(Xây dựng) - Sáng 31/3, tại ga Cát Linh, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Đoàn đi thị sát hiện trường dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đánh giá toàn bộ hiện trạng trước khi bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành, khai thác.
Dự án Đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. |
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án Đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam; Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm, đồng thời khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ… dẫn đến dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kì vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô về việc sớm đưa vào khai thác tuyến dự án Đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố, giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những công việc còn lại của dự án; bên cạnh đó Bộ Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp rất tích cực của Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan cùng các chủ thể thực hiện dự án (Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định…) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại của dự án và đã đạt được những chuyển biến tích cực.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu đã nỗ lực giải quyết những khó khăn về nhân sự để hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng công trình và lắp đặt toàn bộ thiết bị của dự án theo hồ sơ thiết kế. Đại diện đơn vị tiếp nhận, khai thác của Thành phố Hà Nội là Công ty Metro Hà Nội cũng đã hết sức nỗ lực với trách nhiệm cao trong việc ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 01/2021 cho đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu. Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư; Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã có ý kiến về kết quả kiểm tra và Hội đồng kiểm tra Nhà nước sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn ACT.
Lực lượng vận hành đã sẵn sàng cho ngày vận hành thương mại. |
Sau 20 ngày chạy thử đánh giá chất lượng cuối năm 2020, hiện dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải nỗ lực hoàn thiện các thủ tục giấy tờ. Nếu hoàn thiện xong các thủ tục, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội Hà Nội để vận hành thương mại.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chót là 31/3/2021 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành đi vào khai thác và Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thiện các thủ tục để bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành. Để chính thức đi vào khai thác thương mại, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc hoàn thiện các thủ tục, các công việc còn lại để đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên trong Metro Cát Linh - Hà Đông. |
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được dự thảo báo cáo của tư vấn đánh giá, trong đó khuyến cáo về an toàn hệ thống thiết bị nhà thầu cung cấp, làm rõ thêm giải pháp để đảm bảo tuân thủ thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về giấy tờ để nghiệm thu cuối cùng, đảm bảo thời gian. Đồng thời để rút ngắn thời gian bàn giao, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Metro Hà Nội kiểm đếm tài sản.
Ga Cát Linh đã sẵn sàng đón khách. |
Tuyến đường từ Cát Linh vào Hà Đông nếu đi trong điều kiện bình thường nhanh cũng mất 45 phút. Đi đường sắt đô thị chỉ mất hơn 20 phút, Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ làm thay đổi thói quen di chuyển bằng phương tiện cá nhân của người dân, giảm thiểu an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Dọc hành lang tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện có 43 tuyến buýt hoạt động, gồm 40 tuyến có trợ giá của thành phố và 3 tuyến không trợ giá, chiếm tới 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt trên địa bàn Hà Nội. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc trung chuyển hành khách của Đường sắt đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có phương án kết nối cụ thể như: Điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng dọc lộ trình tuyến Đường sắt đô thị, như vậy toàn tuyến có 65 điểm dừng với cự ly bình quân giữa các điểm là 400m; đề xuất bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số nhà chờ dọc tuyến là 28.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), sau 20 ngày vận hành thử và an toàn lao động, an toàn hệ thống, vận hành đơn động, liên động, các nhân viên vào đúng vị trí, chuyên gia hỗ trợ giám sát đúng vị trí, đánh giá các lỗi nhỏ có thể xử lý được. Thời gian qua đội ngũ vận hành dự án thực hiện tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả vận hành.
Về thời gian tiếp nhận dự án đưa vào khai thác thương mại sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án và sẵn sàng tiếp nhận khi đủ điều kiện. Trong quá trình dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm, tư vấn ACV của Pháp, Tổng thầu ETC Trung Quốc đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông và Vận tải, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban Quản lý dự án, Metro Hà Nội cùng nhau giám sát chéo để đánh giá an toàn. Đến nay dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành nghiệm thu, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cũng đã cấp chứng nhận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cho dự án. Hiện vẫn còn một số vướng mắc về hồ sơ đánh giá an toàn đang được Ban Quản lý dự án đường sắt làm việc với Tổng thầu để hoàn thiện.
Hiện nay, tuyến Đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đã được phê duyệt và ban hành quy định quản lý, bảo trì và vận hành, khai thác tại Quyết định số 25/QĐ-UBND (ngày 19/10/2020); đã xây dựng và thông qua chính sách giá vé Đường sắt đô thị để cài đặt phần mềm sẵn sàng phục vụ hành khách. Thành phố cũng đã phê duyệt dự án “Hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, và triển khai xong các thủ tục theo quy định.
Nhân viên phục vụ Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. |
Tuyến Đường sắt đô thị số 2A cũng đã tuyển dụng và đào tạo được tổng số 681 người (đào tạo tại Trung Quốc 201 người, tại Việt Nam 450 người). Các nhân sự này đã được kiểm tra đánh giá, nghiệm thu và đảm bảo sẵn sàng vận hành khi tiếp nhận dự án. Tháng 12/2020, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp với chủ đầu tư và tổng thầu, trực tiếp vận hành thử toàn hệ thống đồng thời diễn tập các tình huống khẩn cấp; tiếp nhận 21 quy trình bảo trì và 166 quy trình vận hành của dự án. Trong thời gian vận hành thử nghiệm đã có 5.700 lượt tàu chạy, đạt hơn 70.000km vận hành.
Dự kiến giá vé tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Vé lên tàu 7.000 đồng/người; đi 1 ga 8.000 đồng/người, đi toàn tuyến 15.000 đồng/người, tương đương với giá vé xe buýt.
Để chuẩn bị công tác bàn giao dự án cho Thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Thành phố Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3/2021, giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3-4 tuần). Trên cơ sở báo cáo thực hiện của 02 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Thành phố Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa dự án vào vận hành, khai thác.
Lê Mỹ
Theo