Thứ tư 15/01/2025 14:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Công ty Nhật Hằng “tiên phong” lấn chiếm hồ Đại Lải?

16:42 | 19/10/2020

(Xây dựng) - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng là một trong những chủ đầu tư có dự án nghỉ dưỡng sớm nhất ở hồ Đại Lải và cũng là doanh nghiệp bị “tố” đi “tiên phong” trong việc lấn chiếm hồ Đại Lải.

cong ty nhat hang tien phong lan chiem ho dai lai
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m tạo thành hồ 4,2ha cho dự án của mình.

Ở các bài báo trước, Báo điện tử Xây dựng đã phân tích các hồ sơ pháp lý liên quan đến những “lùm xùm” tại các dự án quanh hồ Đại Lải bị “tố” san lấp, xây dựng công trình trái phép. Theo đó, nên tiếp cận dưới góc nhìn hồ Đại Lải ngoài chức năng là công trình thủy lợi, còn là một khu du lịch, nghỉ dưỡng có giá trị phục vụ nhân dân Vĩnh Phúc và nhân dân trong cả nước. Đặc biệt là việc cần làm rõ các cao trình của hồ Đại Lải để khẳng định, việc san lấp hồ có vi phạm hay không?.

Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu hồ sơ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng thấy rằng, bên cạnh những mặt đúng, cũng có không ít những sai phạm không thể phủ nhận của các chủ đầu tư tại đây. Trong đó, điển hình nhất là những vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng.

Ngày 5/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản phê duyệt phạm vi nghiên cứu lập dự án khả thi xây dựng Khu nghỉ ngơi vui chơi, giải trí Trại Thị thuộc Khu du lịch Đại Lải của Công ty TNHH Nhật Hằng. Đến tháng 5/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định phê duyệt chi tiết dự án, cấp 30,1ha thu hồi từ đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất bán ngập của hồ Đại Lải giao Công ty TNHH cho Công ty TNHH Nhật Hằng.

Về sau Công ty TNHH Nhật Hằng đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng (Công ty Nhật Hằng), đồng thời dự án có thêm một nhà đầu tư nữa là Công ty Cổ phần Paradise Đại Lải.

Sau khi được giao đất, Công ty TNHH Nhật Hằng đã cho xây dựng hàng loạt các khu biệt thự cao cấp, khách sạn, khu Làng văn hóa ẩm thực... Và để phục vụ mục đích “mở rộng” đất kinh doanh, Công ty Nhật Hằng đã nhiều lần xin điều chỉnh dự án.

Lần gần nhất, Quyết định phê duyệt điều chỉnh khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải của UBND Vĩnh Phúc ngày 24/10/2017 thể hiện, tổng diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Công ty Nhật Hằng và Paradise Đại Lải tại Quyết định 1508/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 là 37,1662ha. Tại quyết định mới này, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải rộng thêm 7ha.

Có điều, 3 hướng của khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải đã bị các dự án, công trình khác chặn, không thể mở rộng thêm diện tích (Phía Bắc tiếp giáp khu vực sân golf; phía Nam giáp khu nghỉ dưỡng cán bộ lão thành, phía Đông giáp đường). Nếu mở diện tích thêm chỉ còn duy nhất là phía Tây giáp mặt nước hồ Đại Lải. Vì vậy, diện tích 7ha được mở rộng thêm bị nghi ngờ lấn chiếm lòng hồ Đại Lải là có cơ sở?

Theo một số người dân xung quanh hồ Đại Lải, trong quá trình thực hiện các dự án, Công ty Nhật Hằng cũng bị nhiều người dân phản đối quyết liệt vì không đồng ý phương án đền án bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như việc họ san lấp diện tích hồ quá lớn.

Đặc biệt từ năm 2014, Công ty Nhật Hằng đã cho xe chở đất san lấp mặt bằng tại khu vực đập dâng khu vực lòng hồ. Sau đó đổ một con đường vòng, khoanh lòng hồ Đại Lải vào dự án của mình, biến diện tích hồ Đại Lải khoảng 4-5ha thành “hồ” của riêng mình.

Mới đây nhất, Tổng cục Thủy Lợi có Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ rõ sai phạm của Công ty Nhật Hằng như sau: Dự án Khu biệt thự vui chơi và giải trí Đại Lải – Paradise Đại Lải Resort của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng. Hạng mục Khu biểu diễn nghệ thuật đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha… Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định…

Cho dù hiểu như thế nào thì việc đắp một con đường dài 190m trên mặt hồ tạo ra diện tích mặt nước 4,2ha cho riêng mình là hành vi lấn chiếm diện tích mặt hồ Đại Lải. Có điều UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần giao cho các ngành chức năng kiểm tra xem con đường này ở cao độ bao nhiêu (tính cao độ đáy). Nếu điểm đó là 21.5m theo quy định thì cũng thông báo cho dư luận được biết. Trường hợp xây con đường ở cao trình thấp hơn thì buộc phải dỡ bỏ, trả lại mặt nước cho hồ Đại Lải.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Nam Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load