Chủ nhật 05/05/2024 01:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đài liệt sỹ Khoái Châu – Lửa thiêng bãi Sậy có còn cháy nữa?

09:40 | 28/10/2023

(Xây dựng) - Đài liệt sỹ huyện Khoái Châu với ý tưởng “Lửa thiêng Bãi Sậy” khánh thành ngày 26/4/2002 và được tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2002. Ngày 25/7/2002, Báo Xây dựng có bài viết “Lửa thiêng Bãi Sậy cháy mãi”, thế mà nay, ngọn lửa thiêng ấy đứng trước nguy cơ không còn cháy nữa.

Đài liệt sỹ Khoái Châu – Lửa thiêng bãi Sậy có còn cháy nữa?
Đài liệt sỹ huyện Khoái Châu.

Dư luận ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang xôn xao xung quanh việc xây lại Đài liệt sỹ của huyện. Đài hiện nay vốn được đặt tên là "Lửa thiêng Bãi Sậy", nên có người lo lắng không biết ngọn lửa ấy có còn cháy nữa?

Phá đi xây mới

Sự việc được biết đến có lẽ là từ cuộc họp Ban Liên lạc cựu Huyện ủy viên các thời kỳ của huyện Khoái Châu ngày 12/10/2023. Trong chương trình cuộc họp, ngoài các nội dung như thường lệ còn có thêm nội dung Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu xin ý kiến các cán bộ lão thành về việc sửa chữa công trình Đài liệt sỹ của huyện được xây dựng cách đây hai chục năm. UBND huyện cũng mời nhà tư vấn đến trình bày phương án “làm mới” lại công trình này.

Nghe nói lý do và phương án được đưa ra là UBND huyện muốn xây dựng một quảng trường trước đài. Dó đó phải nâng cao nền và đài lên, nên sẽ làm lại đài mới bằng đá. Đồng thời hai nhà bia chạy dài hai bên đài hiện nay cũng sẽ làm lại và thay bằng hai nhà bát giác. Hiện chưa biết hình ảnh thiết kế của đài mới sẽ được xây dựng như thế nào, nhưng có thể nói, như thế có nghĩa là sẽ phá toàn bộ công trình hiện có để làm mới.

Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là, có cần thiết phải đập bỏ công trình hiện nay để xây dựng một công trình mới chưa biết có đẹp hơn, hay hơn hay không, nhưng chắc chắn là sẽ tốn kém không ít tiền của, trong lúc địa phương và người dân trong huyện còn đang rất cần tiền cho những công việc khác.

Ngay tại cuộc họp trên, các cán bộ lão thành cũng đặt câu hỏi: Đây là công trình tâm linh mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử của huyện Khoái Châu nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao lòng tự hào về quê hương. Đây cũng là công trình được trao giải của Giải thưởng kiến trúc Quốc gia. Hơn hai mươi năm qua, được sự chăm sóc của nhân dân, của lãnh đạo huyện, công trình đến nay vẫn giữ được chất lượng như mới xây dựng, không bị xuống cấp. Vậy tại sao lại phải phá bỏ, làm lãng phí tiền của của nhân dân trong lúc còn nhiều công trình thiếu kinh phí xây dựng như nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học, trạm y tế, bệnh viện…

Trước khi bàn về sự việc này, cũng cần ngược lại thời gian để biết được hoàn cảnh ra đời và hình dung về kiến trúc cũng như ý nghĩa của công trình hiện nay.

Đài liệt sỹ Khoái Châu – Lửa thiêng bãi Sậy có còn cháy nữa?
Đài liệt sỹ nhìn ở khoảng cách gần.

