Chủ nhật 08/12/2024 19:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Công ty Hạ tầng IDICO: Khả năng trả nợ yếu

10:42 | 08/02/2023

(Xây dựng) - Sau 2 năm giảm sốc vì Covid-19, lợi nhuận của Công ty Hạ tầng IDICO phục hồi nhưng công ty vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng “Khả năng trả nợ yếu”.

Công ty Hạ tầng IDICO: Khả năng trả nợ yếu

Lợi nhuận phục hồi sau 2 năm lao dốc

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ năm 2020 khiến đa số các ngành kinh tế đều lao đao. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành “vượt bão” thành công. Bất động sản công nghiệp là một trong số đó.

Trước Covid-19, ngành này đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Khi Covid-19 xuất hiện, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt nên Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của những ông lớn FDI. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này tăng trưởng tốt.

Thế nhưng, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (Công ty Hạ tầng IDICO) lại kém may mắn hơn. Năm 2020 và 2021 là thời điểm công ty lao dốc về lợi nhuận dù doanh thu chỉ giảm nhẹ.

Cụ thể, năm 2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19, doanh thu và lợi nhuận của Công ty Hạ tầng IDICO đạt 379 tỷ đồng và 69,9 tỷ đồng. Thế nhưng, bước sang 2020 và 2021, cặp chỉ tiêu này giảm xuống 375 tỷ đồng – 60,1 tỷ đồng và 334 tỷ đồng – 36,2 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 năm Covid-19, tại Công ty Hạ tầng IDICO, doanh thu giảm 45 tỷ đồng, tương đương 11,9%, lợi nhuận sau thuế giảm 33,7 tỷ đồng, tương đương 48,2%.

Sang năm 2022, sự phục hồi đã trở lại khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lên 423 tỷ đồng và 55,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành tích này chủ yếu đến từ 3 quý đầu năm. Tín hiệu kém lạc quan xuất hiện khi Công ty Hạ tầng IDICO lại trở về xu hướng đi lùi trong quý IV/2022.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 mới được công bố của Công ty Hạ tầng IDICO, trong kỳ, doanh thu tăng nhẹ từ 109 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 20,3 tỷ đồng xuống 13,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Công ty Hạ tầng IDICO đi lùi dù công ty nỗ lực cắt giảm tất cả các chi phí quan trọng. Nguyên nhân chính là giá vốn hàng bán tăng khá mạnh, tăng 11,3 tỷ đồng, tương đương 21,1% so với quý IV/2021.

Khả năng trả nợ yếu

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Công ty Hạ tầng IDICO không phải là lợi nhuận quý IV/2022 suy giảm mà là công ty rơi vào tình trạng “Khả năng trả nợ yếu” suốt thời gian dài.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Nợ phải trả tại Công ty Hạ tầng IDICO đạt 1.063 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1.094 tỷ đồng hồi đầu năm. Thế nhưng, Nợ ngắn hạn lại tăng nhẹ, tăng từ 138 tỷ đồng lên 189 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tài sản ngắn hạn dù tăng mạnh nhưng vẫn đứng ở mức rất thấp. Tài sản ngắn hạn tăng 17 tỷ đồng, tương đương 53,6% lên 48,7 tỷ đồng. Có thể thấy, Nợ ngắn hạn cao vượt trội so với Tài sản ngắn hạn. Hồi cuối năm 2022, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) của Công ty Hạ tầng IDICO chỉ là 0,26.

Theo lý thuyết, Hệ số thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Công ty Hạ tầng IDICO nhỏ hơn 1. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Hệ số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 0,23.

Tăng cường vay nợ và nợ thuế

Tại Công ty Hạ tầng IDIDCO, nợ cao vượt trội so với vốn. Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của công ty lên đến 1.063 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 70,4% tổng nguồn vốn công ty.

Công ty Hạ tầng IDICO: Khả năng trả nợ yếu

Năm 2022, Công ty Hạ tầng IDICO ghi nhận Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 764 tỷ đồng xuống 627 tỷ đồng nhưng Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng từ 112 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn “đóng góp” phần lớn khiến Hạ tầng IDICO rơi vào tình cảnh “Khả năng trả nợ yếu”.

Bên cạnh đó, nợ thuế tại công ty cũng tăng vọt. Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 16,1 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng, tương đương 374% so với năm 2021. Trong đó, nợ thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất, đạt 14,6 tỷ đồng.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load