Thứ tư 15/01/2025 12:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Công ty CP xi-măng Tuyên Quang sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài

15:29 | 19/08/2015

Công ty CP xi-măng Tuyên Quang là doanh nghiệp có 55% vốn nhà nước (khi tiến hành cổ phần hóa là 51%, sau đó năm 2012 tỉnh tăng vốn lên 55%). Những năm qua, dù được tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều năm liền, công ty rơi vào tình trạng lỗ triền miên. Ngày 20-6-2006, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Văn bản số 1375/UBND-NLN đồng ý về chủ trương để Công ty CP xi-măng Tuyên Quang đầu tư dự án chế biến gỗ rừng trồng. Theo đó, “Công ty CP xi-măng Tuyên Quang tự quyết định đầu tư, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện dự án, công ty phải cam kết thực hiện đầu tư theo đúng thiết kế công nghệ, thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà máy chế biến gỗ với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh môi trường, sản phẩm sản xuất ra phải có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”.


Chi nhánh Nhà máy chế biến gỗ (Công ty CP xi-măng Tuyên Quang).

Ngày 17- 4-2007, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xi-măng Tuyên Quang Phạm Hồng Phong ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy chế biến gỗ (CBG) công suất 6.000 m3 gỗ thành phẩm/năm, trên diện tích 79.680 m2; với sản phẩm là đồ nội thất, văn phòng (bàn, ghế, giường, tủ, cửa, ván sàn). Dự kiến 85% sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các nước. Tổng mức đầu tư của dự án là 51,8 tỷ đồng; trong đó, vốn tự có là 8,6 tỷ đồng, vốn vay của ngân hàng hơn 43 tỷ đồng.

Khi đưa nhà máy CBG vào hoạt động tháng 1-2009, Công ty CP xi-măng Tuyên Quang ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; theo đó 4,86 m3 gỗ tròn xẻ được 2,48 m3 gỗ xẻ phách, sau khi sấy được 1,8 m3 gỗ phôi quy cách, sau rong phôi tạo được 1 m3 gỗ tinh chế phục vụ chế biến. Qua quá trình hoạt động đã khẳng định, đây là định mức phù hợp cho sản xuất. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, công ty lại ban hành định mức kỹ thuật mới, đưa lên 5,9 m3 gỗ tròn mới sản xuất được 1 m3 gỗ tinh chế, tăng 1,04 m3 gỗ tròn/m3 gỗ tinh chế. Vì vậy, đã làm tăng giá đầu vào, đẩy giá thành sản phẩm lên quá cao, trong khi đó, việc quản lý, giám sát về kỹ thuật cũng như nghiệm thu sản phẩm bị buông lỏng, khiến sản phẩm làm ra hụt kích thước, sai quy cách, chất lượng kém, bị đối tác không chấp nhận. Cụ thể, các hợp đồng với Công ty Shinec Hải Phòng, Công ty Thiện Nam Bắc và hàng loạt các sản phẩm bàn, ghế, tủ... sau khi sản xuất không được khách hàng nghiệm thu. Tuy nhiên, dù không có đơn đặt hàng, nhưng để lấy khối lượng và tính chỉ tiêu giá trị sản xuất, Ban giám đốc Công ty và lãnh đạo nhà máy CBG vẫn chỉ đạo sản xuất nhiều loại sản phẩm, mà không tìm hiểu kỹ thị trường, dẫn đến không có khả năng tiêu thụ, sản phẩm tồn kho, lưu kho nhiều năm, ngày càng xuống cấp, thất thoát. Kể từ khi đưa vào hoạt động (năm 2009) cho đến ngày 31-3-2013, Nhà máy CBG lỗ hơn 34,9 tỷ đồng; hụt kho gỗ phôi sau sấy 933,73 m3 trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Ngày 1-4-2013, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP xi-măng Phạm Xuân Hiển (cuối năm 2011, ông Phạm Hồng Phong được điều động đi nhận công việc mới), thay mặt HĐQT Công ty xi-măng Tuyên Quang, ra nghị quyết thành lập chi nhánh Nhà máy CBG trực thuộc Công ty CP xi-măng Tuyên Quang. Chi nhánh có tư cách pháp nhân, tài khoản, con dấu riêng và hạch toán độc lập. Theo đó, Chi nhánh nhà máy CBG có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước HĐQT, giám đốc công ty về hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước về nộp ngân sách, nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; phát huy hiệu quả đầu tư vốn nhà nước; hằng tháng phải trích nộp chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và các chi phí khác theo quy định là 100 triệu đồng/tháng về công ty.

Dù trong nghị quyết thành lập Chi nhánh đã ghi rõ Chi nhánh phải ban hành quy chế hoạt động, phải được thông qua HĐQT và ban giám đốc công ty, nhưng sau hai năm hoạt động, chi nhánh này không xây dựng được quy chế hoạt động, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, đẩy nhà máy tiếp tục thua lỗ. Tính từ khi ban hành nghị quyết thành lập Chi nhánh (tháng 4-2013) đến hết năm 2014, chi nhánh này tiếp tục để lỗ 8,72 tỷ đồng, nợ các loại bảo hiểm hơn 900 triệu đồng; tiền khấu hao và lãi vay ngân hàng gần 1,6 tỷ đồng cũng không trả nổi. Đến tháng 4-2015, giá trị hàng tồn kho trên sổ sách (gồm nguyên liệu và thành phẩm) tới hơn 10,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị trên thực tế theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty CP tư vấn và thẩm định giá doanh nghiệp, thì giá trị hàng tồn kho chỉ còn 2,09 tỷ đồng.

Theo các báo cáo tài chính của Công ty CP xi-măng Tuyên Quang từ năm 2011 đến năm 2014, thì: Năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ giám sát gồm Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tuyên Quang để xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất; quản lý chi phí, tiền lương, thu hồi công nợ; đồng thời tổ chức đấu thầu nguyên liệu đầu vào, nên năm 2014 số lỗ có giảm. Cụ thể, năm 2011 lỗ 20,43 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 65,108 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 55,117 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 25,693 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tất cả các khoản lỗ này được hạch toán vào giá thành sản xuất sản phẩm xi-măng. Trong khi đó, nghịch lý trên thực tế là, nhiều thời điểm, xi-măng của công ty sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu làm đường bê-tông thôn bản của tỉnh và được trả tiền, nhưng công ty vẫn lỗ; còn người lao động thì bị nợ lương, không được đóng BHXH, BHYT... Công ty CP xi-măng hiện còn nợ 5,178 tỷ đồng tiền bảo hiểm (từ tháng 11-2014 đến tháng 7-2015 chưa nộp BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động). Nhiều trường hợp người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không chốt được sổ bảo hiểm.

Trước thực trạng trên, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh thất thoát nguồn vốn nhà nước, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, giải quyết, xử lý dứt điểm những vướng mắc, khôi phục hoạt động sản xuất ổn định, tìm hướng đi bền vững cho công ty.

Theo: Nhân Dân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load