Lửa thiêng Bãi Sậy

Cách đây hơn hai chục năm, huyện Khoái Châu có kế hoạch xây một công trình để tưởng nhớ và tri ân các liệt sỹ. Lúc đầu, lãnh đạo huyện dự tính làm công trình Đền liệt sỹ, vì thấy các đài liệt sỹ ở nhiều địa phương trong cả nước cứ hao hao giống nhau và như “quả pháo bắn lên trời”. Sau khi nghe kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải (Bộ Xây dựng) trình bày ý tưởng, lãnh đạo huyện lúc đó rất tâm đắc và quyết định đầu tư xây dựng đài.

Địa điểm xây dựng được chọn ở trung tâm thị trấn huyện lỵ, trên khu đất có diện tích 6.000 m2; phía Đông là sông Từ Hồ - Sài Thị, phía Tây là đường tỉnh 377 và bên kia đường là nhà văn hóa huyện Khoái Châu, phía Bắc là đường 383 trục chính thị trấn và phía Nam là nhà dân.

Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng. Nơi đây xưa kia là vùng đầm lầy, lau sậy ngút ngàn, gắn liền với những địa danh trong lịch sử và những nhân vật trong truyền thuyết như đầm Nhất Dạ, bãi Tự Nhiên trong truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử thời Hùng Vương, hay Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục đánh quân nhà Lương giành độc lập cho đất nước… Nói đến Bãi Sậy cũng là nói đến chiến thắng Tây Kết trước quân Tống, là nói đến một cửa Hàm Tử, một bãi Mạn Trù giặc Nguyên tan tác; cuối thế kỷ XIX là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật hướng ứng Chiếu Cần vương, chống lại giặc Pháp xâm lược; hay trong kháng chiến chống Pháp là đội du kích Hoàng ngân, Đông Kết, Sông Giàn, du kích đường 39… Hiện nay vẫn còn địa danh Bãi Sậy thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu gồm ba thôn Bãi Sậy 1, Bãi Sậy 2, Bãi Sậy 3 và các xã Hàm Tử, Dạ Trạch, Đông Kết mà tên tuổi gắn liền với các chiến công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Lấy cảm hứng từ truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương Khoái Châu, với những chiến công gắn liền với với vùng đầm lầy lau sậy, dựa vào lau sậy tiến hành chiến tranh du kích để chống giặc, bảo vệ quê hương đất nước, nhóm tác giả đã thiết kế một đài cao mô phỏng những rừng sậy năm xưa.

Đài gồm bốn cánh mở ra bốn hướng được đặt trên tầng đế hình bát giác có bốn lối lên xuống, tượng trưng cho bốn phương tám hướng của trời đất. Mỗi cánh gồm năm trụ tròn ốp bằng gốm Bát Tràng màu vàng, tạo hình tượng trưng cho các bó sậy của quê hương Bãi Sậy; các bó sậy này được giật cấp từ thấp lên cao và chụm vào bó sậy lớn nhất làm thân đài ở giữa. Trên đỉnh của mỗi “bó sậy” gắn một ngọn đuốc; thân đài ở giữa cao vượt lên và trên đỉnh cao nhất gắn ngọn đuốc lớn nhất. Như vậy, toàn bộ đài được gắn 25 ngọn đuốc, tượng trưng cho 25 thị trấn và xã của huyện Khoái Châu, ban đêm khi thắp sáng hóa thân thành 25 ngọn lửa thiêng lung linh, rực rỡ như ngọn lửa bất diệt.

Hai nhà bia chạy dài hai bên đài liệt sĩ ghi tên các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sĩ của huyện Khoái Châu đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những tấm bia đá cũng ghi công các liệt sỹ vô danh đã hy sinh trên mảnh đất Khoái Châu, cho sự nghiệp bảo vệ đất nước từ ngàn xưa tới bây giờ. Bên đài liệt sỹ được trồng lại gốc đa xưa; bên sông Từ Hồ - Sài Thị được xây lại bến nước năm nào. Bến nước, gốc đa sẽ lại chào đón linh hồn các anh trở về với quê hương.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải từng tâm sự, ông muốn mượn ý “Tả Thanh Thiên” của người xưa để dựng lên hai mươi lăm bó đuốc cũng là hai mươi lăm ngọn bút biểu tượng cho hai mươi lăm xã và thị trấn của Khoái Châu viết lên trời xanh ghi tạc công đức của các nghĩa sỹ, các liệt sỹ, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng như thấy lại năm nào hình ảnh các anh viết những bức huyết thư quyết chí ra đi đền nợ nước.

