã vạch ra từ lúc Công ty Kim Oanh trúng đấu giá. Thật ra người bình thường cũng có thể thấy, nếu thật sự Công ty Thiên Phú muốn khiếu nại thì trong thời hạn 45 ngày, Công ty trúng đấu giá không thanh toán đủ tiền, thì họ đã nộp đơn khiếu nại tại thời điểm đó. Đằng này mãi 2 năm sau mới có văn bản khiếu kiện gửi Tòa án nhân dân quận 7 và cơ quan ban ngành. Theo tôi, có việc khiếu kiện này là do giá đất ở khu vực dự án Khu dân cư Hoà Lân này đang tăng lên từng ngày và người ta muốn thâu tóm lại dự án này.

PV: Theo ông, có hay không mục đích cuối cùng của việc khởi kiện, khiếu nại, những rắc rối thời gian qua mà Công ty Thiên Phú làm với Công ty Kim Oanh - bên trúng đấu giá là để thâu tóm lại dự án?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Mục đích là thâu tóm lại dự án và nhằm triệt phá Công ty Kim Oanh.

PV: Ông cho biết, lúc ông nghỉ làm ở Công ty Thiên Phú, họ đã nộp đơn khởi kiện ra tòa hay chưa?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Lúc tôi nghỉ Công ty Thiên Phú thì thời điểm đó chưa có khởi kiện do tôi còn nắm 1% cổ phần trong Công ty Thiên Phú. Khi có khởi kiện gì thì phải họp hội đồng thành viên lại, nên lúc đó ông Sơn đã ép buộc, gây áp lực cho tôi bán lại 1% vốn góp đó cho một đối tượng khác.

PV: Vậy ông đã bán 1% vốn góp chưa?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Tôi không bán nhưng người ta gây áp lực cho tôi. Cho một nhóm người lạ khoảng 10 người đến nhà ra vô để tạo sức ép, ép buộc tôi phải chuyển giao thì mới yên ổn được. Nên tôi đã chuyển 1% vốn góp đó, nhưng tôi không nhận đồng tiền nào từ Công ty Thiên Phú.

PV: Ông có cho rằng việc làm như vậy là bình thường không?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Việc làm như vậy là bất thường. Bất thường ở chỗ một khi Công ty Thiên Phú không còn dự án nào để làm nữa, mà nợ Ngân hàng đã hơn một ngàn mấy trăm tỷ. Nếu không nhắm đến mục đích chiếm lại tài sản này, tại sao lại có người nào đó nhảy vô để mua phần nợ? Mục đích chỉ là để chiếm đoạt lại tài sản từ Công ty Kim Oanh.

PV: Lúc anh còn làm Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú, thì Công ty Thiên Phú có bao nhiêu người và làm những dự án gì?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Công ty gồm 4 người là Tôi, ông Tấn, ông Duy và ông Sơn, không còn người nào khác.

PV: Thế thì người tên là Nguyễn Văn Tuấn là ai và giữ chức vụ gì ở Công ty Thiên Phú?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Tới thời điểm tôi nghỉ tôi cũng không biết ông ấy là ai. Cho tới khi tôi gặp ông ấy ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương, ông ấy ép tôi phải ký chuyển 1% vốn góp, thì tôi mới biết ông ấy là Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú theo uỷ quyền của ông Sơn. Sư việc bất thường như vậy nên tôi cũng đặt ra nghi vấn ông Tuấn này là ai, và ông Tuấn này xuất hiện như thế nào? Câu trả lời là những lần khiếu nại, khiếu kiện tiếp theo đều đứng tên ông Tuấn. Nên tôi nghĩ, ông Tuấn là một trong những người có lợi ích nhóm trong đó.

PV: Ông có thể cho biết, lý do vì sao ông lại quyết định trả lời phỏng vấn, công khai những thông tin này?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Vì tôi thấy bức xúc. Tài sản đã là của người trúng đấu giá rồi, thì không có cơ sở nào để mà thâu tóm lại cả, mua lại, nhiều chiêu trò để giành lại dự án này. Tôi thấy quá bức xúc nên tôi đã có văn bản tôi gửi các cơ quan chức năng rồi.

PV: Ông đã là người của Công ty Thiên Phú, ông có thấy là mình cũng bị những chiêu trò ép buộc vì ông biết quá nhiều thông tin?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Có. Vì trong quá trình làm việc tôi nắm toàn bộ pháp lý Công ty, nắm chi tiết mọi việc từ Công ty, từ việc tham gia tìm đối tác để giải quyết nợ nần, như là tiền sử dụng đất nộp thêm từ 3 dự án. Cái này Công ty Kim Oanh đã bỏ tiền ra để thay Công ty Thiên Phú nộp và bên Ngân hàng cũng xử lý giúp Công ty Thiên Phú.

PV: Ông cho biết mình đã bị gây sức ép như thế nào và lý do vì sao họ làm việc đó?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Họ gây áp lực lên gia đình tôi, kéo những đối tượng xăm trổ đến nhà hỏi tôi như thế nào như thế nào. Sự việc này tôi cũng trình báo Công an thị xã Thuận An thời điểm đó. Bên Công an cũng cho người xuống kiểm tra nhưng mà khi đó tôi đã ký hồ sơ rồi nên nhóm đối tượng này đã lặn đi. Họ làm áp lực vì họ muốn tự quyền quyết định trong Công ty Thiên Phú. Nếu tôi còn là thành viên Công ty Thiên Phú thì việc khởi kiện sẽ khó. Tôi thấy pháp luật vẫn còn đó mà tại sao lại để một doanh nghiệp trở qua trở lại chuyện như vậy.

PV: Ông có muốn chia sẻ điều gì tại buổi trao đổi này không?

Ông Đặng Bình Anh Trọng: Trong phiên đấu giá, Ngân hàng là người có tài sản, Công ty Thiên Phú là người có tài sản bị đấu giá, Công ty Kim Oanh là người trúng đấu giá. Tài sản này đã được Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Chợ Lớn trả giấy chứng nhận cho Công ty Kim Oanh. Cũng theo Kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp, thì nó đã là tài sản của Công ty Kim Oanh. Mong các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương hỗ trợ cho Công ty Kim Oanh sớm thực hiện dự án này vì dự án này đã gần 18 năm. Bây giờ kiếm một quỹ đất ở Thuận An hay Bình Dương như Khu dân cư Hoà Lân thì chắc không còn.

PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.

Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load