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 26/7/2001 do Công ty xây dựng công trình giao thông 842 Hà Nội thi công. Từ một khu đất với nhiều nhà cấp 4 lụp xụp đã mọc lên công trình hoành tráng mang nhiều ý nghĩa. Đêm 25/4/2002, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc đó đã về làm lễ cầu siêu. Ngày 26/4/2002, Đảng bộ và nhân dân cùng các lực lượng vũ trang nhân dân Khoái Châu long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình. Từ đó đến nay, công trình tưởng niệm các liệt sỹ đã thực sự làm đẹp thêm trung tâm huyện lỵ Khoái Châu nói riêng và Hưng Yên nói chung.

Thêm một sự kiện có ý nghĩa, năm 2002, công trình đã được trao Giải Ba trong đợt xét tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia. Kiến trúc sư nguyễn Thế Khải cũng tâm sự, Giải Nhất năm đó được trao cho Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài; so với công trình được trao Giải Nhất được đầu tư hàng mấy trăm tỷ, thì công trình Giải Ba do ông thiết kế trị giá chỉ 1,8 tỷ đồng cũng đã là một vinh dự và chứng tỏ ý nghĩa to lớn của Đài Liệt sỹ huyện Khoái Châu. Ông cũng tâm sự, theo thiết kế, phía sau đài còn được trồng thêm rừng sậy để nâng tầm ý nghĩa của biểu tượng tượng đài là Lửa thiêng Bãi Sậy và trồng các cây cao để làm phông cho đài. Tiếc rằng hạng mục này chưa được thực hiện, huyện lại để cho nhiều nhà ở xây dựng bên kia sông Từ Hồ, Sài Thị nên làm giảm cảnh quan của đài.

Đài liệt sỹ Khoái Châu – Lửa thiêng bãi Sậy có còn cháy nữa?
Đài liệt sỹ huyện Khoái Châu.

Can gì mà phải phá đi?

Nói dài dòng như thế là để thấy được lịch sử ra đời của Đài liệt sỹ huyện Khoái Châu, cũng là để thấy được tâm huyết, công sức từ lãnh đạo huyện đến người dân, tác giả kiến trúc và đơn vị thi công và nhất là ý nghĩa to lớn của công trình này. Đài liệt sỹ vừa là biểu tượng của truyền thống bất khuất đánh giặc giữ nước của mảnh đất và con người Khoái Châu, vừa thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh, và bản sắc văn hóa của mảnh đất gắn liền với miền quê Bãi Sậy. Công trình vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, vừa mang ý nghĩa tâm linh và tính giáo dục mãi mãi về sau.

Vậy thì can cớ lại phải phá đi? Về lý do muốn mở rộng làm quảng trường phía trước đài, nhiều người cho rằng, đường trước đài nếu có nâng lên cũng không ảnh hưởng đến đài, vì đường vẫn còn thấp một bậc so với sân hành lễ, rồi từ sân hành lễ còn 9 bậc cấp nữa mới lên đến chân đài. Do đó không cần phá đài vẫn mở rộng được quảng trường.

Hơn nữa, ý nghĩa và giá trị công trình, nhất là công trình mang ý nghĩa lịch sử truyền thống và văn hóa, tâm linh không nằm ở sự to lớn, ở chiều cao công trình. Đài liệt sỹ nếu to cao sẽ tạo sự hoành tráng thật, nhưng nếu không quá cao lại tạo sự gần gũi như hiện có. Còn nếu cứ lấy độ to lớn để đong đo giá trị và ý nghĩa của công trình thì có lẽ, Chùa Một cột ở Hà Nội đã phải phá đi làm lại cho thật hoành tráng từ lâu rồi, và như vậy thì đâu còn di sản đến ngày nay…

Về việc thay đài bằng chất liệu đá, điều này chưa chắc đã là ý tưởng hay, vì chất liệu đài hiện nay vừa thể hiện được ý nghĩa của vùng đất mang tên Bãi Sậy, vừa sử dụng chất liệu truyền thống của dân tộc, lại có sắc vàng gần gũi với màu lúa chín hay cây tre đằng ngà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân… Thế thì tại sao lại phải thay bằng đá cho tốn kém mà chắc gì đã đẹp và ý nghĩa hơn?

Việc phá bỏ hai nhà bia chạy dài hai bên đài để thay bằng nhà bia hình bát giác cũng không phải là ý tưởng hay, nếu không muốn nói là dở. Một số kiến trúc sư phân tích, hiện nay hai nhà bia và đài đã tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh: Khối vươn cao (đài) ở giữa, hai bên là hai nhà bia chạy dài. Vì vậy, nếu bây giờ thay bằng hai nhà bia hình bát giác hai bên sẽ tạo thành ba khối tròn (gồm đài và hai nhà bia), do đó sẽ không phù hợp với tổ chức không gian, tổng thể nhìn sẽ đơn điệu.

Như vậy, tổng hợp lại các điều phân tích ở trên thì việc phá bỏ đài hiện nay để làm mới chỉ có “mất” chứ không “được” gì. Đó là chưa kể sẽ phải đổ vào đó một khoản kinh phí không hề nhỏ đối với một địa phương mà số thu ngân sách chưa phải đã lớn, chưa phải đã thừa tiền; trong khi lại còn rất nhiều việc cần chi như bệnh viện, trạm y tế, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học các cấp và những công trình dân sinh khác…

Mặt khác, đây còn là công trình mang ý nghĩa tâm linh; mà các công trình tâm linh nếu có hư hỏng cũng chỉ nên trùng tu tôn tạo chứ không nên phá bỏ đi để làm một công trình khác. Nhưng công trình đài liệt sỹ nói trên hiện vẫn còn rất tốt nên càng không có lý do gì để đập đi làm mới; nếu cố tình lập dự án mới, rất dễ dẫn đến suy diễn không hay về chuyện “phết phẩy” dự án…

Hơn nữa, công trình mang ý nghĩa tâm linh này lại là nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì nghĩa lớn, đã được Hòa thượng Thích Thanh Tứ (nhà lão thành cách mạng) làm lễ cầu siêu chiêu hồn, mời gọi hương linh các liệt sỹ trở về. Như vậy theo phong thủy, đây cũng là nơi tụ khí thiêng của mảnh đất Khoái Châu. Do đó, theo phong tục truyền thống thì thường người ta rất kiêng kị việc động chạm đến, như ông cha ta vẫn từng quan niệm “không động vào chốn linh thiêng”, vì thường mang đến điều không lành. Việc phá dỡ chốn thiêng lại càng kiêng kỵ, vì không những gây “động”, mà còn làm “tán khí” theo quan niệm phong thủy.

Một vấn đề đặt ra, nếu cứ thế hệ trước xây dựng công trình, rồi thế hệ sau lại phá bỏ để xây lại cho to hơn theo “tư duy nhiệm kỳ” thì cả truyền thống, lịch sử và văn hóa đều đứt gẫy và muôn đời cũng không bao giờ có được di sản; đó là chưa nói đến sự lãng phí tiền của mồ hôi nước mắt của dân đóng góp.

Với những điều phân tích trên, rất mong lãnh đạo huyện Khoái Châu cân nhắc thật kỹ lưỡng việc phá Đài liệt sỹ đi làm mới, để tránh những hậu quả đáng tiếc, kể cả về tài chính và dư luận xã hội cũng như văn hóa tâm linh.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load